'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
TTXVN dẫn nguồn tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1 giờ 30 phút ngày 17/3/2018 tại quê nhà Củ Chi, TP. HCM.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sinh ngày 25/12/1933, là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc đổi mới - phát triển đất nước.
Từng là thành viên của Tổ kinh tế đối ngoại, giúp việc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã chia sẻ với Nhadautu.vn những đánh giá về các chính sách điều hành kinh tế, những đóng góp với sự phát triển chung của Chính phủ ông Phan Văn Khải, cũng như những ấn tượng về vị lãnh đạo này.
Nhadautu.vn xin trích lại những chia sẻ và đánh giá của GS. TSKH Nguyễn Mại dưới đây:
"Thủ tướng thời kỳ đổi mới ban đầu là ông Phạm Hùng, sau đó là ông Đỗ Mười, từ năm 1991 là ông Võ Văn Kiệt. Ông Võ Văn Kiệt làm cho đến cuối năm 1997 thì Thủ tướng Phan Văn Khải được Quốc hội bổ nhiệm. Ông Khải làm được gần 9 năm (từ cuối năm 1997 đến tháng 10/2006) với hai nhiệm kỳ Thủ tướng.
Nếu đánh giá ông Phan Văn Khải mà không đánh giá về sự nghiệp mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại thì không thật khách quan. Chính phủ của ông Phan Văn Khải đã kế thừa được sự năng động và uy tín của Chính phủ trước, không chỉ đối với Việt Nam mà cả thế giới.
Ông Kiệt là một Thủ tướng rất năng động, dám đưa ra những quyết định táo bạo kể cả đối nội lẫn đối ngoại. Thời kỳ ông Kiệt làm Thủ tướng (từ 1991-1997), đầu tư nước ngoài phát triển rất nhanh. Mở rộng thị trường trong nước, đấu tranh các tệ nạn của thời kỳ bao cấp, ông Kiệt cũng làm rất mạnh.
Từ kinh nghiệm làm Chủ tịch, Bí thư TP. HCM, ông Kiệt rất năng động và có công lớn đưa nền kinh tế đất nước đi lên nhanh chóng. Trung bình từ năm 91-97, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8,2-8,3%/năm. Những kinh nghiệm mà ông Kiệt để lại rất tốt cho sự nghiệp của Chính phủ ông Phan Văn Khải.
Ông Kiệt cũng là người mở đầu cho hội nhập kinh tế quốc tế. Vào tháng 7/1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, rồi ký nghiệp định khung với EU và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Thời kỳ đầu khi ông Khải nhậm chức Thủ tướng, kế thừa ông Võ Văn Kiệt, còn rất khó khăn. Ông Khải bắt đầu làm Thủ tướng vào cuối năm 1997 cũng là lúc cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á bắt đầu nổ ra từ Thái Lan, rồi lan sang các nước ASEAN và cả khu vực. Cuộc khủng hoảng này Việt Nam không trực tiếp bị ảnh hưởng vì lúc đó chúng ta chưa mở cửa thị trường tiền tệ nhưng cũng chịu tác động rất lớn.
Theo đánh giá của nhiều người, tác động này có độ trễ cho đến năm 2002-2003. Trong đó, tác động lớn nhất là ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Thời kỳ ông Võ Văn Kiệt, xuất khẩu hàng năm tăng 15-20% thì đến những năm đầu nhiệm kỳ của ông Phan Văn Khải, do khủng hoảng nên xuất khẩu giảm xuống, có năm tăng trưởng âm, có năm chỉ tăng 2-3%.
Trong thời kỳ của ông Kiệt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng hàng năm từ 1-2 tỷ USD đến 5-6 tỷ USD cho đến cuối năm 1997. Nhưng đến thời kỳ ông Khải, từ năm 1999 - 2004, mỗi năm chỉ thu hút được 2-3 tỷ USD.
Tuy vậy, phải nói rằng, trong khi khủng hoảng như vậy, Chính phủ của ông Phan Văn Khải đã đưa ra được những quyết sách tốt để khắc phục những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng.
