Ngân hàng

Nghiệp vụ trích lập dự phòng có bị ‘bóp méo’ trong đại án OceanBank?

(VNF) – Nghiệp vụ trích lập dự phòng trước nay mang tính tương đối, chỉ nên sử dụng trong quản lý, điều hành. Nếu sử dụng để kết tội như trường hợp của đại án OceanBank thì cần xác định lại nợ xấu và mức trích lập dự phòng sao cho sát nhất thực tế nhất, có sự tham gia của các tổ chức thẩm định uy tín trong và ngoài nước, chứ không thể chỉ bám theo đánh giá của riêng Ngân hàng Nhà nước.

Nghiệp vụ trích lập dự phòng có bị ‘bóp méo’ trong đại án OceanBank?

Vẫn "nóng" chuyện OceanBank bị mua lại với giá 0 đồng

Tuần qua, đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục được đưa ra xét xử. Lần này, "nhân vật chính" là ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), người được cho là có tội trong việc làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank. Ông Thăng hiện đang bị đề nghị mức án lên đến 18-19 năm tù.

Ông Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, người đã bị kết án chung thân hồi tháng 9/2017 trong một vụ án khác thuộc chùm đại án OceanBank - xuất hiện với tư cách người làm chứng.

Cũng giống như vụ án hồi tháng 9/2017, tâm điểm của vụ án lần này tiếp tục xoay quanh việc OceanBank bị mua lại với giá 0 đồng.

Bán ‘tài sản 0 đồng’ có thể trả 4.000 tỷ cho cổ đông?

"Quan điểm của tôi là cần phải xem xét lại việc mua 0 đồng để xem xét quyền lợi của các cổ đông lớn. Cứ cho việc đánh giá 0 đồng 1 cổ phần thì những những khoản nợ được thu hồi thì cổ đông phải được hưởng. Bởi vậy, cần phải xem xét lại cho chúng tôi đỡ thiệt thòi", ông Thắm nói tại phiên tòa ngày 21/3.

Theo ông Thắm, 14.000 tỷ đồng nợ xấu của OceanBank bị định giá là 0 đồng thực chất là tài sản bảo đảm của các khoản vay của khách hàng.

"Tôi xin Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho tôi vài ngày, tôi sẽ làm xong trước khi phiên tòa này kết thúc. Tôi bảo đảm sẽ trình với Hội đồng xét xử những tài sản bị đánh giá bằng 0 đó, chúng tôi sẽ đem đi bán và bảo đảm không chỉ trả 800 tỷ cho PVN mà còn trả 3.200 tỷ cho các cổ đông còn lại. Tôi nghĩ trả 1.600 tỷ cho PVN cũng đủ", ông Thắm khẳng định.

Ông Hà Văn Thắm nói thêm, nếu ông được tiếp cận với các hồ sơ của ngân hàng, được tiếp cận với các khoản vay bằng 0 đó, cho ông sử dụng máy tính, ông bảo đảm văn bản của mình sẽ đủ thuyết phục Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa này.

"Mua một doanh nghiệp, ngoài chuyện âm vốn điều lệ thì phải định giá giá trị thương hiệu, định giá lại những tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu đó vì hầu hết các khoản vay phải có tài sản thế chấp, tài sản đó phải đem bán chứ chả nhẽ bỏ đi?", ông Thắm nói.

Tại phiên tòa ngày 23/3, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, khi mua 0 đồng, các cổ đông có quyền đề nghị Ngân hàng Nhà nước công bố tổng giá trị số tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm tại OceanBank vào thời điểm xảy ra vụ án.

Dấu hỏi về trích lập dự phòng

Trích lập dự phòng là nghiệp vụ cơ bản trong xử lý nợ xấu. Nôm na là việc ngân hàng "để dành" ra một khoản tiền để bù đắp khi nợ xấu gây ra tổn thất cho ngân hàng. Khoản tiền "để dành" này được hạch toán vào chi phí. Chi phí càng lớn, lợi nhuận càng bị "bào mòn", thậm chí gây ra thua lỗ.

Trong trường hợp của OceanBank, chi phí trích lập dự phòng quá lớn (theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước) đã khiến giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ bị âm (-) 11.175 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu OceanBank phải bổ sung vốn điều lệ tối thiểu số tiền là 14.175 tỷ đồng nhằm đảm bảo vốn điều lệ dương (+) 3.000 tỷ đồng – mức tối thiểu theo luật định.

Tuy nhiên, về bản chất, việc trích lập dự phòng là nhằm tạo ra "lớp phòng ngự" cho ngân hàng để đối phó với nguy cơ tổn thất từ nợ xấu chứ không phải khi trích lập dự phòng, khoản tiền trích lập bị mất đi. Khoản tiền "để dành" này vẫn tồn tại cho đến khi tổn thất thực sự xảy ra.

