Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: VietinBank ước lãi bán niên 13.000 tỷ, VietABank được chấp thuận giao dịch UPCoM

(VNF) - Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền ảo; VietinBank ước lãi 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm; VietABank được chấp thuận giao dịch tại UPCoM; SCB chào bán xong hơn 478 triệu cổ phiếu cho cổ đông;…là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: VietinBank ước lãi bán niên 13.000 tỷ, VietABank được chấp thuận giao dịch UPCoM

VietinBank ước lãi 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền ảo

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đáng chú ý, trong chiến lược này, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì thực hiện nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2023.

Trước đó, Thủ tướng đã có quyết định ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Theo quy định tại Việt Nam, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa. Các loại tiền ảo đến nay vẫn chưa được chấp thuận tại Việt Nam nên việc giao dịch chúng là trái pháp luật. 

Mới đây, Bộ Tài chính cũng cảnh báo về rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp. Theo Bộ Tài chính, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Bộ Tài chính cũng đã thành lập tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của bộ này có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

>>> Xem thêm: Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền ảo

VietinBank ước lãi 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm diễn ra mới đây, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) Lê Đức Thọ cho biết lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng này ước đạt 13.000 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 8%.

Dư nợ tín dụng tính đến ngày 30/6 của VietinBank ước đạt 1,06 triệu tỷ, tăng 4,8% so với cuối năm 2020. Cùng thời điểm, tổng nguồn vốn huy động của toàn hệ thống ước đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2020.

Tính đến hết quý II, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 1,38%, tăng so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 110%. Theo kế hoạch đến hết quý IV, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức từ 1% đến 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu 180%.

Trước đó, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ, VietinBank đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Theo đó, VietinBank sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019.

Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là 8/7/2021.

>>> Xem thêm: VietinBank ước lãi 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

VietABank được chấp thuận giao dịch tại UPCoM

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) tại hệ thống giao dịch UPCoM với mã giao dịch VAB.

Ngày bắt đầu giao dịch hiện chưa được công bố. Số lượng cổ phiếu được chấp thuận giao dịch tại hệ thống UPCoM của VietABank là hơn 444 triệu đơn vị.

ĐHCĐ thường niên năm 2021 của VietABank đã ủy quyền cho HĐQT ngân hàng thực hiện các công việc cần thiết để hoàn tất việc đăng ký niêm yết tại một trong hai sàn giao dịch cổ phiếu là HNX hoặc HoSE, bao gồm những công việc như lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch UPCoM trước khi đủ điều kiện niêm yết tại HNX và HoSE,…

Hai cổ đông lớn của ngân hàng này tính đến ngày 25/6/2021 là Công ty Cổ Rạng Đông với tỷ lệ sở hữu 7,35% và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với tỷ lệ sở hữu là 12,21%.

Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại VietABank là 0%, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 3,74%.

>>> Xem thêm: VietABank được chấp thuận giao dịch tại UPCoM

SCB chào bán xong hơn 478 triệu cổ phiếu cho cổ đông

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã nhận được tài liệu báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Theo đó, SCB đã chào bán thành công hơn 478 triệu cổ phiếu cho cổ đông. Số cổ phiếu còn lại chưa chào bán hết là hơn 21 triệu đơn vị.

Trước đó, SCB cho biết giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị vốn huy động là hơn 4.788 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm sẽ được ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung vào đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh.

Được biết, SCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hồi tháng 2 vừa qua, với mức vốn điều lệ sau khi tăng tối đa là hơn 20.231 tỷ đồng.

ĐHCĐ bất thường của SCB hồi cuối năm 2020 đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của ngân hàng này thêm 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

Cùng với đó, đại hội cũng thông qua lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB, với mục tiêu chậm nhất là năm 2025 sẽ chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE). Đại hội nhất trí giao HĐQT SCB đề xuất phương an cụ thể trong từng thời kỳ để đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường và hoạt động của ngân hàng này.

>>> Xem thêm: SCB chào bán xong hơn 478 triệu cổ phiếu cho cổ đông

VPBank dự kiến bán 15 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với giá bằng mệnh giá

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) từ nguồn cổ phiếu quỹ.

Theo đó, VPBank dự kiến chào bán 15 triệu cổ phiếu ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên theo tiêu chí và danh sách do HĐQT quyết định, trong đó các thành viên HĐQT không điều hành không được mua.  

Số lượng cổ phiếu quỹ của ngân hàng này là hơn 75,2 triệu đơn vị, lần mua cổ phiếu quỹ gần nhất là vào tháng 10/2019. Sau khi chào bán ESOP, số lượng cổ phiếu sẽ giảm xuống còn hơn 60,2 triệu đơn vị.

Giá chào bán ESOP được ĐHCĐ năm 2021 thông qua là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng số tiền huy động được từ đợt chào bán dự kiến là 150 tỷ đồng.

Số lượng cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Cụ thể, sau 1 năm tỷ lệ giải tỏa là 30% số cổ phần, sau 2 năm là 35% số cổ phần và sau 3 năm là 35% số cổ phần còn lại.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua.

>>> Xem thêm: VPBank dự kiến bán 15 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với giá bằng mệnh giá

Tin mới lên