Năm 1999, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp. Lần đầu tiên có một Luật Doanh nghiệp được thông qua với phương châm: cái gì mà dân làm được thì để dân làm, còn cái gì luật pháp không cấm thì người dân được quyền kinh doanh. Đây là phương châm rất tốt trong điều kiện kinh tế đang còn thấp và gặp khủng hoảng.
Việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 động cơ quan trọng nhất, vừa khắc phục được khủng hoảng, vừa phát triển được khu vực tư nhân trong nước. Từ năm 2000 - 2006, hàng năm từ 3 vạn đến 5 vạn doanh nghiệp trong nước ra đời, huy động được một nguồn lực dồi dào của tư nhân trong nước, đặc biệt là khai thác được tiềm năng kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù khi đó, chưa có các tập đoàn lớn như bây giờ, nhưng việc thông qua Luật này đã kích thích người dân mở doanh nghiệp. Những tập đoàn lớn hiện nay như Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Sun Group… cũng bắt đầu từ các nước Đông Âu trở về đầu tư hoặc khai thác từ các nguồn lực trong nước phát triển thành các tập đoàn lớn mạnh như hiện nay.
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng rất coi trọng việc "cởi trói" cho người dân và doanh nghiệp nên đã lập tổ điều hành Luật Doanh nghiệp trực thuộc Thủ tướng. Tổ điều hành này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng và có các chuyên gia đầu ngành gần như là thường trực để lo làm sao để Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống.
Tổ này có 4 nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất là làm thế nào cho các điều luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và những cản trở từ các cơ quan nhà nước nếu có đều phải tìm cách xử lý. Thứ hai là thu thập thông tin để giải quyết các vướng mắc về mặt luật pháp. Thứ ba là tổ này được quyền trực tiếp giải quyết những thắc mắc của doanh nghiệp và yêu cầu các Bộ, các tỉnh phải thi hành đúng luật doanh nghiệp.
Thứ tư là tổ này có quyền kiến nghị với Thủ tướng những vấn đề vượt qua phạm vi quyền hạn của tổ và kiến nghị Thủ tướng về việc ban hành các quy định mới để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Gần đây, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Chính phủ bắt đầu từ tháng 4/2016, đã lập ra các tổ công tác, thường xuyên kiểm tra các quyết định của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng. Mới nhất là lập một tổ tư vấn cho Thủ tướng về kinh tế tư nhân. Cách làm này được kế thừa từ thời ông Phải Văn Khải trong quá trình thi hành Luật Doanh nghiệp. Đây là một kinh nghiệm rất tốt để thi hành luật một cách nghiêm chỉnh và có hiệu quả nhất.
Luật Doanh nghiệp ra đời đã khắc phục được một phần tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Trong thời kỳ ông Phải Văn Khải làm Thủ tướng, mặc dù có khủng hoảng như vậy nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất cao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2000 là 6,79%, năm 2002 là 7,08%, năm 2003 là 7,31%, năm 2004 là 7,79%, năm 2005 là 8,44% và năm 2006 – năm cuối cùng mà ông Khải làm Thủ tướng - tăng trưởng kinh tế đạt 8,17%. Tăng trưởng kinh tế trung bình trong thời kỳ này là 7,5% trong điều kiện rất khó khăn.
Tôi muốn nhấn mạnh điều này là bởi vì khi nói đến tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,81%, so với với năm 2016 là cao hơn nhưng so với thời kỳ khó khăn trong điều kiện có khủng hoảng kinh tế khu vực còn thấp hơn nhiều. Do đó, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của nước ta còn rất nhiều và nếu rút được những bài học kinh nghiệm trong thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải điều hành Chính phủ, chúng ta có khả năng đưa tiềm năng tăng trưởng kinh tế lên cao hơn.
Tăng trưởng kinh tế này dựa chủ yếu vào khu vực tư nhân nên vừa rồi Trung ương có Nghị quyết riêng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn cho khu vực tư nhân và chính kinh nghiệm phát triển kinh tế tư nhân thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải là những kinh nghiệm tốt để chúng ta có chiến lược tốt hơn, đúng đắn hơn, hiệu quả hơn để phát triển kinh tế tư nhân.
