Nga siết nguồn cung, giá khí đốt châu Âu lại tăng dựng đứng

Minh Đăng - 27/07/2022 17:36 (GMT+7)

(VNF) - Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh 2 ngày liên tiếp sau khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom của Nga thông báo buộc phải dừng hoạt động của một động cơ tuabin khí nữa của đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) do đến hạn đại tu. Điều này đã khiến lượng khí đốt vận chuyển tới châu Âu tiếp tục bị thu hẹp.

VNF
Tập đoàn Gazprom đã liên tục siết khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc tới Đức.

Ngày 25/7, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 12%. Tới ngày 26/7, theo dữ liệu từ Sàn trao đổi ngoại tệ quốc tế (ICE) của London, giá khí đốt giao sau tháng 8 tại sàn TTF ở Hà Lan đã tăng lên 2.003 USD/1.000 m3, tương đương 189,75 euro/MWh, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3.

Như vậy, kể từ đầu tháng 7 tới nay, giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 77%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ khi bắt đầu giao dịch theo hợp đồng vào năm 1990.

Trong 2 tháng trở lại đây, tập đoàn Gazprom đã liên tục siết khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc tới Đức với lý do hạn chế về các vấn đề kỹ thuật trong công tác bảo trì và do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.

Mới đây nhất, Gazprom thông báo buộc phải dừng hoạt động của một động cơ tuabin khí nữa tại trạm máy nén Portovaya do đến hạn đại tu.

Do đó, từ 7h ngày 27/7, lưu lượng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc đã giảm một nửa, xuống còn 33 triệu m3/ngày từ 67 triệu m3 tại thời điểm hiện tại. So với mức công suất 167 triệu m3/ngày trước đó, con số này chỉ tương đương 20%.

Trước đó, lượng khí đốt đi qua Dòng chảy phương Bắc đã bị giảm xuống 40% công suất kể từ tháng 6 khi một tuabin bị kẹt ở Canada do lệnh trừng phạt Nga.

Việc Gazprom siết khí đốt đã khiến châu Âu lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng trong khi mùa đông đang cận kề.

Theo Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng “tống tiền” các nước châu Âu bằng khí đốt và cho rằng việc công ty này cắt giảm khí đốt do kỹ thuật là lý do không thoả đáng.

Ngày 26/7, Bộ trưởng Năng lượng của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã họp bất thường tại Brussels và nhất trí với đề xuất của Ủy ban châu Âu, sau 8 tháng nữa sẽ cắt giảm được 15% lượng khí đốt tiêu thụ, nhằm hạn chế lệ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.

Dù kế hoạch này đã gây nhiều tranh cãi và bất đồng giữa các nước thành viên EU nhưng đa phần các quan chức EU ca ngợi thỏa thuận cắt giảm mức sử dụng khí đốt mới là một cột mốc quan trọng cho một chính sách năng lượng thống nhất, tương tự như bước nhảy vọt trong hội nhập về y tế diễn ra thời kỳ đại dịch Covid-19.

Xem thêm >> Ukraine hối thúc châu Âu gia tăng trừng phạt thay vì trả lại tuabin khí cho Nga

Theo TASS
Cùng chuyên mục
Tin khác