Nạn đói năm 2022: 'Lửa' đang lan trên cánh đồng lúa mì

Quỳnh Anh - 20/06/2022 07:16 (GMT+7)

(VNF) - Trong hàng chục năm qua, nguy cơ về nạn đói toàn cầu đã phần nào giảm bớt nhờ những nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực của các tổ chức, các quốc gia và toàn bộ người dân thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga-Ukraine đã một lần nữa khiến nỗi lo đói nghèo trở nên thực tế hơn bao giờ hết.

VNF
Nạn đói năm 2022: 'Lửa' đang lan trên cánh đồng lúa mì

Đại dịch Covid-19: Mồi lửa lớn ban đầu

Đại dịch Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu lên cao kỷ lục, phá vỡ chuỗi cung ứng thực phẩm, tạo ra những tác động tàn khốc đối với nạn đói trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những nhóm dân số nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2020 đánh dấu mức độ đói và suy dinh dưỡng trên thế giới ở mức nghiêm trọng hơn nhiều so với 5 năm trước đó. Ước tính, số người thiếu dinh dưỡng đã tăng lên khoảng 768 triệu người vào năm 2020, tương đương 10% dân số thế giới và tăng khoảng 118 triệu người so với năm 2019.

Cũng trong năm 2020, có tới 811 triệu người rơi vào cảnh đói, với khoảng 418 triệu người tại châu Á, 282 triệu người ở châu Phi, khoảng 60 triệu người tại Mỹ Latinh và Caribe. Trong đó, châu Phi là khu vực chứng kiến nạn đói gia tăng mạnh nhất, nơi tỷ lệ suy dinh dưỡng ước tính ở mức 21% dân số, cao hơn gấp đôi so với bất kỳ khu vực nào khác, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).

Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng nếu không có hành động phối hợp quy mô lớn, cuộc khủng hoảng này có thể gây ra “hậu quả đối với sức khỏe và dinh dưỡng ở mức độ nghiêm trọng và quy mô chưa từng thấy trong hơn nửa thế kỷ”, khiến hơn 43 triệu người tại 38 quốc gia trên toàn cầu có nguy cơ rơi vào nạn đói hoặc các tình trạng tương tự như nạn đói.

Một nghiên cứu gần đây kết luận rằng vào cuối năm 2022, cuộc khủng hoảng dinh dưỡng do Covid-19 có thể khiến 13,6 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể gầy còm hoặc suy dinh dưỡng cấp tính, thêm 2,6 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và thêm 283.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong.

Nhà quản lý chính sách tại Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) Australia, ông Dane Moores, cho rằng một “công thức thảm hoạ” từ thời kỳ đại dịch đã khiến nạn đói thế giới trở nên tồi tệ hơn. “Công thức” này bao gồm 3 thành phần: giá thực phẩm tăng cao, tình trạng mất việc làm do đại dịch và khả năng tiếp cận các dịch vụ dinh dưỡng của người dân.

Bộ 3 thành phần trong công thức này là những yếu tố gắn kết chặt chẽ với nhau và mang tính hệ quả. Một mặt, dịch bệnh khiến người dân mất thu nhập hoặc mất việc làm, buộc họ phải giảm chi tiêu cho thực phẩm. Mặt khác, các biện pháp phong toả phòng dịch lại làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm, giảm sự dịch chuyển lao động và mức độ sẵn có của các sản phẩm đầu vào như hạt giống và phân bón, điều này đã ảnh hưởng đến sự sẵn có của thực phẩm và làm tăng chi phí sản xuất và vận chuyển.

Xung đột Nga - Ukraine: Thêm dầu vào ngọn lửa đang cháy

Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine, bùng nổ từ ngày 24/2/2022, vừa tạo thêm sự bất ổn lương thực mới, vừa làm nổi bật những yếu kém tồn tại trong hệ thống an ninh lương thực quốc tế. FAO cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng vì chiến sự ở Ukraine đe dọa nguồn cung cấp các loại cây trồng chủ lực.