Thời kỳ ông Phan Văn Khải cũng là thời tiếp thu, kế tiếp hội nhập kinh tế quốc tế. Sau khi tham gia ASEAN, chúng ta đã tham gia vào Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA). Thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là thời kỳ thúc đẩy ASEAN tiến lên thành Cộng đồng ASEAN với sự đóng góp rất lớn của Chính phủ Việt Nam.
Năm 1995, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Năm 1996, bắt đầu bàn với Mỹ về một hiệp định thương mại. Đến năm 2001, Việt Nam chính thức ký được hiệp định thương mại với Mỹ. Đây là cú hích rất lớn. Trong tăng trưởng xuất khẩu từ năm 2001 đến nay thì tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ là ngoạn mục nhất.
Từ chỗ chỉ có vài trăm triệu USD, hiện Việt Nam đã xuất khẩu vào Mỹ 40-50 chục tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2017. Quan trọng hơn là Việt Nam đã xuất khẩu thành công nhiều mặt hàng vào thị trường khó tính như Mỹ và có chỗ đứng trong thị trường này.
Thời kỳ ông Phan Văn Khải cũng là thời kỳ Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 1998. Đây mà mở đường chúng ta tham gia vào Hiệp định CPTPP vừa được ký kết ngày 8/3 vừa qua. Năm 2006, Việt Nam cũng tổ chức thành công hội nghị APEC lần thứ nhất ở Việt Nam. Vị thế của Việt Nam trong APEC cũng được nâng lên rất rõ.
Thời kỳ ông Phan Văn Khải là thời kỳ Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Suốt từ năm 1999 đến 2006, Việt Nam đã làm ba việc lớn để gia nhập WTO. Việc thứ nhất là minh bạch hóa luật pháp Việt Nam. 1.520 câu hỏi của các nước thành viên WTO gửi đến Việt Nam đã được Việt Nam giải đáp toàn bộ. Việt Nam cũng đàm phán song phương và đa phương với các nước WTO để giải quyết các vấn đề song phương.
Trải qua 5-6 năm đàm phán, với chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ Thủ tướng Phan Văn Khải, chúng ta vừa đảm bảo được lợi ích quốc gia, vừa đảm bảo được hội nhập thông qua các qui định của WTO. Đầu năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO với tư cách là thành viên thứ 150.
Với sự kiện này, Việt Nam đã có mặt trong tất cả các định chế tài chính quốc tế gồm IMF, WB, ADB và WTO, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Đây là thời kỳ nhiều nhất và rộng nhất trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong quá trình làm việc, ngoài củng cố bộ máy nhà nước, các tổ chức, chính quyền địa phương, Thủ tướng Phan Văn Khải rất coi trọng các tổ chức tư vấn. Thủ tướng Phan Văn Khải đã lập ra hai cơ quan tư vấn là Ban nghiên cứu của Thủ tướng lo toàn bộ chính sách đối nội, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và Tổ kinh tế đối ngoại chuyên lo về công tác đối ngoại (hội nhập kinh tế quốc tế, thể chế luật pháp về đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế, du lịch quốc tế).
Trong nhiều trường hợp những ý kiến của các Bộ đưa lên Thủ tướng đều chuyển qua ban nghiên cứu, tổ kinh tế để có phản biện đưa lên Thủ tướng và Phó Thủ tướng quyết định.
Ví dụ, khi cắt giảm thuế trong các hiệp định thương mại quốc tế cũng như gia nhập AFTA, Bộ Tài chính rất lo sẽ giảm nguồn thu ngân sách, dẫn đến bội chi. Tổ kinh tế đối ngoại đã nghiên cứu và tư vấn cho Thủ tướng và các Phó thủ tướng.
Nghiên cứu của Tổ kinh tế đối ngoại chỉ ra rằng khi gia nhập AFTA và hiệp định thương mại quốc tế, mặc dù phải giảm thuế xuất nhập khẩu nhưng chúng ta có cơ hội hội nhập sâu hơn với kinh tế quốc tế, chẳng những bù đắp được rủi ro giảm thuế mà còn tăng xuất khẩu, do đó không những bù đắp được mà khả năng tăng thu ngân sách cũng cao hơn rất nhiều. Thực tế đúng như vậy, thu ngân sách ngày càng càng nhiều hơn. Bội chi không phải giảm thuế hay các hiệp định thương mại quốc tế.
