‘Nếu giải ngân đầu tư công tốt, cuối năm sẽ hết tiền, nguy cơ thiếu vốn’
(VNF) - Chia sẻ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định nếu tình hình giải ngân vốn đầu tư công tốt, đến cuối năm sẽ hết tiền.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 80.000 tỷ đồng và đạt tỷ lệ hơn 13,7%, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% trong năm 2024 vẫn là một thách thức.
Về vấn đề này, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2024 và một số giải pháp trong thời gian tới.
- Thưa thứ trưởng, năm 2024, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá là khá nặng nề khi lượng vốn rất cao. Ông đánh giá như thế nào về bức tranh giải ngân vốn đầu tư công năm nay?
Đầu tư là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt về tăng cường các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Kết quả 3 tháng đầu năm cho thấy chúng ta cũng đã giải ngân được một lượng vốn khá lớn, hơn 80.000 tỷ đồng và đạt tỷ lệ là hơn 13,7%. Và so với tỷ lệ của cùng kỳ năm ngoái thì chúng ta cao hơn rất nhiều, năm ngoái chúng ta đạt hơn 10%, cao hơn cả về số tương đối và số tuyệt đối.
Câu chuyện thú vị ở đây là cái con số tuyệt đối bởi lẽ năm 2023 là năm có lượng vốn đầu tư công rất cao, cao nhất từ trước đến nay. Và năm 2024 thì thấp hơn một chút bởi chúng ta đã kết thúc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nên lượng vốn để giải ngân trong năm 2024 thấp hơn khoảng gần 100.000 tỷ đồng.
Thế nhưng điểm đặc biệt ở 3 tháng đầu năm, số tuyệt đối giải ngân đầu tư công lại cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Có lẽ để đánh giá các nguyên nhân dẫn đến kết quả này thì có thể thấy rằng các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra phát huy hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
- Đây là mục tiêu lớn và việc thực hiện chắc hẳn sẽ còn nhiều khó khăn, thưa ông?
Chúng ta có thể thấy rằng các giải pháp đã toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đầu tiên phải kể đến khâu thể chế, chúng ta có rất nhiều những cải cách, đổi mới trong thể chế và đặc biệt là có những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành trong thời gian qua áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng.
Thứ hai, là công tác chỉ đạo điều hành. Phải nói rằng các giải pháp trong chỉ đạo điều hành trong những năm vừa qua mà Chính phủ áp dụng và triển khai hết sức quyết liệt. Từ 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân thì đã trở thành 26 tổ, do các đồng chí bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng để đi đôn đốc tất cả các giải pháp trong đó có đầu tư công. Ngoài ra có rất nhiều các Nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp trong chỉ đạo điều hành.
Thứ ba, là các giải pháp tôi cho rằng là giải pháp quan trọng nhất, đó chính là sự tự giác, sự quyết liệt ở các đơn vị tổ chức, các bộ ngành địa phương trong việc tổ chức triển khai thi công các công trình. Chúng ta thấy được không khí làm việc trên công trường và chúng ta vẫn thường quen với câu nói mà Thủ tướng vẫn hay nói là “thi công 3 ca 4 kíp”, “Vượt nắng mưa”…
Hầu như tất cả những trở ngại thông thường đối với các công trường thi công đều có những giải pháp để vượt qua, để làm sao thi công nhanh nhất, tốt nhất và đạt khối lượng cao nhất, từ đó chúng ta có thể thấy rằng mức vốn giải ngân nó sẽ tăng theo. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng.
Cuối cùng là các giải pháp về mặt phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, trung ương địa phương trong việc xử lý các tình huống. Trong đầu tư công có vô vàn các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện như điều chỉnh dự án, thay đổi các cơ chế chính sách hay các giải pháp...
Rõ ràng một cơ quan không làm được mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương. Và mỗi một giải pháp hiện nay, mỗi một cái thay đổi điều chỉnh đều có những quy định cụ thể, rõ ràng và phải thực hiện các quy trình đó. Điều quan trọng nhất là phải nhanh thì chúng ta mới có thể làm cho quá trình đầu tư công không bị ngắt quãng.
Đấy là những gì mà chúng ta có thể nhìn lại một cách sơ bộ kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng đầu năm 2024 và một số các đánh giá về hiệu quả của các giải pháp.
- Mục tiêu của năm nay vẫn có tỷ lệ giải ngân 95%, dù đã có kinh nghiệm thành công từ năm trước nhưng cần giải pháp cần triển khai trong thời gian tới và sẽ có những giải pháp đặc thù nào?
Tôi cho rằng 4 giải pháp mà chúng ta vừa điểm qua về hiệu quả thì có lẽ trong năm 2024 cần nhấn mạnh và nâng tầm nó lên cao hơn, hiệu quả hơn, để có thể phấn đấu các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra như giải ngân hơn 95% tổng vốn đầu tư công năm nay.
