Lật tẩy chiêu trò mua bán kỳ nghỉ

Nam Phương - 24/06/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều độc giả phản ánh họ bị lừa vì lỡ mua gói "sở hữu kỳ nghỉ" tại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, không được hưởng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết, cũng không thể đòi lại tiền. Phóng viên Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã thâm nhập thực tế tại Phú Quốc, “tự nguyện” sập bẫy để lật tẩy chiêu trò nhiều công ty bán "sở hữu kỳ nghỉ".

“Tự nguyện” để được đeo bám, chèo kéo

Được nhân viên của một công ty du lịch gọi điện mời tham dự sự kiện tại quận 3, TP. HCM để nhận “voucher” tại khu nghỉ dưỡng có tiếng của chủ đầu tư Sun Group tại Phú Quốc, phóng viên Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có mặt theo lịch hẹn. Tại đây, nhân viên công ty này dồn dập chào bán gói dịch vụ đặt phòng được quảng cáo là đẳng cấp 4 - 5 sao nhưng có mức phí rẻ hơn bên ngoài 40% - 60%.

Theo đó, công ty rao bán thẻ du lịch thông minh dài hạn và gói thời gian dài (17 năm/gói), mỗi năm sẽ kích hoạt cho chủ thẻ đi chơi 8 ngày 7 đêm. Khách hàng có thể mua sỉ trước hoặc mua thẻ rồi quẹt dần để đi chơi với mức phí tiết kiệm.

Chủ sở hữu có quyền cho thuê lại hoặc tặng/bán cho bạn bè, người thân nếu dùng không hết gói 8 ngày 7 đêm mỗi năm. Địa điểm du lịch là 2 dự án home resort chính của công ty ở Phú Quốc (đã đưa vào sử dụng), Cam Ranh (cuối năm nay sẽ hoạt động) và 45 khu resort 4 - 5 sao trải dài trên cả nước mà công ty cho biết đang liên kết. Ngoài ra, công ty này còn thông tin đã liên kết 4 dự án tương tự tại Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia với giá phòng tương đương tại Việt Nam để khách chọn. Giá chào bán gói sản phẩm 20 năm khoảng 300 triệu đồng. Thấy PV thoái thác, nhân viên bán hàng cam kết nên “mục sở thị” khu nghỉ tại Phú Quốc, nếu thấy ưng ý thì “chốt tiền”.

Ảo mà như thật

Khi PV đề nghị được hỗ trợ đặt phòng nghỉ theo “voucher” được tặng tại khu bãi Khem (Phú Quốc) để “mục sở thị” các dự án hoành tráng mà sàn giao dịch trên đã quảng cáo, các nhân viên môi giới đã đồng ý. Sản phẩm nghỉ dưỡng là một tòa nhà căn hộ 5 sao hướng biển trong quần thể khu đô thị của Sun Group. Nhiệt tình dẫn đi xem những condotel “sang-xịn-mịn” sát nhà ga cáp treo tại An Thới, nhân viên môi giới quảng cáo khu này có bãi biển riêng và có nhà hàng phục vụ ăn 3 bữa sang trọng rồi đề xuất PV về văn phòng đại diện của công ty tại An Thới để đặt cọc 100 triệu đồng.

Tự “điều tra” bên trong tòa nhà được quảng cáo là chuyên bán bất động sản sở hữu kỳ nghỉ, PV được ban quản lý tòa nhà cho biết, dự án này đúng là của tập đoàn Sun Group, nhưng căn hộ 5 sao đã bán hết cho người mua dưới dạng sở hữu lâu dài, không phải là condotel phục vụ khách nghỉ ngắn hạn và cũng không có tổ chức nhà hàng 5 sao nào phục vụ du khách.

Phụ trách điều hành của tòa nhà này tại Phú Quốc cho hay, gần đây, nhiều dự án nghỉ dưỡng ở hòn đảo này bị “oan” và giảm khách, mất uy tín vì du khách bị lừa nhiều do mua nhầm kỳ nghỉ “ma”. Đây là chiêu trò đáng bị pháp luật xử ký nghiêm.

Theo dõi loạt bài trên VietnamFinance “Dự án thật, sản phẩm ảo”, luật sư Trần Mạnh Thắng (Đoàn luật sư TP. HCM) cho hay mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch đang bị biến tướng tại Việt Nam, mang tính chộp giật, "lùa gà”, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội.

