Giá phân bón tăng vọt làm dấy lên lo ngại về nạn đói toàn cầu
Quỳnh Anh -
23/03/2022 19:50 (GMT+7)
(VNF) - Các biện pháp trừng phạt mới nhất áp dụng đối với Nga và Belarus đã khiến giá phân bón toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại. Hai quốc gia này là những nhà xuất khẩu kali lớn, rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp toàn cầu vốn đang lao đao vì những gián đoạn liên quan đến đại dịch.
Tuần trước, giá phân bón đã tăng gần 10% lên mức cao nhất từng được ghi nhận, theo Chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ của Green Markets. Chỉ số cho thấy giá phân bón hiện tại cao hơn 40% so với một tháng trước, trước khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu.
Giá amoniac, nitơ, kali, urê, phốt phát, sunfat và nitrat cũng đã tăng 30% kể từ đầu năm, vượt qua cả mức cao nhất từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Mức tăng đối với phân bón là do bị ảnh hưởng phần nhiều bởi nguồn cung từ Nga và Belarus. Được biết, Nga và Belarus là những nhà xuất khẩu lớn một số hợp chất bón phân quan trọng, bao gồm urê và kali. Giá urê đã tăng 60% kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hai nước. Ví dụ, giá urê hạt đục tại Nola (Mỹ) đang giao dịch ở mức cao nhất trong 34 năm là 880 USD/tấn so với mức 182 USD được ghi nhận vào năm 2020.
Năm 2021, Nga là nước xuất khẩu phân đạm hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp lớn thứ hai về cả phân bón kali và phân lân, chiếm 14% xuất khẩu phân bón toàn cầu, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc.
Thương mại giữa Nga và phần còn lại của thế giới đã bị gián đoạn nghiêm trọng từ sau cuộc tấn công Ukraine, và sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trên các thị trường thực phẩm toàn cầu, theo CRU.
Các nền kinh tế trên thế giới đã và đang đối phó với tình trạng lạm phát cao trong lịch sử chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt. Chỉ số Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc cho thấy giá lương thực đang ở mức cao nhất mọi thời đại, nên tình trạng thiếu phân bón kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất canh tác dài hạn.
Trưởng bộ phận Phân bón của CRU Chris Lawson chia sẻ với CNBC: “Với thị trường ngũ cốc và hạt có dầu vốn đã eo hẹp, cũng như tầm quan trọng của cả Nga và Ukraine trong các thị trường đó, lạm phát giá lương thực là một nguy cơ ngày càng nổi bật”.
Giá phân bón tăng cao cũng trở nên trầm trọng hơn do chi phí khí đốt tự nhiên tăng, vì khí đốt là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón gốc nitơ. Giá năng lượng đã tăng vọt trong bối cảnh EU có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga và các lệnh cấm do Mỹ và một số quốc gia khác áp đặt.
Không những vậy, tình hình cũng đang trở nên trầm trọng hơn do lệnh cấm xuất khẩu phân bón của Trung Quốc, chủ yếu là nitơ và phốt phát. Biện pháp này có hiệu lực vào tháng 6/2022, được thực hiện nhằm hạn chế việc tăng giá lương thực trong nước.
Hơn nữa, tranh chấp lao động tại Đường sắt Thái Bình Dương của Canada dự kiến sẽ gây thêm áp lực lên chuỗi logistic toàn cầu. Nutrien của Canada, nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, cho biết họ có thể khắc phục được tình trạng ngưng vận chuyển hàng hoá trong vài ngày, nhưng nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn, công ty sẽ phải cân nhắc tới việc giảm tốc sản xuất kali.
Trước nhiều nguy cơ liên quan tới nguồn cung phân bón và giá cả leo thang, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã cảnh báo “tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng” cho hàng chục quốc gia trải dài khắp Châu Mỹ Latinh, Trung Phi, Trung Đông và Trung Á do xung đột và điều kiện môi trường thất thường.
David M. Beasley, giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cũng nói với The New York Times rằng thế giới đang trên bờ vực của tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ Hai.
Trước đó, trong một nghiên cứu hồi đầu tháng, Giám đốc Barclays Anh, nhà kinh tế cao cấp châu Âu Fabrice Montagné và Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Christian Keller cũng cảnh báo rằng quy mô và cường độ cú sốc nguồn cung phân bón có thể gây ra những tác động như cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 và trở thành mồi lửa cho những bất ổn kinh tế, chính trị và bất ổn xã hội ở các quốc gia, cả ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone