Ngành dệt may 2024: Khó khăn bủa vây, quá trình phục hồi diễn ra chậm

Hải Đường - 17/01/2024 14:43 (GMT+7)

(VNF) - Theo Công ty Chứng khoán SSI, ngành dệt may năm 2024 sẽ phải đối mặt với những khó khăn như cầu tiêu dùng giảm, tồn kho cao, suy giảm giá bán, chi phí vận chuyển tăng cao. Quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn so với dự kiến.

VNF
Ngành dệt may 2024: Khó khăn bủa vây, quá trình phục hồi diễn ra chậm

Tại báo cáo triển vọng ngành dệt may, SSI đã liệt kê hàng loạt khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may trong năm 2024.

Thứ nhất là khó khăn về cầu. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2024, dẫn đến việc người tiêu dùng giảm chi tiêu. Trong môi trường kinh tế khó khăn, SSI cho rằng mức chi tiêu không thiết yếu có phần hạn chế trong năm nay.

Bên cạnh mức nhu cầu tiêu dùng thấp, các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như mức tồn kho cao, cạnh tranh gia tăng. SSI cho rằng các thương hiệu thời trang có thể sẽ đẩy mạnh việc phòng thủ trong kinh doanh, các nhà cung cấp sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn hơn từ nhu cầu đơn hàng giảm xuống khi vấn đề này lan truyền đến khắp chuỗi cung ứng.

Hơn nữa, quản lý hàng tồn kho và kiểm soát chi phí sẽ tiếp tục là trọng tâm chính với các nhà bán lẻ. Theo SSI, điều này sẽ dẫn tới việc rút ngắn thời gian đặt hàng và suy giảm giá bán cho các doanh nghiệp gia công hàng dệt may.

Công ty chứng khoán này cho biết, trong quý IV/2023, giá bán trung bình và sản lượng tiêu thụ đều cải thiện so với quý trước nhưng vẫn hồi phục ở mức thấp, mức tồn kho của doanh nghiệp Mỹ vẫn ở mức cao, mặc dù đây là mùa cao điểm.

Trong quý I/2024, giá bán trung bình tiếp tục giảm khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ, lượng đơn đặt hàng đều ở mức thấp. Tăng trưởng vải nhập khẩu vẫn yếu trong quý IV/2023 dù đã có mức nền so sánh thấp cùng kỳ năm 2022. Theo SSI, điều này cho thấy nhu cầu xuất khẩu hàng may mặc trong quý I/2024 vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Trong tháng 12/2023, theo S&P Global, PMI Việt Nam đạt 48,9 điểm và vẫn ở mức thấp kể từ dịch Covid-19 đến nay. SSI cho biết các nhà sản xuất kỳ vọng sự phục hồi có thể diễn ra vào nửa cuối năm 2024.

Nhu cầu về mặt hàng may mặc suy yếu dẫn đến nhu cầu cho nguyên liệu đầu vào cũng giảm, như sợi bông và sợi polyester. Mặc dù vậy, SSI cho rằng chi phí sợi/vải trung bình giảm sẽ bù đắp một phần cho giá bán trung bình giảm.

“Chúng tôi lưu ý rằng các doanh nghiệp gia công trong nước có ít khả năng đàm phán với các nhà bán lẻ thời trang (đặc biệt trong thời kỳ nhu cầu yếu). Do đó, biên lợi nhuận gộp của các công ty dệt may đã giảm từ mức 15 - 18% trong năm 2022 xuống mức 11 - 14% trong năm 2023”, các chuyên gia của SSI cho hay.

Doanh nghiệp dệt may đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024

Một khó khăn khác của ngành dệt may đến từ chi phí vận chuyển. Theo đó, SSI cho rằng sự kiện “Biển Đỏ” có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Được biết, chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ và châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Cùng với đó, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm cũng tăng lên.

Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng điều kiện FOB, theo đó, người mua phải chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu thấp và mức tồn kho cao nên người mua có thể đàm phán lại với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng.

SSI cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình “Biển Đỏ” hạ nhiệt.

Theo SSI, kỳ vọng phục hồi của ngành dệt may chuyển từ nửa cuối năm 2023 sang nửa cuối năm 2024, tuy nhiên lợi nhuận toàn ngành vẫn suy yếu.

“Chúng tôi cho rằng quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến do chi tiêu không thiết yếu thường có thời gian phục hồi kéo dài. Do lợi nhuận của hầu hết các công ty đã giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ trong năm 2023, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 30% cho năm 2024 (cao hơn so với thị trường chung). Lợi nhuận sẽ dần phục hồi trong suốt cả năm, nhưng khó có thể quay trở lại mức năm 2022 trong năm 2024”, các chuyên gia của SSI cho hay.

Trong năm 2024, SSI cũng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ dần cải thiện lên mức 14-15% do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.

Theo SSI, định giá của các cổ phiếu ngành dệt may đang ở mức cao trong lịch sử, với P/E dao động quanh mức 9 – 10 cho năm 2024. Giá cổ phiếu hiện tại gần như đã phản ánh hầu hết quá trình phục hồi lợi nhuận. Đối với các cổ phiếu ngành dệt may, quan điểm của SSI là trung lập.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.