Ngân hàng tuần qua: Tăng phí SMS Banking gây xôn xao, VIB lên kế hoạch chia cổ tức 35%
Hải Đường -
27/02/2022 09:27 (GMT+7)
(VNF) - Mức phí SMS Banking có thể lên đến gần 1 triệu đồng/năm; VIB dự kiến chia cổ tức 35%; Ngân hàng Nhà nước xây dựng nghị định về gói hỗ trợ lãi suất 2%;… là các tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
Mức phí SMS Banking có thể lên đến gần 1 triệu đồng/năm
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây đã công bố mức phí dịch vụ SMS Banking của tháng 1/2022, trong đó mức phí dao động từ 10.000-70.000 đồng/tháng (chưa VAT) tùy theo số lượng tin nhắn trong tháng.
Với khách hàng nhận từ 100 tin nhắn trở lên, số tiền phải trả mỗi tháng là 77.000 đồng (đã bao gồm VAT), mỗi năm là 924.000 đồng.
Theo tìm hiểu, đối với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) thì mức phí cũng dao động từ 12.000-75.000 đồng/tháng (chưa VAT) tùy theo số lượng tin nhắn. Nếu đều đặn nhận từ 62 tin nhắn trở lên, số tiền khách hàng phải trả là 82.500 đồng (đã bao gồm VAT), mỗi năm là 990.000 đồng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã liên tục gửi kiến nghị đến các nhà mạng để giảm cước phí SMS cho các ngân hàng thương mại khi mỗi năm phải bù lỗ hàng trăm tỉ đồng cho chi phí SMS Banking.
Theo VNBA, giá cước phí tin nhắn dịch vụ mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng hiện nay cho các tổ chức tín dụng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.
Ước tính, chi phí viễn thông cả hệ thống các tổ chức tín dụng phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.
VIB dự kiến chia cổ tức 35%, đẩy mạnh chuyển đổi chiến lược giai đoạn 2022-2026
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) trong tuần qua đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.
Theo đó, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt đạt 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2022, VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, ngân hàng này dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách ESOP (chia cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên) nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của ngân hàng.
Yuanta: Chi phí huy động năm 2022 của các ngân hàng sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết) đạt 36 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2021, tăng 16% so với quý trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận của 27 ngân hàng đạt 146 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020, phần lớn nhờ vào thu nhập lãi ròng và thu nhập phí tăng cao hơn.
Yuanta cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất là đến giữa năm nay nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch. Tuy nhiên, NHNN sẽ không giảm mạnh lãi suất như đã làm trước đó.
Nhờ vào chính sách tiền tệ nới lỏng mà lãi suất liên ngân hàng sẽ giảm trong tương lai dù gần đây có xu hướng tăng.
Đáng chú ý, Yuanta dự báo trong năm 2022, chi phí huy động vốn sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.
Tương tự như vậy, lãi suất cho vay vẫn có thể sẽ duy trì tiệm cận với mức hiện tại hoặc chỉ tăng nhẹ do các ngân hàng thực hiện theo chính sách của NHNN để hỗ trợ người đi vay ít nhất là hết nửa đầu năm 2022. Vì thế, tỷ lệ NIM của toàn ngành sẽ đi ngang trong thời gian tới. Do đó, các ngân hàng với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao (như Vietcombank, MB và Techcombank) sẽ có khả năng tăng NIM hiệu quả hơn so với các ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp.
Ngân hàng Nhà nước xây dựng nghị định về gói hỗ trợ lãi suất 2%
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của đại dịch.
Nội dung của Nghị định được xây dựng trên cơ sở các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Các khoản vay của khách hàng sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất đến hết ngày 31/12/2023 hoặc tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng.
Dự thảo cũng quy định khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay của khách hàng có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả, khách hàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất sau khi đã trả hết số dư nợ gốc quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
Ngoài ra, khoản vay của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không được giữ nguyên nhóm nợ không được hỗ trợ lãi suất kể từ ngày cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Kỳ vọng nới mạnh 'room' tín dụng trong nửa cuối năm 2022
Chia sẻ tại hội thảo Chính sách tiền tệ mở rộng và cơ hội cho ngành ngân hàng do Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) tổ chức mới đây, bà Bùi Hoàng Minh, Chuyên gia Phân tích cao cấp, Khối Khách hàng cá nhân thuộc HSC, dự báo tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong 2 năm tới sẽ ở mức khoảng 14%/năm, trong đó, các ngân hàng tư nhân sẽ có xu hướng được cấp tín dụng cao hơn các ngân hàng quốc doanh. Trước đó, trong quý IV/2021, tín dụng đã tăng tốc khá nhanh sau một thời gian bị dồn nén và nhu cầu mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên.
Đồng quan điểm với các chuyên gia HSC, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), cũng kỳ vọng năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ đạt khoảng 14%, gấp đôi tăng trưởng GDP. Cùng với đó, tăng trưởng vốn huy động dự kiến phục hồi lên mức 11%, sau khi tăng rất thấp trong năm 2021 (chỉ 8,4%), trong khi 5 năm trước đó bình quân ở mức khoảng 13,1%/năm.
Theo bà Hương, thông thường, Ngân hàng Nhà nước khá thận trọng trong việc cấp "room" tín dụng đầu năm. Tuy nhiên, vị này kỳ vọng trong nửa cuối năm 2022, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, "room" tín dụng sẽ được nới ra theo nhu cầu tín dụng.
Giám đốc chiến lược của VIB nhấn mạnh rằng các ngân hàng hiện nay không chỉ cần quan tâm đến việc"room" tín dụng cao bao nhiêu mà còn cần quan tâm đến việc "room" tín dụng được sử dụng như thế nào.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.