Hàng ngày, người dân vẫn thường xuyên nhận được cuộc gọi mời dự hội thảo để nhận “voucher” nghỉ dưỡng miễn phí nhưng thực chất khi đến thì bị dụ dỗ đầu tư sở hữu kỳ nghỉ du lịch với các kịch bản đã được lên sẵn. Các doanh nghiệp, tư vấn viên làm mọi cách để bán được các kỳ nghỉ dưỡng hoặc các căn hộ nghỉ dưỡng, thậm chí đưa ra các tư vấn, quảng cáo không đúng sự thật.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tư vấn viên trong lĩnh vực đầu tư, tài chính thì phải được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Đồng thời, các nội dung tư vấn đó phải được ghi lại bằng cả âm thanh, hình ảnh để làm căn cứ. Nhưng việc này đã không được thực hiện.

Che giấu sự thật vì lợi nhuận

Trong quá trình đi tìm “sự thật” đằng sau những hợp đồng hấp dẫn được chào đón TP. HCM, PV nhận ra phải có tin thì mới có dùng. Trong nhiều cách để xây dựng niềm tin và tín nhiệm với khách hàng, điều đáng buồn là nhiều tư vấn viên của doanh nghiệp sẵn sàng đánh đổi cả sự thật để kiếm lợi nhuận. Thậm chí, nếu khách hàng càng hoài nghi, càng nhiều thắc mắc thì phần sự thật lại càng phải ít đi.

Trong những buổi sự kiện tặng “voucher” du lịch, các tư vấn viên có trình độ, bằng cấp đã đưa ra hàng loạt lời quảng cáo về quy mô và sự hợp tác gắn với tên tuổi của nhiều tập đoàn lớn nhưng đó chỉ là giả tạo, nhằm bán được sản phẩm. Khách hàng không thể phân biệt thật giả bởi điều duy nhất mà họ nhìn được, sờ được là những bản hợp đồng đẹp đẽ, những buổi sự kiện chào đón sang trọng trong không gian lộng lẫy. Không ai được mang thứ có thể đảm bảo quyền lợi của mình ra khỏi đây, trừ khi đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để đặt cọc.

Với độ dày hàng chục trang của các bản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, các chuyên gia đều đánh giá khách hàng sẽ rất khó để có thể hiểu tường tận mọi nội dung chỉ trong thời gian ngắn khi có mặt tại các buổi sự kiện. Mặt khác, sở hữu kỳ nghỉ hiện là loại hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và có điều kiện giao dịch chung. Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này đang gặp rất nhiều khó khăn với cơ quan quản lý. Chỉ đến khi có tranh chấp hợp đồng, mang ra soi vào từng điều khoản thì mới thấy rằng nhiều hợp đồng đều chỉ ưu tiên phần có lợi cho những người bán kỳ nghỉ.

Trong khi đó, lời tư vấn của nhân viên công ty với khách hàng không phải tự họ nghĩ ra, mà tất cả đều được đào tạo kỹ lưỡng, thuộc bài. Được chỉ dạy tận tình, kèm với mức thu nhập trong mơ, ngoài khoản lương cứng… còn kèm thêm 20% cho mỗi hợp đồng thành công. Sự hấp dẫn về quyền lợi đã thôi thúc những nhân viên kinh doanh thẻ sở hữu kỳ nghỉ ra sức lôi kéo và giăng bẫy “con mồi”.

Do vậy, để mô hình kinh doanh này được phát triển lành mạnh ở Việt Nam, các chuyên gia đề xuất: các bộ, ngành liên quan cần sớm vào cuộc để kiểm tra, thanh tra toàn diện với các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường này đồng thời phải xử lý, xử phạt nghiêm nếu phát hiện sai phạm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Bất động sản nghỉ dưỡng sắp hồi sinh?

Bất động sản nghỉ dưỡng sắp hồi sinh?

Bất động sản
(VNF) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thời gian tới đây, thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc, nhất là sau khi hệ thống pháp luật đã được tháo gỡ.
Bất động sản nghỉ dưỡng le lói phục hồi, giao dịch dự kiến tăng 30%

Bất động sản nghỉ dưỡng le lói phục hồi, giao dịch dự kiến tăng 30%

Bất động sản
(VNF) - VARS dự báo giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng có xu hướng tăng, dự kiến tăng khoảng 30% so với năm ngoái, song vẫn còn khoảng cách rất xa so với trước dịch Covid-19.
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn 'tối đường tái xuất'

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn 'tối đường tái xuất'

Bất động sản
(VNF) - Mặc dù nhen nhóm cơ hội “tái sinh” nhờ Nghị định 10/2023/CP-NĐ, song đến thời điểm hiện tại, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn “tối đường tái xuất”.
Cùng chuyên mục
Tin khác