Nền kinh tế bạc, một số gợi mở cho Việt Nam
(VNF) - Nền kinh tế bạc (Silver Economy) là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hoạt động kinh tế liên quan đến việc phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Cùng với sự già hóa dân số, nền kinh tế bạc ngày càng nhận được sự quan tâm của các quốc gia.
Một số vấn đề chung về nền kinh tế bạc
Theo định nghĩa từ Oxford Economics, nền kinh tế bạc bao gồm mọi hoạt động kinh tế liên quan đến tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của những người từ 50 tuổi trở lên, cũng như ảnh hưởng kinh tế mà việc tiêu dùng này tạo ra. Khái niệm nền kinh tế bạc bắt nguồn từ thuật ngữ “thị trường bạc” xuất hiện ở Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất trong những năm 1970, để chỉ thị trường cho người cao tuổi, tập hợp các lĩnh vực đa dạng như y tế, ngân hàng, ô tô, năng lượng, nhà ở, viễn thông, giải trí và du lịch, cùng những lĩnh vực khác.
Phát triển nền kinh tế bạc được coi là xu hướng tất yếu trong bối cảnh già hóa dân số. Trong một báo cáo công bố vào đầu năm 2023, Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc xác định "già hóa dân số" là một xu hướng mang tính toàn cầu. Con người sống lâu hơn nhờ những bước tiến vượt bậc về y tế, điều trị y khoa, tiếp cận giáo dục và giảm tỷ lệ sinh. Ước tính thế giới hiện có trên 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên trên thế giới cũng tăng nhanh chóng. Khi tuổi tác tăng lên, nhu cầu về sức khỏe thể chất, chăm sóc hàng ngày và chăm sóc dài hạn của người cao tuổi cũng tăng lên đáng kể.
Đặc biệt, người cao tuổi trên 80 tuổi có nhu cầu đặc biệt cấp thiết về các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, bao gồm nhiều cấp độ hỗ trợ cuộc sống, chăm sóc phục hồi chức năng, phòng ngừa và quản lý bệnh tật. Bên cạnh đó, với thời gian rảnh rỗi nhiều hơn, nền tảng kinh tế ổn định hơn, người cao tuổi ngày càng có xu hướng theo đuổi những hoạt động có thể làm phong phú đời sống tinh thần, giúp họ thích ứng tốt hơn với những thay đổi trong cuộc sống hưu trí như tham gia du lịch, trau dồi sở thích, tham gia các hoạt động văn hóa…
Theo nghiên cứu, bên cạnh những điểm chung, mỗi nhóm người cao tuổi ở các độ tuổi khác nhau có những nhu cầu riêng, nếu như người mới nghỉ hưu hướng nhiều tới đời sống cộng đồng, văn hóa và giải trí thì nhóm người cao tuổi hơn hướng nhiều tới chăm sóc sức khỏe và nhóm người rất cao tuổi hướng tới chăm sóc sức khỏe, sự an nhàn và tiện nghi trong cuộc sống. Với những đặc điểm nêu trên, già hóa dân số được coi là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội toàn cầu; các quốc gia đang tìm cách giải quyết các vấn đề do già hóa dân số gây ra thông qua việc phát triển nền kinh tế bạc.
Có thể khẳng định, sự già hóa dân số và nhu cầu đặc thù của người cao tuổi là cơ sở nền tảng của nền kinh tế bạc, thúc đẩy hình thành trụ cột mới phát triển kinh tế chất lượng cao nhằm duy trì, giảm bớt gánh nặng kinh tế dành cho người cao tuổi, thúc đẩy sự hài hòa và ổn định xã hội đồng thời là động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao. Những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi ở mọi lứa tuổi là rất quan trọng để nắm bắt chính xác xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế bạc và cung cấp các dịch vụ chu đáo và chất lượng cao hơn cho người cao tuổi.
