Nghệ An: Tranh chấp về cung cấp nước, doanh nghiệp kháng cáo lên tòa án cấp cao

Nghệ Thân - 17/08/2022 12:15 (GMT+7)

(VNF) - Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An mới đây đã có đơn gửi Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để kháng cáo đối với bản án trước đó liên quan đến vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán nước thô với Công ty cổ phần Cấp nước Sông Lam.

VNF
Bên trong một nhà máy nước ở Nghệ An. Ảnh minh họa

Theo ông Hoàng Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An, án sơ thẩm đã chấp nhận nội dung đơn khởi kiện không đúng của nguyên đơn là Công ty cổ phần cấp nước sông Lam, đã có phán quyết sai trái, không đúng sự thật khách quan và không có căn cứ pháp luật.

Ông Hải cho biết trong quá trình tham gia tố tụng, bị đơn và luật sư của bị đơn đã gửi nhiều văn bản, tài liệu pháp lý để làm rõ nội dung vụ án, đồng thời gửi đơn phản tố để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo đó, phía Công ty cổ phần cấp nước sông Lam cho rằng Hợp đồng mua bán nước thô ngày 04/02/2015 đến nay vẫn còn hiệu lực là hoàn toàn không đúng và trái quy định của pháp luật, thế nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phán quyết chấp nhận nội dung đơn khởi kiện là cố tình sai lệch, không tôn trọng sự thật khách quan, không tuân thủ quy định của pháp luật.

“Đây là một trong những nội dung vi phạm nghiêm trọng pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An”, ông Hải cho biết.

Theo đơn kháng cáo, việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Hợp đồng mua bán nước thô ngày 04/02/2015 đến nay vẫn còn hiệu lực là hoàn toàn không đúng sự thật khách quan và trái quy định của pháp luật.

Vẫn theo đơn kháng cáo của Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An, việc Tòa án cấp sơ thẩm bác bỏ nội dung đơn phản tố của bị đơn là không tôn trọng sự thật khách quan và không đúng quy định pháp luật.

Theo đó, nội dung thỏa thuận và ký kết giữa UBND tỉnh Nghệ An với Công ty cổ phần cấp nước Sông Lam, cũng như giữa Công ty cổ phần cấp nước Sông Lam với Công ty nước Nghệ An ngày 28/01/2015 và ngày 04/2/2015 có nhiều vấn đề pháp lý cần phải được xem xét một cách khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật.

Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An cho rằng lẽ ra UBND tỉnh Nghệ An phải tổ chức đấu thầu, vì tại địa phương khi ấy không phải chỉ có một mình Công ty cổ phần cấp nước Sông Lam kinh doanh lĩnh vực này. Mặt khác, việc chỉ định thầu chỉ áp dụng đối với trường hợp mua bán hàng hóa không quá 01 tỷ đồng, nhưng trong việc bán nước thô của Công ty cổ phần cấp nước Sông Lam thì giá trị hàng hóa rất lớn là hơn 2.000 tỷ đồng nếu tính theo lộ trình Dự án từ năm 2016 đến năm 2030.

Một điều bất thường là ngày 10/12/2015, Dự án nước thô của Công ty cổ phần cấp nước Sông Lam mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thế nhưng Công ty này vẫn được UBND tỉnh dễ dàng chấp thuận và vẫn ký kết văn bản “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” từ ngày 28/01/2015 và vẫn được ký kết “Hợp đồng mua bán nước thô” từ ngày 04/2/2015 khi Công ty vẫn chưa hoàn thành xong Dự án, khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định giá bán nước thô ở cùng một thời điểm cho hai doanh nghiệp trên cùng một địa bàn với mức giá chênh lệch nhau rất lớn. Ngày 28/01/2015 Công ty nước Nghệ An ký “Hợp đồng kinh tế” với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An về việc mua nước thô từ nguồn nước sông Đào với giá 630 đồng/m3. Thời điểm này UBND tỉnh là chủ sở hữu Công ty nước Nghệ An.

Nhưng cùng ngày 28/01/2015 UBND tỉnh lại ký “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” với Công ty Sông Lam để chỉ đạo Công ty nước Nghệ An ký “Hợp đồng mua bán nước thô” ngày 04/02/2015 theo mức giá nước thô từ nguồn nước sông Lam là 1950 đồng/m3.

“Thời điểm này Công ty nước Nghệ An là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, mọi hoạt động tài chính và nhân sự đều do UBND tỉnh Nghệ An quyết định và chỉ đạo, nên không thể cho rằng UBND tỉnh khi ấy không biết giá nước thô là 630 đồng/m3 vừa mới được ký với một doanh nghiệp khác trên cùng địa bàn”, ông Hải lập luận.

Hiện vụ tranh chấp giữa hai công ty vẫn đang tiếp tục diễn ra. VietnamFinance sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc hy hữu này.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.