Những phiên MegaLive trăm tỷ đột ngột 'tắt sóng': Đâu là nguyên nhân?

Tiểu An - 01/01/2025 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2024, livestream bán hàng đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự với những con số doanh thu bùng nổ, cho thấy sức hút và tầm ảnh hưởng của các “chiến thần livestream”… Tuy nhiên, 2 - 3 tháng gần đây lại bất ngờ vắng bóng.

Thương mại điện tử không chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp mà còn là nơi các KOL, KOC (người có tầm ảnh hưởng) so tài bán hàng. Năm qua, hình thức bán hàng qua livestream bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt là trên các nền tảng như TikTok. Để giành thị phần, các sàn thương mại điện tử đã hợp tác với người nổi tiếng để tăng sức hút, từ đó tạo ra cuộc cạnh tranh sôi nổi và thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Những phiên live doanh thu 'khủng'

Nổi bật trong các "chiến thần livestream" là Võ Hà Linh, người đạt doanh thu kỷ lục 237 tỷ đồng trong phiên live ngày 6/6, với 316.000 lượt xem chỉ sau 1,5 giờ. Cô tiếp tục lập thêm những kỷ lục ấn tượng trong các buổi livestream sau đó, với hơn 1,4 triệu đơn hàng và doanh thu vượt xa 237 tỷ đồng.

Phạm Thoại, "chúa tể vạn đơn" trên TikTok, cũng ghi dấu ấn với phiên livestream 58 tỷ đồng vào 4/4. Anh thu hút hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn đơn hàng trong các buổi livestream dài nhiều giờ.

Hằng Du Mục, người chuyên bán các sản phẩm Trung Quốc và Việt Nam, đạt doanh số 72 tỷ đồng trong phiên Mega Live 6/6. Cô nhanh chóng bán hết 2 tấn táo đỏ chỉ trong 1 phút.

Quyền Leo Daily, cặp đôi livestream đình đám, phá vỡ kỷ lục với doanh thu 100 tỷ đồng từ phiên livestream kéo dài 17 giờ vào tháng 5.

Những con số ấn tượng này chứng tỏ livestream đang trở thành công cụ bán hàng mạnh mẽ, không chỉ thu hút người tiêu dùng mà còn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp và người bán.

Phiên MegaLive trăm tỷ của Quyền Leo Daily.

Điểm chung các phiên live: Giá cực rẻ

Dù chiến lược truyền thông và công sức của ekip bài bản đóng vai trò quan trọng, yếu tố quyết định khiến người dùng "chốt đơn" vẫn là mức giá. Các nhà bán hàng luôn phải đảm bảo giá hấp dẫn, ưu đãi và khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng trong mỗi phiên livestream.

Phương thức phổ biến là tung ra deal 1K, 10K, 50K, voucher triệu đồng và các hình thức như mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1 để thu hút người mua. Giá rẻ giúp giữ chân khách hàng và tạo áp lực cạnh tranh giữa các nhà bán hàng.

Để có mức giá tốt, người bán sẵn sàng nhận hoa hồng thấp và đàm phán với các nhãn hàng. Ví dụ, vợ chồng Quyền Leo Daily chia sẻ họ chỉ nhận % hoa hồng nhỏ để đạt doanh số lớn và công bố doanh thu mỗi phiên. Nền tảng TikTok cũng hỗ trợ giá, giúp đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Tiến sĩ Alrence Halibas, giảng viên Digital Marketing tại Đại học RMIT, cho rằng chiến lược ưu đãi này phù hợp với người tiêu dùng Việt, vốn nhạy cảm về giá. Theo Metrics, 5 sàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam đạt doanh thu 9 tỷ USD trong năm 2023, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ của ngành livestream trong tương lai.

Các phiên live doanh thu trăm tỷ bỗng dưng biến mất

Năm 2024, livestream bán hàng đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự với những con số doanh thu bùng nổ, cho thấy sức hút và tầm ảnh hưởng của các “chiến thần livestream”… Tuy nhiên, 2 - 3 tháng cuối năm, nhiều người thắc mắc về sự vắng bóng của các phiên MegaLive với doanh số chục tỷ, trăm tỷ đồng như trước, dù các KOL và nghệ sĩ vẫn thường xuyên tổ chức những buổi livestream kéo dài hàng giờ.

Trao đổi với phóng viên, một KOL có gần 3 triệu người theo dõi (xin giấu tên) cho biết nguyên nhân chính là sự biến mất của những phiên MegaLive đình đám. Sau các buổi livestream trước đây, KOL này thường xuyên bị bàn tán, thông tin sai lệch lan truyền, thậm chí bị "soi" chuyện đóng thuế hay đời tư cá nhân.

Các ý kiến trái chiều như "lùa gà", chiêu trò câu like, câu view khiến cộng đồng không còn mặn mà, đồng thời gây ảnh hưởng đến nền tảng livestream. Những doanh số quá cao cũng khiến người tiêu dùng nghi ngờ, ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm. Chính vì vậy, trong những tháng qua, các KOL, nền tảng và nhãn hàng đều quyết định không công bố doanh số của các phiên MegaLive nữa.

KOL này chia sẻ: "Thực tế, vẫn có những phiên MegaLive đạt doanh thu chục tỷ trong các dịp siêu sale, nhưng KOL và nghệ sĩ không công bố số liệu doanh số để tránh rủi ro liên quan đến uy tín, danh tiếng và hợp tác với các nhãn hàng khác."

Chuyên gia thương mại điện tử Đỗ Quang Huy, Giám đốc công ty Ecotop, cho biết trước đây, các phiên MegaLive có doanh thu lớn được tổ chức rầm rộ nhằm thu hút người tiêu dùng tham gia livestream. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng đã quen với việc mua sắm qua các phiên MegaLive, các nền tảng và KOL không cần phải đẩy mạnh hoạt động này nữa, dẫn đến việc thông tin về doanh số "khủng" không còn xuất hiện.

Ông Huy cũng chia sẻ thêm: "Các KOL hiện nay rất thận trọng, bởi nếu công bố doanh số không chính xác, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của họ và khiến các nhãn hàng không còn muốn hợp tác."

Cùng chuyên mục
Tin khác