Nền kinh tế vẫn cần tiếp sức
(VNF) - Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ đề xuất dừng các chính sách giãn, miễn giảm thuế, phí từ năm 2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp đang đuối sức, nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần những giải pháp hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều vấn đề đáng lo ngại
Theo TS Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cải thiện trong nửa đầu năm 2024 nhưng tốc độ chậm và vẫn thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch Covid-19.
Đà phục hồi của các khu vực kinh tế còn chậm và thiếu đồng đều, nhất là khu vực tiêu dùng trong nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2024 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên mức tăng thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước đã phục hồi, nhưng vẫn thấp.
Tính chung trong 7 tháng năm 2024, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lên tới 125,5 nghìn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân mỗi tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khó khăn đè nặng suốt thời gian qua khiến doanh nghiệp khó phát triển. “Trái với gam màu sáng trong hoạt động xuất - nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bức tranh về doanh nghiệp trong những tháng đầu năm nay có gam màu khá trầm”, ông Việt nói.
Ông Việt nhận định các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn từ môi trường bên ngoài, mà nội lực cũng chưa được cải thiện, khi quy mô và “tuổi thọ” giảm dần.
“Năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường là nguyên nhân nội tại. Tôi cho rằng đây là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung - dài hạn. Điều đó phản ánh sự thiếu hụt các động lực để tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, nếu để kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng và tín dụng ảm đạm là những vấn đề đáng báo động, đòi hỏi sự chung tay giải quyết từ nhiều phía.
Hỗ trợ bằng tiền hay bằng chính sách?
Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng trong thời gian tới, Chính phủ cần thay đổi trong cách tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguyên do là những gói hỗ trợ trước cho thấy việc giải ngân gặp khó do rào cản thủ tục, quy định tiêu chuẩn ràng buộc chặt chẽ, làm mất thời gian, tăng chi phí cơ hội và giảm động lực. Điều này khiến doanh nghiệp nản lòng.
Vì thế, để nền kinh tế hấp thụ nhanh, chính sách hỗ trợ cần kịp thời, thực chất và tác động đến việc cải thiện sức chống chịu doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô và đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
“Việc hỗ trợ có thể tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, minh bạch hóa môi trường kinh doanh. Cùng đó, có thể cho phép các địa phương áp dụng cơ chế đặc thù nhằm gia tăng năng lực phát triển doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Lạng nói.
Một giải pháp khác để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới là triển khai hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. “
Nhiều nước trên thế giới đã làm điều này và chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Số tiền này sẽ được đưa ngay vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nên bàn làm sao để công khai, minh bạch, công bằng, vì cách này dễ sơ hở”, ông Lạng nêu đề xuất.
Trước những lo ngại về việc ngân sách đang có khó khăn, việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, ông Lạng cho rằng bội chi ngân sách các năm qua cũng được kiểm soát khá tốt.
“Chúng ta cũng đang có xu hướng quản lý tốt thuế từ thương mại điện tử. Đây là nguồn thu lớn. Chưa kể, nguồn tiền thuế từ bất động sản sẽ thu được nhiều hơn khi Luật Đất đai đã có hiệu lực”.
WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 lên 6,1%
- Nợ xấu tăng cao: Rủi ro ngân hàng, hệ lụy cả nền kinh tế 09/08/2024 09:00
- ‘Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN’ 25/07/2024 07:45
- Nền kinh tế bạc, một số gợi mở cho Việt Nam 13/07/2024 07:00
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.