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy nền kinh tế bạc ngày càng được quan tâm ở các quốc gia. Năm 2020, thị trường toàn cầu cho sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi được ước tính đạt giá trị khoảng 15 nghìn tỷ USD. Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế bạc, do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở châu Âu, nền kinh tế bạc chiếm khoảng 25% GDP, với những quốc gia như Ý và Đức có tỷ lệ dân số cao tuổi đặc biệt cao. Phạm vi của nền kinh tế bạc không chỉ bao gồm chăm sóc sức khỏe mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đó, nền kinh tế bạc tác động đến nhiều lĩnh vực của kinh tế: giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số... Rất nhiều lĩnh vực, ngoài giá trị xã hội, còn tạo ra cơ hội đầu tư, khởi nghiệp, tạo việc làm.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng các chính sách về nền kinh tế bạc và phát triển nền kinh tế bạc đạt được những thành tựu đáng kể. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập tới kinh nghiệm của một số quốc gia qua đó có thể tìm kiếm những tham khảo, giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam để vừa giải quyết vấn đề xã hội của người già, vừa tạo ra một nền kinh tế khổng lồ, một động cơ mới cho nền kinh tế đất nước.
Qua kinh nghiệm của một số quốc gia nêu trên, có thể thấy cùng với sự già hóa dân số, nền kinh tế bạc ngày càng được quan tâm, phát triển và đã đạt được những thành tựu nhất định. Mỗi quốc gia có cách tiếp cận, chính sách khác nhau nhưng có một số kinh nghiệm, bài học điển hình mà các quốc gia khác có thể tham khảo, học hỏi ở những mức độ khác nhau. Cụ thể là: (i) Nhận thức sâu sắc về thách thức và cơ hội đối với nền kinh tế từ sự già hóa dân số; (ii) Hoạch định chính sách, định hướng các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu của nhóm người cao tuổi của các quốc gia. Các lĩnh vực thường được các quốc gia ưu tiên bao gồm: chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng và bất động sản, công nghệ cao…(iii) Xây dựng chính sách phù hợp nhằm khuyến khích đầu tư trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế bạc.
Thách thức cũng là cơ hội
Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ dân số vàng sang xã hội già hơn khi tỷ lệ sinh sụt giảm đáng kể trong thời gian dài. Do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng trước năm 2040 hoặc thậm chí sớm hơn. Theo Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ chỉ mất 18 năm để chuyển từ già hóa sang xã hội già vào năm 2036. Khoảng thời gian này ngắn hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Nhật Bản. Giai đoạn già hóa dân số ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người cao tuổi. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Về tỉ lệ, dự báo đến năm 2030 số người cao tuổi chiếm 17% và tăng lên 25% vào năm 2050.
Một yếu tố cần quan tâm là sức khỏe của nhóm người cao tuổi ở Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư.... Về khả năng chi tiêu, người cao tuổi ở Việt Nam thường có nguồn thu từ lương hưu, tiết kiệm và đầu tư; khả năng chi tiêu của họ phụ thuộc vào mức độ ổn định tài chính và kế hoạch tài chính cá nhân. Về thói quen tiêu dùng, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người cao tuổi, với xu hướng tăng chi tiêu cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí. Có thể nói, sự già hóa dân số, những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng người cao tuổi ở Việt Nam đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển nền kinh tế bạc.
Có thể nói, nền kinh tế bạc không chỉ phản ánh xu hướng xã hội thay đổi cơ cấu dân số mà còn là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới nền kinh tế và tiến bộ xã hội. Với tiến bộ công nghệ và những thay đổi trong khái niệm tiêu dùng, nền kinh tế bạc thúc đẩy các doanh nghiệp và chính phủ suy nghĩ lại về các mô hình dịch vụ và đáp ứng nhu cầu tinh tế của người cao tuổi thông qua đổi mới công nghệ và tối ưu hóa dịch vụ, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi và thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, phát triển bền vững. Đứng trước những thách thức và cơ hội từ xu hướng già hóa dân số nhanh chóng, Việt Nam cần kịp thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để phát triển chính sách, pháp luật, xây dựng môi trường hỗ trợ nền kinh tế bạc, đồng thời tận dụng nguồn lực người cao tuổi trong sự phát triển chung của xã hội.
* TS.LS Đoàn Văn Bình: Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)
Đằng sau sự phục hồi của nền kinh tế
- Mẫu thẻ căn cước áp dụng từ 1/7 có điểm gì mới? 24/06/2024 12:50
- Lật tẩy chiêu trò mua bán kỳ nghỉ 24/06/2024 02:30
- Masan phủ nhận thông tin SK Group bán cổ phần 24/06/2024 10:33
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.