Những chuyến thăm của Thủ tướng đi các nước, bao giờ Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ kinh tế đối ngoại nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Ngoại giao, các Bộ và Tổ làm phản biện gửi lên Thủ tướng để Thủ tướng xem xét, quyết định. Khi có những thay đổi về đầu tư nước ngoài mà Bộ trình lên, Tổ kinh tế đối ngoại cũng đưa ra các phản biện.
Việc hình thành các tổ chức tư vấn là việc mà tất cả các nước đều làm và thời kỳ ông Phan Văn Khải đã làm rất quyết liệt. Tổ kinh tế đối ngoại cũng đã thiết lập quan hệ với tổ tư vấn của các chính phủ như Thái Lan. Chúng tôi đã thiết lập được một cơ chế rất tốt là hàng năm, có hai chuyến làm việc để trao đổi về quan hệ giữa hai nước,
Khi xảy ra vụ kiện đầu tiên về cá ba sa, chúng ta chưa biết về các vụ kiện bán phá giá ở Mỹ. Khi đó, chúng tôi đã gọi được một tài trợ hàng năm của một tổ chức Canada viện trợ cho Việt Nam. Nhờ tổ chức đó, chúng tôi đã mời được những chuyên gia hàng đầu của Canada và Mỹ vào Việt Nam và tìm hiểu được toàn bộ câu chuyện về một vụ kiện thương mại, từ đó báo cáo với Thủ tướng. Sau đó, Thủ tướng đã ra một quyết định có tính chất pháp lý về hướng dẫn cho các doanh nghiệp đối phó trước, trong và sau một vụ kiện thương mại.
Về quan hệ cá nhân, tôi và ông Phan Văn Khải cũng xấp xỉ tuổi nhau và đã có thời gian làm việc cùng nhau. Trong cách đối xử, ông Khải thể hiện là một người có tâm, có tầm, bình đẳng và chịu lắng nghe.
Ông là một Thủ tướng không quan cách, luôn hòa hợp với bất kỳ cán bộ nào. Trong các buổi làm việc của Thủ tướng với các nhóm tư vấn, ông Khải là một người rất chịu khó lắng nghe. Nhiều câu chuyện được bàn đi bàn lại, thậm chí sau đó Thủ tướng quyết định lại cũng xuất phát từ những trao đổi với tổ tư vấn.
Ông Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản. Đảm nhiệm các cương vị Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP. HCM, một nơi kinh tế thị trường rất phát triển và cũng là nơi đi đầu trong rất nhiều chủ trương về đổi mới, đến khi làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước rồi Phó Thủ tướng đến Thủ tướng, vừa có lý luận, vừa có kinh nghiệm thực tế, cho nên có tầm nhìn toàn diện, chiến lược để có thể điều hành một Chính phủ kiên trì đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời kỳ ông Phan Văn Khải cũng là thời kỳ các tiêu cực về mặt kinh tế chưa xảy ra nhiều. Mặc dù thời kỳ này có xảy ra một vài vụ tham nhũng nhưng không nghiêm trọng như sau này.
Thủ tướng Phan Văn Khải khi thôi nhiệm kỳ Thủ tướng cũng đứng lên nhận những khuyết điểm như chưa làm cho nền kinh tế phát triển hơn cũng như hạn chế những tiêu cực xã hội. Nhưng tôi cho rằng đó là những thái độ khiêm tốn của một vị lãnh đạo. Không thể đòi hỏi hơn một vị Thủ tướng đã điều hành nền kinh tế phát triển 7-8%/năm, tiêu cực xã hội cũng không nghiêm trọng.
Tóm lại, tôi cho rằng, thời kỳ từ 1998-2006 khi ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng - một con người có trí tuệ, từng lãnh đạo, đưa ra nhiều sáng kiến cho TP. HCM khi đang ở thời kỳ gian khổ nhất, đấu tranh giữa bảo thủ và đổi mới - đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn của khủng hoảng kinh tế để phát triển và hội nhập với quốc tế. Đó là một con người đáng trân trọng, đã đóng góp quan trọng đối với phát triển chung của Việt Nam".
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.