Ngành hàng 11 tỷ USD tăng trưởng âm, doanh nghiệp vẫn 'ngóng' đơn hàng

Tâm An - 04/04/2023 07:45 (GMT+7)

Nhóm ngành hàng 11 tỷ USD của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng âm trong tháng 3. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm nay, nhưng doanh nghiệp vẫn đang 'ngóng' đơn hàng.

VNF
Hết quý I nhưng nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho quý II (Ảnh: Hoàng Hà).

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3/2023 ước đạt 780 triệu USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tháng thứ ba liên tiếp trong năm nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Hết quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022.

Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành hàng mang về gần 11 tỷ USD trong năm ngoái đều chung xu hướng giảm mạnh trong quý I/2023. Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt gần 576,6 triệu USD, giảm 40%; cá tra đạt 446,7 triệu USD, giảm 32%; cá ngừ đạt 178,8 triệu USD, giảm 31%; nhóm cua ghẹ và giáp xác khác cũng giảm tới 40%; mực và bạch tuộc giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ có nhóm các loại cá biển ghi nhận tăng trưởng nhẹ 3%; nhóm nhuyễn thể có vỏ và nhuyễn thể khác có mức tăng lần lượt là 7% và 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu giảm theo. Trong khi, tồn kho ở Mỹ vẫn còn cao, nhà nhập khẩu muốn nhập cũng không có kho chứa hàng.

VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II năm nay, khi các hội chợ quốc tế diễn ra tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, song áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu quốc gia khác cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. 

Do đó, ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch sang thị trường Trung Quốc.

Những tháng đầu năm nay, Nhật Bản vượt qua Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Vì thế, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này được kỳ vọng sẽ bứt phá bởi có lợi thế cự ly gần.  

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - nhận định, dù một số thị trường chủ lực có những tín hiệu tích cực cho thấy xuất khẩu thủy sản có thể hồi phục, song xuất khẩu thủy sản hiện rất khó vì có người bán nhưng không có người mua.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Quý I đã hết thúc, còn đơn hàng cho quý II đến giờ này vẫn ngóng chờ, chưa thấy đâu, ông Hòe chia sẻ.

Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản khá lớn ở nước ta thừa nhận, tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay là "đói" đơn hàng, "ăn đong" từng container. Trong khi, những năm trước, quý I các doanh nghiệp đã ký xong các đơn hàng đến tận quý IV. 

Trước tình trạng "đói" đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp phải tìm tới thị trường ngách, chuyển hướng sang các nước ASEAN do có lợi thế về địa lý, ít rủi ro và ảnh hưởng bởi logistics.

Theo Vietnamnet
Cùng chuyên mục
Tin khác