Vì sao ông Trump ‘năm lần bảy lượt’ muốn Mỹ tiếp quản Kênh đào Panama?
(VNF) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đề nghị Mỹ tiếp quản Kênh đào Panama, tuyến đường thủy vận chuyển cắt ngang Trung Mỹ, trừ khi phí sử dụng kênh đào này được giảm xuống.
Lãnh đạo Panama đã phản pháo trong một tuyên bố gần đây rằng tuyến đường thủy này không phải để bán. Kể từ đó, ông Trump tiếp tục đề cập nhiều lần tới kênh đào này.
Sau đây là những điều cần biết về lịch sử Kênh đào Panama và sự tham gia của Mỹ vào tuyến đường vận chuyển này:
Lịch sử của kênh đào Panama
Kênh đào Panama được Mỹ xây dựng từ năm 1904 đến năm 1913 và khánh thành vào năm 1917. Theo Cơ quan quản lý kênh đào Panama, chi phí xây dựng kênh đào này khoảng 375 triệu USD, khiến đây trở thành dự án xây dựng tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ vào thời điểm đó.
Kênh đào này nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, cung cấp cho tàu thuyền một lối tắt để tránh đi vòng qua mũi Nam Mỹ. Có thể nói kênh đào Panama đã cách mạng hóa giao thông vận tải trong khu vực.
Mỹ đã mua lại quyền xây dựng và vận hành kênh đào vào đầu thế kỷ 20, nhưng vào thời điểm đó, Panama đang trong quá trình ly khai khỏi Colombia vì Thượng viện Colombia đã từ chối phê chuẩn hiệp ước cho phép xây dựng kênh đào, theo Văn phòng Sử gia thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Để đảm bảo kênh đào có thể được xây dựng, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Theodore Roosevelt đã ủng hộ nền độc lập của Panama, và vào năm 1903, Mỹ và Panama đã ký một hiệp ước thiết lập quyền vĩnh viễn của Mỹ đối với "Khu vực kênh đào Panama" trải dài khắp quốc gia.
Tuy nhiên, người đàm phán thay mặt Panama không có sự đồng ý chính thức từ chính phủ quốc gia này và đã không sống ở quốc gia này trong 17 năm, khiến nhiều người Panama nghi ngờ về tính hợp lệ của hiệp ước, theo Văn phòng Sử gia.
Trong suốt thế kỷ 20, Mỹ và Panama đã giải quyết những căng thẳng xung quanh kênh đào, bao gồm một cuộc bạo loạn vào những năm 1960 dẫn đến sự gián đoạn ngắn trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Năm 1967, Mỹ và Panama bắt đầu đàm phán một hiệp ước mới, cuối cùng đã đạt được thỏa thuận, nhưng một sự thay đổi trong các nhà lãnh đạo được bầu và một cuộc đảo chính ở Panama đã dẫn đến việc thành lập một chính phủ mới tại quốc gia Trung Mỹ này, theo Văn phòng Sử gia. Vì lý do đó, các cuộc đàm phán "đã gặp phải một thất bại lớn".
Các cuộc đàm phán tiếp tục trong suốt những năm 70. Khi ông Jimmy Carter được bầu làm tổng thống, ông đã đưa việc kết thúc quá trình đàm phán lên hàng đầu, và vào năm 1977, hai hiệp ước đã được đệ trình lên Thượng viện Mỹ: Hiệp ước trung lập, trong đó nêu rõ Mỹ có thể sử dụng quân đội của mình để bảo vệ kênh đào, cho phép "Mỹ sử dụng vĩnh viễn" tuyến đường thủy này, và Hiệp ước kênh đào Panama, trong đó sẽ chấm dứt sự tồn tại của Khu vực kênh đào Panama và cho phép kênh đào được chuyển giao cho Panama vào tháng 12/1999.
Là một phần của hiệp ước thứ hai, Panama cũng sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ kênh đào.
Các hiệp ước, được gọi chung là Hiệp ước Torrijos-Carter, được ký vào ngày 7/9/977. Vào mùa xuân năm 1978, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu phê chuẩn các hiệp ước và ông Carter đã ký chúng thành luật vào ngày 27/9/1979. Kênh đào được chuyển giao cho Panama vào ngày 31/12/1999, dưới thời chính quyền ông Bill Clinton.
Kênh đào Panama thuộc quyền sở hữu và điều hành của Cơ quan quản lý kênh đào Panama, một cơ quan do chính phủ sở hữu, kể từ năm 1999. Cơ quan này được thành lập ngay trước khi kênh đào được trả lại cho Panama.
Kể từ khi nắm quyền kiểm soát tuyến đường thủy này, Cơ quan quản lý kênh đào Panama đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc mở rộng kênh đào. Một dự án mở rộng kênh đào trị giá 5,25 tỷ USD đã được khánh thành vào năm 2016, tăng gấp đôi công suất của tuyến đường thủy này và cắt giảm chi phí hàng hải toàn cầu ước tính 8 tỷ USD một năm. Việc mở rộng này cũng cho phép các tàu lớn hơn đi qua.
Theo CBS News, khoảng 40% lưu lượng tàu chở hàng trên thế giới đi qua Kênh đào Panama, mặc dù hạn hán gần đây đã buộc các nhà khai thác phải giảm số lượng tàu qua lại.
Số liệu của Cơ quan quản lý kênh đào Panama cho thấy khoảng 2/3 lưu lượng giao thông qua kênh đào là đi đến hoặc rời khỏi Mỹ, mặc dù tàu thuyền từ khắp nơi trên thế giới vẫn sử dụng tuyến đường thủy này mỗi ngày .
“Cuộc đụng độ” giữa ông Trump và Tổng thống Panama
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đề xuất Mỹ nên tiếp quản Kênh đào Panama trong bài đăng trên TruthSocial vào ngày 21/12.
Ông cũng nêu vấn đề này với đám đông người ủng hộ tại AmericaFest của Turning Point vào cuối tuân trước, nơi ông cho biết Panama đang tính "giá cắt cổ" và nói rằng "sự lừa đảo hoàn toàn đối với đất nước chúng tôi sẽ ngay lập tức chấm dứt".
"Nếu các nguyên tắc về mặt đạo đức và pháp lý của cử chỉ hào hiệp này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama phải được trả lại cho Mỹ một cách đầy đủ, nhanh chóng và không cần thắc mắc", ông Trump phát biểu.
Tới ngày 25/12, ông Trump cho biết ông sẽ đề cử thành viên của Miami-Dade International Trade Consortium, ông Kevin Marino Cabrera, làm đại sứ Mỹ tại Panama. Trong thông báo đó, ông cáo buộc Panama "lừa đảo chúng ta trên Kênh đào Panama, vượt xa giấc mơ hoang đường nhất của họ".
Ông Trump tiếp tục đăng bài trên mạng xã hội về việc Mỹ giành lại quyền sở hữu kênh đào và nhắc đến kênh đào trong thông điệp Ngày Giáng sinh được chia sẻ trên TruthSocial. Ông cảnh báo về ảnh hưởng tiềm tàng từ Trung Quốc đối với tuyến đường thủy vận chuyển này, mặc dù không có sự hiện diện của Trung Quốc tại kênh đào, theo Reuters.
Reuters cho biết một công ty có trụ sở tại Hồng Kông quản lý hai cảng dọc theo kênh đào.
Tổng thống Panama José Raúl Mulino cho biết trong một tuyên bố được chia sẻ trên mạng xã hội rằng "mỗi mét vuông" của kênh đào "thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
"Chúng ta hãy cùng chờ xem!", ông Trump đã viết trên mạng để đáp trả.
Ông Mulino một lần nữa trả lời ông Trump trong một cuộc họp báo vào ngày 26/12 rằng "bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể tự do đến thăm kênh đào" và nói thêm rằng "không có một người lính Trung Quốc nào ở kênh đào, và ngược lại, sẽ không có, và chúng tôi duy trì mối quan hệ tôn trọng, được quản lý tốt với Trung Quốc".
Ông Mulino cho biết: "Cách tiếp cận cụ thể, kênh đào là của Panama và thuộc về người Panama, không có khả năng mở ra bất kỳ cuộc đối thoại nào về thực tế mà đất nước này đã phải đổ mồ hôi, nước mắt và xương máu để đạt được".
Ông Trump đe dọa lấy lại Kênh đào Panama, Tổng thống Panama phản ứng gay gắt
- Các công ty đua nhau tài trợ cho lễ nhậm chức của ông Trump 27/12/2024 08:45
- Trung Quốc chi 137 tỷ USD xây đập thủy điện lớn nhất thế giới 27/12/2024 08:30
- Người Nga chi tiêu mạnh tay cho 'thầy phù thủy' 26/12/2024 03:30
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.