Do tác động từ xung đột này, kết hợp với những bất ổn đã tồn tại trước đó như đại dịch Covid-19, khủng hoảng chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và các sự kiện thời tiết cực đoan, FAO dự kiến sẽ có thêm 48,9 triệu người phải trải qua nạn đói cấp tính trong năm nay.

Nga và Ukraine là hai nước trồng và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì toàn cầu. It nhất 50 quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung này, bao gồm nhiều quốc gia kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Ðông. Xung đột đã làm gián đoạn việc xuất khẩu lúa mì, ngô và lúa mạch từ những quốc gia này và kết quả là giá lương thực cùng phân bón đã tăng vọt.

Dù giá lúa mì đã tăng từ nửa cuối năm 2020, nhưng đến cuối tháng 2 năm nay, thời điểm cuộc xung đột nổ ra, giá loại lương thực này đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Giá lúa mì và lúa mạch tăng gần 1/3, dầu hạt cải và dầu hướng dương tăng hơn 60%. Giá urê, một loại phân đạm quan trọng, đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm qua do giá năng lượng tăng.

Không chỉ vậy, cuộc xung đột tại Đông Âu cũng khiến nguồn cung lương thực thắt chặt hơn nữa khi các quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ngưng cung cấp ra ngoài để đảm bảo nguồn cung trong nước. Theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có khoảng 22 quốc gia với 41 lệnh hạn chế xuất khẩu hoặc cấm xuất khẩu lương thực, chưa kể các hạn chế xuất khẩu đối với nhiên liệu đầu vào, hạt giống và phân bón.

Cuộc chiến này cũng ảnh hưởng đến khả năng các cơ quan quốc tế cung cấp viện trợ lương thực đến các quốc gia đang phải hứng chịu nạn đói hoặc các cuộc xung đột vũ trang khác. Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo rằng xung đột tại Ukraine đang đe dọa phá hủy thành quả mà WFP đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ. Trước khi xảy ra xung đột, 50% lượng ngũ cốc mà WFP hỗ trợ các nước được mua từ Ukraine.

Nỗ lực “ngăn ngọn lửa cháy lan ra cả cánh đồng”

Ngày 18/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói kéo dài nhiều năm nếu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay không được giải quyết. Ông Guterres cho biết Liên hợp quốc đang tăng cường tiếp xúc chặt chẽ với Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Kiev.

Ngày 1/6, tại một cuộc họp ở Stockholm (Thuỵ Điển), ông Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh cần chấm dứt xung đột ngay lập tức do nguy cơ tiềm tàng một cuộc khủng hoảng đa tầng trên toàn thế giới, trong đó 3 lĩnh vực chịu áp lực chính là lương thực, năng lượng và tài chính, trực tiếp ảnh hưởng tới những người dân, những quốc gia và những nền kinh tế yếu ớt nhất.

Bên cạnh Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, WTO và nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các quốc gia cũng cam kết chi hàng trăm triệu USD cho các nỗ lực liên quan tới việc cung cấp lương thực cho các nước nghèo và thúc đẩy chuỗi cung ứng thực phẩm trên thế giới.

Nếu không thể kết thúc xung đột và hạ cấp các nguy cơ trước mắt, khoảng 660 triệu người có thể vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030 do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột đối với an ninh lương thực toàn cầu.

“Xoá đói” là mục tiêu thứ 2 trong số các “Mục tiêu phát triển bền vững” của thế giới trong giai đoạn 2030. Vì vậy, theo các nhà quan sát, nếu nạn đói toàn cầu xảy ra vào thời điểm hiện tại, đây sẽ là một cơn “địa chấn” xoá bỏ toàn bộ công sức đẩy lùi nạn đói trên thế giới từ trước tới nay, đồng thời đẩy hàng chục triệu người dân vào cảnh cùng cực.

Cùng chuyên mục
Tin khác