Có lẽ tại thời điểm hiện nay, với cá nhân tôi thì có cảm xúc về đầu tư công đang đan xen giữa 2 việc là nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu đã đề ra 95%, chúng tôi cũng đều hiểu rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn chứ không hề đơn giản.
Mặc dù, chúng ta đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm nhưng rõ ràng để đạt được mục tiêu giải ngân hết được vốn đầu tư công thì ngoài 4 cái giải pháp mà chúng ta đã thực hiện và phát huy tốt hơn thì có lẽ phải nhấn thêm một giải pháp nữa đó là vấn đề xử lý các tình huống phát sinh đối với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn.
Hiện nay Quốc hội đã có đoàn giám sát tối cao về tình hình triển khai các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đấy là những dự án quy mô rất lớn, lượng vốn đầu tư đổ vào rất nhiều. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những tình huống phát sinh từ khâu giải phóng mặt bằng, va chạm trong các bước thủ tục đền bù cho người dân… Chỉ cần vướng một vài hộ gia đình là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án. Hay các điều chỉnh phát sinh ví dụ như trong khảo sát thăm dò, thiết kế dự án phát sinh những yếu tố mà mà khi phê duyệt dự án, chưa có được các thông số.
Tất cả các tình huống phát sinh như vậy cần phải làm nhanh, bởi nếu không làm nhanh được các động tác đó thì dự án sẽ bị đình trệ, nó không liên tục và bị ngắt quãng và nó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ở đây chúng tôi cũng không thể lường trước được tình huống của mỗi một dự án, nhưng tinh thần chung là đối với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, chúng ta phải hết sức nhạy bén và linh hoạt trong các tình huống. Như vậy mới có thể đảm bảo được tiến độ.
Cảm xúc thứ hai trong tôi đó là tôi rất lo lắng về việc cuối năm thiếu vốn, bởi vì tình hình nếu cứ tiếp tục tốt như thế này, các bộ ngành giải ngân tốt thì rất có khả năng đến cuối năm là hết tiền, tức là giải ngân hết rồi, thì chúng ta không còn hạn mức, không còn dự toán để giải ngân nữa.
Đây cùng là tình huống mà vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo với Thủ tướng về khả năng dự báo năm nay và 2025 đối với việc lượng vốn thực tế có thể giải ngân được so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo ước tính, năm nay chúng ta có thể thiếu hơn 100.000 tỷ đồng.
Nếu tình hình giải ngân tốt thì chuyện thiếu vốn là có thể xảy ra. Xử lý ứng xử với tình huống như thế này, chúng tôi cũng đang có sự nghiên cứu, tất nhiên chủ trương chung là huy động mọi nguồn lực những gì mà chúng ta có để bổ sung cho giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có nguồn lực dư để làm chuyện đó.
Năm nay, nếu tình trạng đó xảy ra, thì có một giải pháp là việc điều chỉnh hài hoà kế hoạch đầu tư công, bởi luôn luôn có tình trạng có nơi thiếu và có nơi thừa và rõ ràng nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu để làm sao chúng ta có thể giải ngân hết được nguồn tiền, không được ôm tiền, không được giữ tiền mà không làm gì cả. Vì vậy, khâu điều chỉnh, điều hoà kế hoạch là khâu rất quan trọng.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải từ sớm từ xa, thì Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng chủ trường rà soát kế hoạch 2024 ngay từ bây giờ để phát hiện sớm những nơi thấy thừa để chúng tôi ghi nhận tổng hợp lại. Và đến khi nào có nơi nào thiếu thì sẵn sàng khoản vốn dư để điều chuyển đến chỗ đó để giải ngân.
Tôi cho rằng phần vốn thừa chưa hẳn nhiều nhưng chủ yếu tập trung vào khoản vốn chưa phân bổ. Có những nơi chưa phân bổ hết thì phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Nếu như không phân bổ được thì phải điều chuyển đến nơi khác, đây là câu chuyện điều hành kế hoạch và năm nay sẽ là năm điều chỉnh kế hoạch rất nhiều lần, để đảm bảo tiền được chuyển đi chuyển lại từ nơi thừa sang nơi thiếu thật điều hoà.
TP.HCM: 283 dự án đầu tư công chậm tiến độ
- ĐHĐCĐ Vinaconex: Lợi nhuận quý I ước đạt 400 tỷ đồng, đầu tư công là mũi nhọn 25/04/2024 04:10
- ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6%, đầu tư công là động lực chính 11/04/2024 01:28
- Bức tranh đầu tư công 2024 của TP. HCM 31/03/2024 10:21
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.