Ngại cưới vì trách nhiệm tài chính: Chuẩn bị thế nào để bước vào hôn nhân?

Hà Vy - 25/04/2024 10:53 (GMT+7)

Theo bà Lưu Thanh Thảo, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, một trong những điều quan trọng mà các cặp đôi cần lưu ý trước vào cuộc sống hôn nhân là lên kế hoạch tài chính kĩ lưỡng, từ trước khi kết hôn cho đến khi về chung một nhà.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, từ 6,2% năm 2004 lên 10,1% năm 2019. Song song với đó, độ tuổi kết hôn của người trẻ cũng tăng dần, lên 26,2 tuổi ở nam và 23 tuổi ở nữ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ ngại bước vào hôn nhân là trách nhiệm tài chính. Minh Anh (25 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chia sẻ vẫn chưa nghĩ đến chuyện kết hôn dù đã tốt nghiệp được 2 năm. “Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, mình chưa đủ tự tin để bước vào một cuộc hôn nhân. Bởi khi kết hôn, gánh nặng về tài chính sẽ lớn hơn rất nhiều khi còn độc thân”, chị nói.

Liên quan đến vấn đề này, bà Lưu Thanh Thảo, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, nhận định: “Xác định bước vào hôn nhân đồng nghĩa với việc bạn chuẩn bị là những người trưởng thành, tự lập và sẵn sàng cho một cuộc sống riêng. Do đó, bạn cần chủ động chuẩn bị mọi thứ cho cuộc sống sắp tới, đặc biệt là khía cạnh tài chính”.

Theo bà Thảo, các cặp đôi sắp cưới sẽ có nhiều khoản mục cần được chuẩn bị tài chính. “Đầu tiên phải kể đến việc chuẩn bị tài chính cho các thủ tục truyền thống như dạm ngõ, cưới hỏi. Tiếp đến là chuẩn bị cho việc khám tiền hôn nhân, tiêm ngừa cũng như trang bị bảo hiểm thai sản nếu có kế hoạch sinh con sớm. Ngoài ra, các cặp đôi cùng cần dự trù một khoản chi phí cho chỗ ở, tiền thuê nhà hoặc mua nhà”, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân cho biết.

Thêm vào đó, một phần quan trọng trong hoạch định tài chính cá nhân nói chung và cho hôn nhân nói riêng là việc thiết lập quỹ dự phòng cho cả 2 vợ chồng, nhất là trụ cột trong gia đình. “Rất nhiều gia đình chỉ chăm chăm vào việc làm thế nào để kiếm thật nhiều tiền, đầu tư gia tăng tài sản mà quên mất cần phải bảo vệ tiền. Trước khi muốn đầu tư thì cần kiếm tiền và bảo vệ tiền”, bà Thảo cho hay.

Quỹ dự phòng cần đáp ứng về mặt thanh khoản và nó có thể tồn tại ở dạng tiền hoặc vàng. Quan trọng nhất là quỹ dự phòng cần phải đảm bảo đủ để duy trì cuộc sống gia đình trong trường hợp xảy ra những rủi ro liên quan đến sức khoẻ, công việc của người trụ cột, hoặc sức khoẻ của người phụ thuộc nếu chỉ vợ hoặc chồng đi làm.

“Ngoài ra, nếu vợ/chồng bạn còn có trách nhiệm chu cấp cho cha mẹ lớn tuổi thì cũng cần xem xét các khoản dự phòng liên quan đến chi phí sinh hoạt cũng như các chi phí phát sinh liên quan đến sức khoẻ của người phụ thuộc”, bà Thảo bổ sung.

Sau khi chuẩn bị tài chính, các cặp đôi cũng cần xây dựng tài chính khi về chung một nhà. Theo bà Thảo, “cả hai cần cùng nhau rà soát tình hình tài chính hiệ tại, từ đó thiết lập mục tiêu tài chính ngắn cũng như dài hạn để cùng nhau phấn đấu”.

Đồng thời, cả hai cũng cần lên kế hoạch cân đối thu chi hàng tháng, phân chia trách nhiệm tài chính, ai sẽ chi trả cho khoản nào hay đóng góp bao nhiêu vào các khoản chi chung của gia đình, làm tốt công tác quản lý chi tiêu thì sẽ có dư, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư.

“Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý đó là thiết lập nguyên tắc trong việc thảo luận và đưa ra các quyết định tài chính, tránh đổ lỗi cho nhau khi kết quả ko được như ý, vì quyết định là quyết định chung của cả hai vợ chồng và cả 2 cần ý thức về việc chịu trách nhiệm trước mọi quyết định chung”, bà Thảo nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác