Nâng cấp HoSE-Index, sàng lọc khắt khe cổ phiếu vào VN30

Thái Hà - 03/01/2025 10:00 (GMT+7)

(VNF) - Với bộ quy tắc phiên bản 4.0, điều kiện gia nhập VN30 sẽ trở nên khắt khe hơn. Đáng chú ý, HoSE sẽ đánh giá lợi nhuận sau thuế trước khi xét đến giá trị vốn hoá.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý bộ chỉ số HoSE-Index phiên bản 4.0.

Quy tắc mới thay thế phiên bản 3.1 được ban hành ngày 25/10/2022, dự kiến sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký quyết định (30/12/2024). Theo đó, 6 chỉ số thuộc HoSE-Index, bao gồm VN30, VNMidcap, VNSmallcap, VN100, VNAllshare và VNAllshare Sector Indices, sẽ có một số cải tiến.

Quy tắc chỉ số HoSE-Index phiên bản 4.0 cải tiến 5 nội dung so với phiên bản 3.1

Tại mục 3.1, HoSE bổ sung định nghĩa lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế là lợi nhuận sau thuế được thu thập từ báo cáo tài chính bán niên được soát xét gần nhất hoặc báo cáo tài chính năm được kiểm toán gần nhất của tổ chức niêm yết.

Đối với trường hợp tổ chức niêm yết là công ty mẹ, HoSE sẽ sử dụng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất. Trong trường hợp tổ chức niêm yết là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc, lợi nhuận sau thuế sẽ được xác định từ báo cáo tài chính tổng hợp.

Đây cũng sẽ là một trong những cơ sở để HoSE thực hiện cơ cấu danh mục chỉ số.

Tại mục 4.3.1, bộ quy tắc phiên bản 4.0 điều chỉnh các tiêu chí sàng lọc về thanh khoản đồng thời bổ sung tiêu chí lợi nhuận sau thuế khi xem xét danh mục cổ phiếu thành phần rổ VN30. Theo đó, các yêu cầu đều trở nên khắt khe hơn.

Cụ thể, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung vị 12 tháng tối thiểu tăng từ 100.000 cổ phiếu lên 300.000 cổ phiếu mỗi phiên. Giá trị giao dịch khớp lệnh trung vị 12 tháng tối thiểu tăng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.

Sau khi tiến hành sàng lọc theo thanh khoản và loại trừ các cổ phiếu thuộc diện cảnh báo, HoSE sẽ xét đến lợi nhuận, thay vì tiêu chí giá trị vốn hoá thị trường như trước kia. Theo đó, các cổ phiếu phải thuộc trường hợp doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế (theo định nghĩa tại Mục 3.1) là số dương.

HoSE cũng lưu ý, đơn vị này sẽ chỉ xét các báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán là chấp nhận toàn phần. Trường hợp cổ phiếu có lợi nhuận sau thuế dương và báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán là chấp nhận toàn phần nhưng có nội dung vấn đề lưu ý, vấn đề cần nhấn mạnh hoặc vấn đề khác của đơn vị kiểm toán, trước khi quyết định, HoSE sẽ lấy ý kiến tham vấn của Hội đồng chỉ số về việc loại bỏ các cổ phiếu này hay không.

Tại mục 7, HOSE bổ sung mức giới hạn tỷ trọng vốn hóa của nhóm cổ phiếu cùng ngành thuộc VN30 là 40%. Ngưỡng giới hạn tỷ trọng vốn hóa vẫn được giữ nguyên ở mức 10% khi áp dụng cho một cổ phiếu đơn lẻ và 15% đối với một nhóm cổ phiếu liên quan thuộc chỉ số.

Tại mục 10, HoSE cập nhật thông tin về chuẩn phân ngành GICS. Theo đó, GICS chuẩn phân ngành dành cho thị trường chứng khoán do S&P Dow Jones Indices kết hợp với MSCI xây dựng. Đây cũng là thương hiệu độc quyền của S&P và MSCI và cấp quyền cho HoSE sử dụng.

Cuối cùng, tại mục 11, HoSE điều chỉnh một số mốc thời gian công bố thông tin. Những thay đổi này tập trung vào việc sử dụng ngôn từ chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quá trình thực hiện.

Thay đổi về chính sách công bố thông tin tập trung vào việc sử dụng ngôn từ chặt chẽ hơn

HoSE-Index là bộ chỉ số vốn hóa có thể đầu tư được bao gồm các cổ phiếu niêm yết trên HoSE đáp ứng các yêu cầu sàng lọc về tư cách, tỷ lệ tự do chuyển nhượng và thanh khoản. Bộ chỉ số này chiếm hơn 90% giá trị giao dịch và hơn 80% giá trị vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán niêm yết tại HoSE. Trong đó, chỉ số VN30 được áp dụng từ ngày 6/2/2012, với nhóm cổ phiếu 30 chiếm 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Liên quan đến danh mục chỉ số VN30, ngày 20/1 tới đây, HoSE sẽ công bố danh mục thành phần kỳ tháng 1/2025. Các ETF tham chiếu theo rổ chỉ số sẽ hoàn thành cơ cấu vào ngày 31/1và thay đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 3/2.

Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, với mức vốn hoá hiện tại, cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam sẽ thế chân cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – Công ty CP (PV Power) trong kỳ cơ cấu lần này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 4 ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu bao gồm: DCVFM VN30, SSIAM VN30, MAFM VN30, và KIM Growth VN30. Trong đó, DCVFM VN30 ETF là quỹ có quy mô lớn nhất tham chiếu theo bộ chỉ số này với giá giá trị tài sản ròng vào gần 6.800 tỷ đồng.

Chứng khoán Yuanta dự báo, với việc được thêm vào rổ chỉ số VN30, DCVFM VN30 ETF mua hơn 9 triệu cổ phiếu LPB. Còn theo ước tính của SSI Research, sẽ có khoảng 15,2 triệu cổ phiếu LPB sẽ được các ETF liên quan mua vào. Trong khi đó, toàn bộ hơn 3,2 cổ phiếu POW sẽ bị bán ra.

HoSE 'cải tiến' rổ VN Diamond: Thế nào là ‘cổ phiếu kim cương’?

HoSE 'cải tiến' rổ VN Diamond: Thế nào là ‘cổ phiếu kim cương’?

Tài chính
(VNF) - Hai thay đổi lớn nhất tại phiên bản 3.0 cải tiến rổ chỉ số VN Diamond là thanh khoản của cổ phiếu và điều kiện lựa chọn rổ chỉ số. Nếu như yêu cầu về mức thanh khoản trở nên “khắt khe” hơn thì các tiêu chí khi lựa chọn rổ chỉ số sẽ được "nới lỏng".
Cùng chuyên mục
Tin khác