Bài toán muôn thủa là: làm sao để xác định lượng trích lập dự phòng đúng bằng lượng tổn thất thực tế. Trong trường hợp của OceanBank, liệu Ngân hàng Nhà nước có trích lập dự phòng đúng? Rất khó, bởi làm sao dự đoán chính xác được tương lai khoản nợ xấu sẽ gây tổn thất bao nhiêu?

Theo quy định hiện hành, nợ được phân thành 5 nhóm: Nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1 – trích lập dự phòng 0%); Nợ cần chú ý (nhóm 2 – trích lập 5%); Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3 – trích lập 20%); Nợ nghi ngờ (nhóm 4 – trích lập 50%) và Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5 – trích lập 100%). Nợ xấu bao gồm nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5.

Cách thức phân loại nợ cũng chỉ mang tính tương đối.

Hiện các ngân hàng trích lập dự phòng theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Thông tư này đưa ra 2 phương pháp phân loại nợ: định lượng và định tính.

Ví dụ với nợ nhóm 3, theo phương pháp phân loại định lượng của Thông tư 02, là các khoản nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày; nợ gia hạn lần đầu; nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng và nợ thuộc một số các trường hợp khác.

Còn theo phương pháp định tính, nợ nhóm 3 là các khoản nợ được đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Các khoản nợ này được đánh giá là có khả năng tổn thất.

Có thể nhận thấy ngay, một khoản nợ rơi vào các tiêu chí trên chắc chắn không đồng nghĩa với việc khoản nợ đó sẽ gây ra tổn thất 20%. Bản thân việc Thông tư 02 phải đưa ra 2 phương pháp phân loại nợ đã cho thấy tính tương đối của việc phân loại và trích lập dự phòng.

Tại phiên tòa ngày 20/3, ông Hà Văn Thắm từng nói một câu rất đáng chú ý: "cơ quan thanh tra cứ thấy bảng tín dụng vướng là họ trích lập hết". Đối chiếu với khẳng định của ông Hà Văn Thắm về việc bán ‘tài sản 0 đồng’ có thể trả 4.000 tỷ cho cổ đông, dễ dàng nhìn ra được sự "vênh nhau" rất lớn giữa quan điểm trích lập dự phòng của ông Thắm và Ngân hàng Nhà nước.

Cần xem xét lại?

Như đã đề cập, việc trích lập dự phòng là không thể chính xác, vì vậy chỉ nên dùng để phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành của bản thân ngân hàng, của cơ quan quản lý nhà nước và phục vụ thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư.

Thực tế, hiện có không ít ngân hàng nếu ghi nhận đầy đủ nợ xấu, trích lập dự phòng "thẳng tưng" theo quy định thì sẽ thua lỗ rất lớn, mất vốn nghiêm trọng. Thế nhưng, như trường hợp của Sacombank, vì sao thời điểm năm 2017, nợ xấu thực tế được ước tính lên đến 60.000 tỷ, chiếm tới trên 20% tổng dư nợ mà hàng loạt "đại gia" cả trong và ngoài nước vẫn đua nhau muốn sở hữu cổ phần Sacombank để thực hiện tái cơ cấu?

Đó là vì tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm cho khối nợ xấu khổng lồ trên là rất lớn, mà theo ước tính của Sacombank, trị giá lên đến 80.000 tỷ đồng.

Chủ tịch LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng từng ví nợ xấu là "nguồn dự trữ" tốt cho tương lai, đặc biệt là khi nợ xấu chủ yếu được đảm bảo bằng bất động sản, thị trường tốt lên bán sẽ rất được giá.

Trên thực tế, hàng năm, ngân hàng nào cũng ghi nhận rất đều đặn khoản lãi từ hoạt động hoàn nhập dự phòng, và đa phần khoản lãi này chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lãi. Thậm chí như trường hợp ACB – ngân hàng từng ngập trong nợ xấu – trong năm 2018 này dự báo sẽ ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng hàng nghìn tỷ, làm lợi nhuận tăng đột biến, có thể gấp đôi năm 2017 theo ước tính của nhiều công ty chứng khoán.

Thiết nghĩ, liên quan đến việc kết tội như trường hợp đại án OceanBank, Hội đồng xét xử nên xem xét lại một cách bài bản, có sự tham gia của các đơn vị thẩm định uy tín trong và ngoài nước trong việc xác định và phân loại nợ xấu, xác định mức trích lập dự phòng sát nhất thực tế (chứ không chỉ bám theo đánh giá của riêng Ngân hàng Nhà nước). Đồng thời tính toán cả giá trị thương hiệu, vị thế của OceanBank để làm căn cứ đánh giá việc OceanBank bị mua 0 đồng là đã chính xác chưa hay là "vội vã" như lời luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói tại phiên tòa ngày 22/3.

Tin mới lên