Nguồn tiền bất ngờ giúp 'ông lớn' trên sàn chứng khoán Việt Nam thoát lỗ

Nhật Minh - 17/08/2023 23:51 (GMT+7)

(VNF) - Trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam đã “thoát lỗ” nhờ những nguồn doanh thu bất thường ngoài hoạt động kinh doanh chính.

DIC Corp (DIG) báo lãi nhờ phạt vi phạm hợp đồng

Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (DIG) là một trong những doanh nghiệp điển hình của cách ghi nhận lãi không nhờ hoạt động kinh doanh chính. 

Hoạt động kinh doanh chính của DIC Corp là về đầu tư phát triển các khu đô thị mới và khu công nghiệp, phát triển nhà và hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật… Thế nhưng trong Quý 2/2023, đơn vị này đã phải ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh chính.

Cụ thể thì tại Quý 2/2023, doanh thu thuần của DIG đạt 161,7 tỷ đồng, giảm tới 71,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 31,8 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm sâu từ 42,1% xuống chỉ còn 19,7%.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 28,4 tỷ trong khi chi phí tài chính chiếm 22,1 tỷ đồng. Dù doanh thu giảm mạnh nhưng công ty vẫn ghi nhận chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức tương đối cao, lần lượt là 9 tỷ và 34,4 tỷ đồng. 

Sau khi trừ đi các chi phí này, DIG ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 5 tỷ đồng. Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên thua lỗ từ hoạt động kinh doanh chính của DIG trong 2 năm trở lại đây.

Cứu cánh cho kết quả kinh doanh Quý 2 của DIG đến từ khoản lãi khác 22 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã ghi nhận tiền lãi từ phạt hợp đồng lên tới 18 tỷ đồng. Nhờ khoản thu nhập bất thường này mà DIG đã vừa đủ thoát lỗ Quý 2, ghi nhận lãi sau thuế 9,1 tỷ đồng.

Xây dựng Hoà Bình (HBC) thoát lỗ nhờ bán công ty con

Một doanh nghiệp điển hình trên thị trường chứng khoán vừa “thoát lỗ” ngoạn mục trong Quý 2 đó là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC). Trên BCTC Quý 2/2023, doanh thu của HBC đạt 2.298 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp công ty đạt gần 424 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính giảm 49%, chỉ còn ghi nhận 93 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng nhẹ lên 142 tỷ đồng. Đáng chú ý đó là chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng tới 190%, lên 436 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi công ty phải trích lập dự phòng 317 tỷ đồng cho các khoản nợ phải thu khó đòi.

Sau khi trừ đi các chi phí, HBC ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 68 tỷ đồng. Khoản lỗ này tuy đã giảm hơn so với 2 quý liền trước nhưng vẫn cho thấy bức tranh kinh doanh ảm đạm của HBC.

Tuy nhiên, trong Quý 2, HBC đã ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên tới 653 tỷ đồng, đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, vật tư trong kỳ. Sự gia tăng đột biến của các nguồn lợi nhuận này đã giúp HBC thoát lỗ và ghi nhận lãi 547 tỷ đồng.

Cụ thể thì khoản lãi thanh lý tài sản này trong kỳ bao gồm 1.293 tỷ đồng thanh lý máy móc, khấu hao của số thiết bị này là 857 tỷ đồng. Ngoài ra, trong ngày 17/6/2023 trước đó, HĐQT của Hoà Bình cũng đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn cổ phần tại Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho nhà đầu tư Ashita Group với giá 1.100 tỷ đồng. 

Đồng thời, HBC cũng thông qua việc bán toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Một thành viên Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hoà Bình (HBIC) với giá 167 tỷ đồng. Các khoản thanh lý tài sản cùng việc bán công ty con đã giúp HBC thoát lỗ trong Quý 2/2023.

Thế giới Di Động (MWG) thoát lỗ nhờ lãi tiền gửi tại ngân hàng

Tình hình kinh doanh của Thế giới Di Động (MWG) đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu người tiêu dùng sụt giảm khiến doanh thu của các chuỗi Thế giới Di Động và Điện Máy Xanh bị ảnh hưởng.

Trên BCTC Quý 2/2023 của MWG, doanh thu thuần hợp nhất chỉ đạt 29.465 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt tới 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 14,2%. Trong đó, giá vốn hàng bán chiếm 24.024 tỷ, lợi nhuận gộp ghi nhận ở mức 5.441 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,4% xuống 18,5%.

Điểm sáng kinh doanh trong kỳ lại nằm ở Doanh thu hoạt động tài chính, tăng từ 298 tỷ lên 585 tỷ đồng. Phần lớn trong khoản doanh thu này đến từ lãi tiền gửi. Trên BCTC của MWG cũng đang ghi nhận lượng tiền mặt gửi ngân hàng lên tới 20.979 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. 

Trong khi đó, chi phí tài chính tăng thêm từ 360 tỷ lên 397 tỷ đồng, với cơ cấu phần lớn là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt ghi nhận ở 5.211 tỷ và 229 tỷ đồng. Sau khi trừ hết đi các chi phí cùng thuế, lợi nhuận sau thuế Quý 2 của MWG còn lại chỉ còn 17 tỷ đồng, giảm  98% so với năm 2022.

Với số lãi này, có thể thấy rằng nếu không nhờ khoản lãi tiền gửi tăng thêm tới 287 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trong Quý 2 của MWG chắc chắn sẽ lỗ. Tuy rằng việc một đơn vị nắm giữ lượng lớn tiền mặt là tốt. Nhưng chắc chắn nhà đầu tư sẽ mong doanh nghiệp ghi nhận lãi từ hoạt động kinh doanh chính chứ không phải từ các khoản tiền gửi tại ngân hàng.

Cùng chuyên mục
Tin khác