Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Nợ thuế chồng chất, chủ tịch bị tạm hoãn xuất cảnh
Cục Thuế tỉnh Nghệ An mới đây có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ hàng loạt tài khoản ngân hàng của CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) vì đang nợ thuế gần 940 tỷ đồng và chậm nộp phạt. Số tiền bị cưỡng chế là gần 940 tỷ đồng.
Liên quan đến nợ thuế của công ty này, ngày 20/12/2023, Cục Thuế tỉnh Nghệ An thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT.
Lý do tạm hoãn xuất cảnh vì bà Thành là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này, thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Tập đoàn Thiên Minh Đức được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001, có hệ sinh thái buôn bán xuất nhập khẩu xăng dầu bán lẻ trên toàn quốc. Doanh nghiệp này còn mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, sản xuất giấy, bao bì, dịch vụ nhà hàng, khách sạn,... ở nhiều địa phương.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, mặc dù còn nợ ngân sách tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng một số thương nhân đầu mối đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó từ năm 2017-2022, công ty cho ông Chu Đăng Khoa, Phó Tổng giám đốc và bà Thành mượn số tiền 7.485 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân nêu trên còn nợ công ty tổng số tiền là 1.396 tỷ đồng.
‘Đại gia’ xăng dầu miền Tây bị cưỡng chế thuế hơn 1.100 tỷ đồng
Cục Thuế tỉnh Hậu Giang mới đây đã ban hành quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
Lý do bị cưỡng chế vì doanh nghiệp này có tiền nợ thuế nợ quá 90 ngày quy định. Số tiền bị cưỡng chế hơn 1.100 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 18/12/2023-17/12/2024.
Cũng với lý do trên, vào giữa tháng 12/2023, Cục Thuế TP. Cần Thơ ban hành quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với chi nhánh CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu tại Cần Thơ. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 92 tỷ đồng.
Nam Sông Hậu là doanh nghiệp xăng dầu lớn tại miền Tây, hiện có nhiều chi nhánh tại Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu,...
Ngoài lĩnh vực xăng dầu, doanh nghiệp này còn hoạt động thêm một số lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
Ông lớn bị tước giấy phép, lãnh đạo vướng lao lý
Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành dừng thủ tục hải quan với xăng dầu, nguyên liệu của Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) và Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Theo Tổng cục Hải quan, 2 doanh nghiệp này đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Do đó, đến thời điểm hiện tại, 2 doanh nghiệp này không đủ điều kiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu để pha chế xăng dầu.
Trước đó, ngày 23/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Hải Hà Petro cùng các đơn vị có liên quan.
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Hải Hà Petro.
Vào ngày 12/1, Hải Hà Petro là một trong những đầu mối kinh doanh xăng dầu bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép do lạm dụng Quỹ bình ổn giá, nợ thuế.
Hải Hà Petro, có trụ sở tại Thái Bình, là doanh nghiệp đầu mối có mạng lưới đại lý, cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Hải Hà Petro sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 11/2023, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối này là 612 tỷ đồng. Đến nay, Hải Hà Petro nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế.
Cùng nguyên nhân sai phạm về Quỹ bình ổn giá và nợ thuế, Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép từ tháng 8/2023.
Sổ theo dõi tình hình nợ thuế đến kỳ tháng 8/2023 ghi nhận Xuyên Việt Oil còn nợ ngân sách Nhà nước trên 1.528 tỷ đồng.
Xuyên Việt Oil thành lập năm 2005, có trụ sở tại TP.HCM, chiếm thị phần khoảng 40% tại khu vực TP.HCM và một số tỉnh Nam Trung Bộ trước khi bị rút giấy phép. Doanh nghiệp cũng từng có nhiều vi phạm về xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu.
Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng. Số thuế còn nợ này phát sinh trên tờ khai tháng, từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022.
Theo báo cáo tài chính của Xuyên Việt Oil, tại ngày 31/12/2022, công ty có tổng tài sản 8.483 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến 9.015 tỷ đồng, giữa bối cảnh công ty thua lỗ triền miên. Một trong những chủ nợ lớn nhất của Xuyên Việt Oil là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Cơ quan an ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam hai bà: Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc, Nguyễn Thị Như Phương, Phó giám đốc, về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Sa lầy trong nợ xấu ngân hàng
Trong 179 doanh nghiệp nợ đọng hơn 494 tỷ đồng tiền thuế do Cục Thuế tỉnh Ninh Bình công bố, đứng đầu danh sách là Công ty TNHH Trung Linh Phát - 1 trong 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu - với số nợ tới trên 178 tỷ đồng.
Tháng 10/2023, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Trung Linh Phát.
Không chỉ nợ thuế "khủng", doanh nghiệp này còn sa lầy trong các khoản nợ xấu ngân hàng. Hồi cuối tháng 10/2023, BIDV chi nhánh Nam Định đã bán đấu giá tài sản là 3 bất động sản của công ty này ở phố Vinh Quang, phường Ninh Khánh, TP.Ninh Bình với giá khởi điểm hơn 20 tỷ đồng để thu hồi nợ.
Trước đó, hồi tháng 3/2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải cũng thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ninh Bình của Công ty TNHH Trung Linh Phát trong đó có một số giấy chứng nhận đứng tên bà Vũ Thị Thu Thảo, Tổng Giám đốc và ông Trần Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty này.
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.