‘Giấy thông hành’ cho DN Việt vào thị trường đặc biệt 10.000 tỷ USD
(VNF) - Với quy mô toàn cầu ước tính 7.000 tỷ USD năm 2020 và dự kiến đạt 10.000 tỷ USD trước năm 2028, Halal được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng với bất cứ quốc gia nào, bao gồm cả Việt Nam.
Halal là một thuật ngữ trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc "được phép" theo quy định của Hồi giáo. Trong đời sống hàng ngày, Halal thường được dùng để chỉ các thực phẩm, sản phẩm, dịch vụ, và hành vi tuân thủ luật Shari'ah (luật Hồi giáo), đảm bảo chúng không chứa những gì bị cấm (Haram) theo tôn giáo.
Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ bất cứ thứ gì mà người Hồi giáo được phép sử dụng hoặc thực hiện, dựa trên quy định của luật Shari'ah.
Thị trường Halal hướng tới quy mô dự kiến đạt 10.000 tỷ USD
Phát biểu tại buổi đối thoại về chuyên đề kinh tế Halal được Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 27/12, Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thành Duy cho hay với quy mô toàn cầu ước tính 7.000 tỷ USD năm 2020 và dự kiến đạt 10.000 tỷ USD trước năm 2028, Halal là thị trường đầy tiềm năng với bất cứ quốc gia nào, đặc biệt khi dân số Hồi giáo dự kiến đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030, chiếm 1/3 dân số thế giới.
Theo ông Nguyễn Thành Duy, thị trường Halal hiện là một lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng với 7 ngành công nghiệp chủ lực bao gồm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch, tài chính hồi giáo, thời trang, truyền thông...
Trong đó, quy mô ngành thực phẩm năm 2022 là 2.354,5 tỷ USD và dự báo đến năm 2029 đạt 4.987,83 tỷ USD.
Ngành du lịch cũng được xem là một trong những tiềm năng khi số lượng người Hồi giáo đi du lịch quốc tế năm 2022 đạt 110 triệu người và có thể đạt 230 triệu người năm 2028. Chi tiêu cho du lịch của người Hồi giáo dự kiến đạt 325 tỷ USD năm 2030.
Ngành dược - mỹ phẩm được dự báo có quy mô và tăng trưởng đến năm 2029 lần lượt là 103,1 tỷ USD và 78,6 tỷ USD.
Thị trường Halal đang ngày càng phát triển, không chỉ trong các quốc gia có đông dân số Hồi giáo mà còn lan rộng ra toàn cầu. Phần lớn các nhà cung cấp sản phẩm Halal lớn trên thế giới từ các nước phi Hồi giáo như Australia (xuất khẩu thịt bò), Braxin (gà), Thailand và Hàn Quốc (du lịch)…
Theo ông Nguyễn Thành Duy, thị trường Halal toàn cầu là thị trường lớn và tiềm năng mà Việt Nam không thể bỏ qua. Việc tham gia vào thị trường này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và mở rộng các hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, mở rộng danh mục hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta có thế mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, du lịch.
Ngoài ra, thị trường Halal mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp và địa phương nâng cao năng lực, tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cũng như tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. Đặc biệt, Halal tạo động lực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Lợi thế của Việt Nam
Theo PGS. TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nước ta có vị trí thuận lợi gần các thị trường lớn và thế mạnh về sản phẩm như gạo, cà phê, hạt điều, thủy sản và trái cây, đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” hồi tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi Nguyễn Thành Duy, dù sở hữu nhiều lợi thế như chất lượng sản phẩm và có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Hồi giáo, Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều rào cản lớn.
Có thể liệt kê một số rào cản chính như thiếu một hệ sinh thái Halal đồng bộ, nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, nhận thức về khái niệm này chưa cao hay chi phí chứng nhận và quy trình sản xuất đắt đỏ.
Vì vậy, để khắc phục những thách thức này, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm hoàn thiện khung pháp lý và ban hành tiêu chuẩn quốc gia Halal, đồng thời thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương.
Cùng với đó, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) và nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp là những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy hơn nữa ngành Halal Việt Nam.
Theo PGS. TS Đinh Công Hoàng, để khai thác tối đa tiềm năng, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thỏa thuận công nhận tiêu chuẩn Halal.
Đồng thời, việc chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử và xây dựng hệ sinh thái Halal sẽ giúp Việt Nam kết nối hiệu quả với các thị trường lớn như Trung Đông, Đông Nam Á và châu Phi.
Bên cạnh đó cũng cần tăng cường thông tin hai chiều để khai thác tối đa tiềm năng hợp tác, góp phần đưa sản phẩm và dịch vụ Halal của Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Halal là ‘cơ hội vàng’ để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực sản xuất
- Vì sao ông Trump ‘năm lần bảy lượt’ muốn Mỹ tiếp quản Kênh đào Panama? 27/12/2024 04:14
- Các công ty đua nhau tài trợ cho lễ nhậm chức của ông Trump 27/12/2024 08:45
- Trung Quốc chi 137 tỷ USD xây đập thủy điện lớn nhất thế giới 27/12/2024 08:30
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.