Mỹ mất vị trí đối tác thương mại lớn nhất của EU vào tay Trung Quốc

Minh Đăng - 16/02/2021 19:12 (GMT+7)

(VNF) - Việc sớm kiểm soát đại dịch và thúc đẩy sản xuất đã giúp Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2020.

VNF
Mỹ mất vị trí đối tác thương mại hàng đầu của EU vào tay Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Theo báo cáo được công bố ngày 15/2 của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2020, tỷ trọng thương mại giữa EU - Trung Quốc đạt 586 tỷ Euro (711 tỷ USD), trong khi tỷ trọng giữa EU và Mỹ là 555 tỷ euros (673 tỷ USD).

Cũng theo Eurostat, xuất khẩu của EU sang Trung Quốc đã tăng 2,2% lên 202,5 tỷ euro (246,3 tỷ USD), trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 5,6% lên 383,5 tỷ euro (466,4 tỷ USD).

Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 13,2% trong cùng kỳ và nhập khẩu giảm 8,2%.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc Mỹ mất vị trí đối tác thương mại hàng đầu của EU vào tay Trung Quốc.

Sau cơn chấn động kinh tế hồi đầu năm do dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm. Nó cho thấy Bắc Kinh đang dần trở lại quỹ đạo trước dịch nhờ lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đang phục hồi.

Điều này đã giúp thúc đẩy doanh số các sản phẩm nhập khẩu của châu Âu tại Trung Quốc, đặc biệt là ô tô và hàng hóa xa xỉ, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng đột biến đối với thiết bị y tế và điện tử.

Hợp tác thương mại giữa Mỹ và EU cũng đã bị suy yếu trong năm vừa qua bởi một loạt các hoạt động đáp trả lẫn nhau, dẫn đến việc áp thuế lên thép và các sản phẩm như rượu champagne của Pháp hay xe máy Harley-Davidson.

Thêm vào đó, châu Âu và Mỹ hiện đang đối mặt với nhiều xu hướng chia rẽ và phân cực chính trị trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch bệnh. Điều này đã tác động phần nào tới việc giúp EU và Trung Quốc công bố thỏa thuận đầu tư toàn diện hồi cuối năm 2020.

Thỏa thuận sẽ gỡ bỏ một số rào cản đối với doanh nghiệp EU muốn đầu tư vào Trung Quốc, chẳng hạn các quy định cụ thể về liên doanh và trần sở hữu nước ngoài, trong những ngành như ô tô, điện toán đám mây, bảo hiểm, quản lý tài sản...

Đối với Trung Quốc, thỏa thuận giữ nguyên các quyền tiếp cận thị trường hiện có và mở thêm cánh cửa một số ngành như sản xuất và năng lượng tái sinh.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU có thể gây mâu thuẫn giữa châu Âu với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã nói nhiều về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương để gia tăng sức ép lên Trung Quốc.

Trước khi được đưa vào thực thi, thỏa thuận cần được Bắc Kinh và Brussels chính thức phê chuẩn. Giới chức châu Âu nói rằng EU muốn thỏa thuận có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Xem thêm >> Philippines ví viện trợ quân sự của Mỹ như ‘rải tiền xu’

Theo Politico
Cùng chuyên mục
Tin khác