Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay tính đến hết tháng 9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 6,09% so với đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng 9,4% cùng kỳ năm 2019.
Thống kê của VietnamFinance đối với 28 ngân hàng thương mại (*) cho thấy 9 tháng năm nay, tổng dư nợ cho vay tăng trưởng 5,8%. Trong đó, 15 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dư nợ cao hơn mức bình quân, còn lại 13 ngân hàng tăng thấp hơn bình quân.
NamABank là ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay cao nhất, lên đến 27,3%. Tiếp sau đó là MSB với 15,5%, TPBank với 15,4% và VIB với 15,3%.
Khá nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng hai chữ số như: LienVietPostBank (tăng 13,3%), HDBank (tăng 12,8%), VietABank (tăng 12,2%), VietCapitalBank (tăng 12%), OCB (tăng 11,4%), ACB (tăng 10,7%), SHB (tăng 10,2%).
Ở chiều ngược lại, Eximbank là ngân hàng hiếm hoi ghi nhận sự sụt giảm mạnh về dư nợ cho vay với mức giảm lên đến 10,6% trong 9 tháng năm nay. Hai ngân hàng khác cũng suy giảm dư nợ cho vay là Saigonbank và SeABank.
Mặc dù thống kê trên là chưa tính đến trái phiếu doanh nghiệp (một số ít ngân hàng tăng trưởng mạnh trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm, điển hình là Techcombank, nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tăng trưởng dư nợ tín dụng là 9,2%) nhưng cũng cho thấy nhiều ngân hàng vẫn đạt được mức tăng trưởng dư nợ khá cao trong bối cảnh nhu cầu vay vốn yếu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước đang kỳ vọng dư nợ tín dụng đến hết năm sẽ tăng khoảng 8-10%, nghĩa là tăng thêm khoảng 2-4 điểm% trong quý IV. So với mức bình quân khoảng 2 điểm% mỗi quý kể từ đầu năm, nhìn chung cơ quan quản lý nghiêng về quan điểm tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh mẽ hơn trong quý IV, nhưng vẫn tỏ ra khá thận trọng.
Đó là trên bình diện vĩ mô. Xét trên bình diện vi mô, nhiều ngân hàng khá tự tin vào khả năng tín dụng bật tăng vào những tháng cuối năm.
Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI dẫn lời ban lãnh đạo HDBank rằng tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 10/2020 của ngân hàng đã đạt 20% và đang xin Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 27-28% trong cả năm nay.
Số liệu tài chính cũng cho thấy HDBank đang chuẩn bị cho sự bật tăng dư nợ tín dụng trong quý IV.
Cụ thể, đến hết tháng 9/2020, dư nợ tín dụng của HDBank tăng 14,6% so với đầu năm, tuy nhiên, tăng trưởng huy động vốn lên đến 31,3% (riêng tiền gửi khách hàng tăng 33,5%). Đây là động thái cho thấy ngân hàng này đã chuẩn bị nguồn vốn lớn để "bung ra" kênh tín dụng trong quý cuối năm.
Tương tự HDBank, TPBank cũng đang xin Ngân hàng Nhà nước nâng trần tín dụng thêm 5-6 nghìn tỷ đồng, qua đó nâng hạng mức tăng trưởng tín dụng từ mức 23% như hiện tại lên gần 29% cho cả năm 2020.
Ngân hàng này đặt kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng tín dụng trong mảng cho vay bán lẻ (cho vay mua nhà và ô tô) vào cuối năm, cùng với đó là những ngành như xuất khẩu và xây dựng (hưởng lợi từ đầu tư công).
Trước đó, lũy kế 9 tháng, tăng trưởng tín dụng của TPBank ở mức 22,3%, tức là đã gần chạm trần 23%. Lực đẩy tín dụng chủ yếu đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn, trong đó, dư nợ cho vay nhóm này tăng tới 47% so với đầu năm, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng mạnh 166%. Ngược lại, cho vay mua ô tô chịu ảnh hưởng rõ rệt từ dịch Covid-19 khi dư nợ mảng này giảm 4,4%.
MB cũng là ngân hàng đang kỳ vọng sẽ bứt phá về tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm nay.
Số liệu 9 tháng cho thấy, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 11,8%. Tuy nhiên, cập nhật mới đây từ SSI cho thấy tại thời điểm cuối tháng 10/2020, tăng trưởng tín dụng đã đạt 16% so với đầu năm. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 10, dư nợ tín dụng đã tăng cỡ khoảng 4 điểm%.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện tại của ngân hàng này đang ở mức khoảng 20-21%, nghĩa là vẫn còn dư địa cỡ khoảng 4-5 điểm% cho 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, MB đang xin Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 25%. Như vậy, chỉ riêng quý IV, dư nợ tín dụng của MB có thể bật tăng tới hơn 13 điểm%, nghĩa là cao hơn cả những gì ngân hàng này làm được trong suốt 3 quý đầu năm nay.
(*) 27 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietCapitalBank, VietABank, VietBank, Vietcombank, VietinBank, VPBank; trong đó, riêng HDBank và VPBank là số liệu báo cáo tài chính riêng lẻ (do tỷ lệ nợ xấu hợp nhất chịu tác động lớn của công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc), còn lại là số liệu báo cáo tài chính hợp nhất.
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.