Quan chức Nga: Chính sách tiền tệ của Mỹ có thể gây ra nạn đói toàn cầu trong năm nay

Quỳnh Anh - 20/05/2022 15:39 (GMT+7)

(VNF) - Maksim Oreshkin, một phụ tá của Tổng thống Vladimir Putin, cho biết nỗ lực của Mỹ nhằm tiếp quản nguồn dự trữ ngũ cốc của Ukraine có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này và dẫn đến tình trạng thiếu ngũ cốc trên toàn cầu.

VNF
Nga lên án phương Tây khiến nguy cơ về nạn đói toàn cầu tăng cao.

Theo quan chức này, một nạn đói toàn cầu có thể bùng phát vào mùa thu tới. Nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói toàn cầu tiềm tàng này là do giá lúa mì trên thị trường thế giới tăng, xuất phát từ chính sách tiền tệ “vô trách nhiệm” của Washington, RT trích lời ông Maksim.

“Cho đến khoảng năm 2020, giá lúa mì trên thị trường thế giới vẫn ổn định, nhưng sau khi đồng USD tăng lên, bắt đầu vào khoảng tháng 7/2020, giá bắt đầu tăng mạnh,” ông Maksim nói, đề cập đến các biện pháp của Washington nhằm hạn chế tác động của dịch Covid- 19 đối với nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, theo ông Oreshkin, những hành động gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có khả năng khiến tình hình vốn đã nguy cấp sẽ trở nên trầm trọng hơn.

“Trên thực tế, những gì Mỹ đang cố gắng làm với Ukraine hiện nay là lấy đi nguồn dự trữ ngũ cốc mà Ukraine hiện đang sở hữu. Đây chỉ là một hành động khác khiến Ukraine phải đối mặt với các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng, nhưng cũng khiến cộng đồng toàn cầu gặp phải những vấn đề lớn”, quan chức này cảnh báo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng tuyên bố rằng mối đe dọa về nạn đói toàn cầu là kết quả từ "nỗi ám ảnh trừng phạt" của phương Tây.

Giá lúa mì đã tăng hơn 60% trong năm nay, với mức tăng đột biến mới nhất gây ra bởi gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Trong khi đó, 2 nước Nga, Ukraine chiếm gần 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau khi các nhà cung cấp ngũ cốc lớn là Nga, Kazakhstan và Ấn Độ cấm xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung cấp lương thực trong nước.

Theo tin tức từ New Delhi, giá lúa mì kỳ hạn đã tăng 5,9% vào đầu tuần này, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 12,68 USD/bushel (tương đương khoảng 36 lít) trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, trước khi điều chỉnh nhẹ trong những ngày tiếp theo. Tại thị trường châu Âu, giá đạt mức cao lịch sử khoảng 461 USD/tấn.

Trước nguy cơ về một nạn đói toàn cầu có thể xảy ra trong năm nay, Liên hợp quốc cũng đã tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng về an ninh lương thực toàn cầu hôm 18/5, trong đó Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết các sản phẩm thực phẩm và phân bón từ Nga, Ukraine và Belarus phải được phép bán trên thị trường thế giới nếu cộng đồng toàn cầu muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra.

Ông Guterres nhấn mạnh: “Hãy nói rõ rằng, không có giải pháp nào hiệu quả hơn cho cuộc khủng hoảng lương thực ngoài sự tái hòa nhập của sản xuất lương thực Ukraine, cũng như thực phẩm và phân bón do Nga và Belarus sản xuất vào các thị trường thế giới”.

Đầu tháng này, ông Guterres cảnh báo rằng 1/5 nhân loại có nguy cơ đói nghèo do tình hình thị trường ngũ cốc hiện nay, với giá lúa mì tăng vọt sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và Belarus.

Tổng thư ký LHQ cũng đề nghị Moscow nên ngừng chặn việc xuất khẩu thực phẩm từ các cảng của Ukraine. Đồng thời, phân bón và các sản phẩm thực phẩm từ Nga cũng nên được phép bán ra thị trường thế giới mà không gặp trở ngại.

Về phía Nga, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga ông Dmitry Medvedev mới đây lưu ý Nga sẵn sàng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình, nhưng nước này cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác thương mại. Theo ông Medvedev, Moscow sẽ không xuất khẩu lương thực, thực phẩm nếu việc này khiến thị trường trong nước bị ảnh hưởng và tổn hại.

Xem thêm >> Giá phân bón tăng vọt làm dấy lên lo ngại về nạn đói toàn cầu

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác