Ông Trump đe dọa lấy lại Kênh đào Panama, Tổng thống Panama phản ứng gay gắt

Hải Đăng - 23/12/2024 11:03 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 22/12 đã gợi ý rằng chính quyền mới của ông có thể thử giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama mà Mỹ đã "ngu ngốc" nhượng lại cho đồng minh Trung Mỹ của mình, với lý do rằng các hãng vận chuyển phải trả mức phí "vô lý" để đi qua kênh vận tải quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Bình luận của tổng thống đắc Mỹ được đưa ra trong cuộc mít tinh lớn đầu tiên của ông kể từ khi giành chiến thắng tại Nhà Trắng vào ngày 5/11.

Phát biểu trước những người ủng hộ tại AmericaFest của Turning Point USA ở Arizona, ông Trump cam kết rằng "đội ngũ nội các trong mơ" của ông sẽ mang lại nền kinh tế bùng nổ, đóng cửa biên giới Mỹ và nhanh chóng giải quyết các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine.

"Tôi có thể tự hào tuyên bố rằng Thời đại hoàng kim của nước Mỹ đang đến với chúng ta”, ông Trump nhấn mạnh thêm.

Một tàu chở hàng đi qua Kênh đào Panama ở Colon, Panama, ngày 2/9/2024 (Ảnh: Matias Delacroix/AP)

Ông Trump đồng thời nhắc lại ý định lấy lại Kênh đào Panama, sau khi đe dọa sẽ làm như vậy trong bài đăng trên Truth Social vào ngày 21/12.

Ông Trump nói rằng Mỹ đang bị "lừa đảo" tại Kênh đào Panama và ám chỉ rằng Trung Quốc đang giành được ảnh hưởng đối với tuyến đường thủy này.

"Chúng ta đang bị lừa đảo tại Kênh đào Panama giống như chúng ta đang bị lừa đảo ở mọi nơi khác", ông Trump nói vào ngày 22/12 ở Arizona.

“Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức và pháp lý, của cử chỉ hào hiệp này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama phải được trả lại cho Mỹ một cách đầy đủ, nhanh chóng và không cần phải thắc mắc”, ông Trump tuyên bố.

Vị tổng thống đắc cử nhấn mạnh thêm rằng: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều đó. Vì vậy, đối với các quan chức của Panama, hãy tuân thủ theo hướng dẫn.”

Mỹ xây dựng Kênh đào Panama vào đầu những năm 1900 khi tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển tàu thương mại và quân sự giữa các bờ biển của mình. Washington đã từ bỏ quyền kiểm soát tuyến đường thủy này cho Panama vào ngày 31/12/1999, theo một hiệp ước được Tổng thống Jimmy Carter ký vào năm 1977.

Kênh đào phụ thuộc vào các hồ chứa để vận hành các âu tàu và bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán ở Trung Mỹ năm 2023 khiến kênh phải giảm đáng kể số lượng các chuyến tàu qua kênh mỗi ngày. Với số lượng tàu ít hơn sử dụng kênh đào mỗi ngày, các nhà quản lý cũng tăng phí mà tất cả các hãng tàu phải trả để đặt chỗ.

Với thời tiết trở lại bình thường vào những tháng cuối năm nay, việc vận chuyển trên kênh đào đã trở lại bình thường nhưng giá vẫn được dự kiến ​​tăng vào năm sau.

Ngay sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tăng cường thực hiện kế hoạch chiếm lại Kênh đào Panama, Tổng thống Panama đã tuyên bố vào ngày 22/12 rằng kênh đào này sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của nước ông.

Trong một video được đăng tải trên mạng xã hội, Tổng thống Panama José Raúl Mulino, người được bầu vào đầu năm nay với cam kết đưa đất nước mình đến gần Mỹ hơn, đã bác bỏ tuyên bố của ông Trump rằng Mỹ có thể chiếm lại tuyến đường thủy quan trọng về mặt chiến lược này. Ông cũng phản đối những khiếu nại của ông Trump rằng các tàu của Mỹ đang bị tính phí không công bằng và quá cao để đi qua kênh đào.

“Là tổng thống, tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng mỗi mét vuông của Kênh đào Panama và khu vực lân cận đều là của Panama và sẽ mãi như vậy”, ông Mulino phát biểu vào ngày 22/12.

“Chủ quyền và độc lập của đất nước chúng ta là không thể thương lượng”, ông Mulino tuyên bố và nhấn mạnh thêm rằng kênh đào là một phần không thể thiếu trong lịch sử đất nước ông và rằng mọi người Panama “đều mang nó trong tim.”

Không rõ tại sao ông Trump lại tập trung vào tuyến đường vận chuyển quan trọng này trong những ngày gần đây. Panama là đồng minh mạnh mẽ của Mỹ và kênh đào này rất quan trọng đối với nền kinh tế của nước này, tạo ra khoảng một phần năm doanh thu hàng năm của chính phủ.

Trong khi Trung Quốc tích cực “làm thân” với chính phủ Panama trước đây bằng các dự án cơ sở hạ tầng và một công ty có trụ sở tại Hồng Kông điều hành hai cảng ở hai đầu kênh đào, thì kênh đào này được quản lý bởi một cơ quan chính phủ độc lập là Cơ quan quản lý kênh đào Panama.

Trong khi đó, chính phủ của ông Mulino đã cam kết tăng cường quan hệ với Mỹ, và Trung Quốc không công bố thêm bất kỳ khoản đầu tư hay đề nghị nào liên quan đến tuyến vận chuyển quan trọng này trong những tháng gần đây.

Theo ước tính, có khoảng 5%m lưu lượng hàng hải toàn cầu đi qua Kênh đào Panama, cho phép tàu thuyền di chuyển giữa châu Á và Bờ Đông Mỹ tránh được tuyến đường dài và nguy hiểm vòng qua mũi phía nam của Nam Mỹ.

Vào tháng 10, Cơ quan quản lý Kênh đào Panama báo cáo rằng tuyến đường thủy này đã đạt doanh thu kỷ lục gần 5 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.

Theo Politico
Ông Trump đe dọa EU: Tích cực mua dầu khí Mỹ hoặc sẽ bị áp thuế

Ông Trump đe dọa EU: Tích cực mua dầu khí Mỹ hoặc sẽ bị áp thuế

Tài chính quốc tế
(VNF) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 20/12 cho biết Liên minh châu Âu (EU), vốn là nước mua năng lượng lớn nhất của Mỹ, nên tăng cường nhập khẩu dầu và khí đốt từ Mỹ hoặc phải đối mặt với mức thuế quan tăng cao, đặc biệt lên các mặt hàng như ô tô và máy móc.
Cùng chuyên mục
Tin khác