Nhà đất và trái phiếu bế tắc: Gửi tiền ngân hàng hay rút ra mua vàng?
Minh Dũng -
06/01/2024 23:53 (GMT+7)
(VNF) - TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, gửi tiết kiệm và mua vàng là 2 kênh đầu tư được lựa chọn khi thị trường trái phiếu và bất động sản "đóng băng".
Tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm về mức thấp nhất 20 năm trở lại đây. Hiện lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng chỉ ở mức 3,9%/năm và lãi suất cho vay với các khoản vay mới chỉ ở mức bình quân 6,7%/năm, giảm trên 2,5 điểm % so với cuối năm 2022.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hệ thống ngân hàng thương mại đã về mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, dao động từ 4,78-5,29%/năm, thấp hơn cả giai đoạn đại dịch Covid-19. Tại nhóm ngân hàng có cổ phần nhà nước chi phối, lãi suất huy động còn thấp hơn.
Mặc dù lãi suất huy động giảm thấp chưa từng có song dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư và doanh nghiệp vẫn chảy mạnh vào ngân hàng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/12/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85% so với đầu năm 2023, cao gấp đôi so với mức tăng 5,99% của năm 2022.
Còn số liệu của NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đạt khoảng 12,68 triệu tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính trong chưa đầy 3 tháng cuối năm 2023, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng đã tăng 3,75%, tương đương mức tăng ròng gần 422.000 tỷ đồng. Bình quân cứ mỗi ngày trong quý IV/2023, người dân và doanh nghiệp mang thêm hơn 5.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng.
Trong năm 2023, trong khi thị trường chứng khoán kém hấp dẫn hơn, bất động sản chưa phục hồi,... dòng tiền của nhà đầu tư đã chảy mạnh về kênh tiền gửi bất chấp xu hướng giảm lãi suất liên tục từ các nhà băng.
Lý giải điều này, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng, bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản đang kém hấp dẫn. Trong đó, với kênh đầu tư bất động sản, dù thị trường trầm lắng nhưng giá bất động sản vẫn tăng và đòi hỏi phải có nguồn tiền lớn nên khó thu hút được nhà đầu tư. Còn thị trường chứng khoán biến động khó lường và rủi ro cao. Do đó, gửi tiết kiệm vẫn là ưu tiên của người dân.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận dù lãi suất huy động tại các ngân hàng xuống thấp nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát trong năm, tức là người gửi tiền vẫn có lãi suất thực dương trên tiền gửi của mình. Vì thế, dòng tiền gửi của người dân vẫn tìm đến ngân hàng bất chấp lãi suất đã giảm về vùng thấp nhất nhiều năm.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng, hiện người dân và doanh nghiệp đang không có lựa chọn thay thế. “Kênh nào cũng rủi ro, chứng khoán cũng rủi ro, bất động sản cũng vậy, vàng thì giá lại quá cao. Nhìn lại thì cũng chỉ có cách gửi tiết kiệm để bảo toàn vốn”, ông Huân nói.
Ông Huân nhận định, lượng tiền nhàn rỗi chảy qua chứng khoán và bất động sản hiện chưa nhiều, mà vẫn nằm trong ngân hàng để đảm bảo an toàn trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư chưa hồi phục thực sự.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, người dân và doanh nghiệp chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng hoặc để tiền trong tài khoản thanh toán để đảm bảo an toàn.
Chọn kênh nào để đầu tư năm 2024?
Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 còn đối mặt nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội. Người có tiền nhàn rỗi nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định rót tiền vào đâu. Đầu tư vào chứng khoán đòi hỏi phải có kiến thức nhất định, bất động sản phải có vốn lớn, vàng và USD thì nhiều biến động.
Việc đầu tư vào lĩnh vực nào phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tài chính, kiến thức, kinh nghiệm của từng cá nhân. Và điều quan trọng nhất là tuỳ theo khẩu vị rủi ro của mỗi người nhưng không nên "bỏ trứng vào một giỏ".
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng nếu khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư có thể tranh thủ “bắt đáy” của thị trường bất động sản hay chứng khoán vào lúc này, nếu thấy được cơ hội đầu tư tốt. Còn nếu khẩu vị rủi ro thấp thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank nhìn nhận, năm 2024, chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư số 1 tại Việt Nam. Thị trường bất động sản sẽ phục hồi sau thị trường chứng khoán, sớm nhất cũng phải nửa cuối năm 2024.
Nhận định về triển vọng kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2024 rất sáng sủa, nhưng PGS.TS Nguyễn Hữu Huân khuyến cáo nhà đầu tư cũng nên tỉnh táo, không chạy theo đầu cơ mà xác định đây là kênh đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư nên tập trung vào các mã cổ phiếu giá trị và không kỳ vọng quá nhiều tỷ suất sinh lời cao. Đồng thời, phải luôn chú ý quản trị rủi ro danh mục, tránh đầu tư theo tin đồn.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng gửi tiết kiệm và mua vàng là 2 kênh đầu tư được lựa chọn khi thị trường trái phiếu và bất động sản "đóng băng".
Một số chuyên gia đánh giá, trong năm 2024, giá vàng rất khó dự đoán, song nhiều khả năng chỉ tăng trong ngắn hạn và khó duy trì được đà tăng này trong trung, dài hạn. Vì thế, nhà đầu tư chỉ nên chọn những thời điểm giá vàng bớt nóng để đầu tư và cũng chỉ nên nắm giữ 5-10% tổng tài sản.
Trong khi đó, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng người dân có tiền nhàn rỗi chọn gửi tiền VND vẫn có lợi, đặc biệt là an toàn. Lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 5%/năm là chấp nhận được. So với mức lạm phát chưa đến 4%, lãi suất vẫn là thực dương, người gửi tiền vẫn có lợi.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.