Nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn gì khi muốn rót tiền vào thị trường bảo hiểm Việt Nam?
Hải Đường -
14/10/2021 16:14 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để xử lý những mâu thuẫn chồng chéo, bất cập của bộ luật này với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Một trong những bất cập cần sửa đổi trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm là việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Sau hơn 20 năm kể từ khi Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành, thị trường tài chính thế giới đã phát triển mạnh mẽ với nhiều sự thay đổi, các sản phẩm bảo hiểm trở nên đa dạng hơn, đan xen và kết hợp nhiều dịch vụ.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm trên thế giới và khu vực đã tạo khoảng cách với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng có thể được coi là điểm mạnh thu hút vốn ngoại vào thị trường bảo hiểm trong nước khi một số nhà đầu tư nước ngoài nhận định thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao hơn so với các thị trường khác.
Đơn cử như HDI Global, cổ đông lớn của Công ty Cổ phần PVI cho biết thị trường bảo hiểm ở Đức, nơi mà nhà đầu tư ngoại này đặt trụ sở chính không còn tăng trưởng nữa nên công ty này phải đi tìm những thị trường khác, và Việt Nam chính là điểm đến.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trước năm 2000 khi chưa có Luật Kinh doanh bảo hiểm, Việt Nam chỉ có 15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm. Sau 20 năm khi bộ luật được ban hành, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường đã tăng lên 71 đơn vị, trong đó 43 doanh nghiệp (hơn 60%) có vốn đầu tư nước ngoài, 27 doanh nghiệp có 100% vốn thuộc về khối ngoại.
3 hạn chế trong chính sách về việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm ở Việt Nam là điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm; điều kiện thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài và tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ nhất, về vấn đề điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, theo quy định hiện hành của Luật Kinh doanh bảo hiểm, chủ đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam phải là doanh nghiệp bảo hiểm, có giấy phép kinh doanh bảo hiểm tại nước sở tại.
Theo Bộ Tài chính, quy định này tại thời điểm thị trường bảo hiểm Việt Nam mới hình thành đã góp phần lựa chọn được các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu, có uy tín trên thế giới vào thị trường nội địa, góp phần nâng cao năng lực nội tại của thị trường.
Tuy nhiên, sau 20 năm với nhiều sự thay đổi của thị trường tài chính trong nước và quốc tế, quy định này đã làm hạn chế sự lựa chọn của các doanh nghiệp trong nước trong việc tìm đối tác liên doanh để đầu tư, đặc biệt là đối với các lĩnh vực, sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm công nghệ khi một số tập đoàn tài chính lớn trên thế giới mặc dù đã đầu tư vào các doanh nghiệp bảo hiểm tại nhiều quốc gia nhưng lại không có giấy phép kinh doanh tại nước sở tại, không thể đứng tên thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
Được biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm đã sửa đổi, bổ sung về vấn đề này theo hướng quy định rõ điều kiện đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời mở rộng nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm là tập đoàn tài chính, bảo hiểm có công ty con có kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam là đủ điều kiện (không phải điều kiện đối với chính nhà đầu tư vào Việt Nam).
Bất cập thứ hai là về điều kiện thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài.
Theo Hiệp định thương mại dịch vụ Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Việt Nam cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm của EU thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực.
Như vậy, đến ngày 1/8/2023, trường hợp Luật Kinh doanh bảo hiểm không có bổ sung các quy định về điều kiện thành lập và hoạt động đối với chi nhánh tái bảo hiểm nước ngoài, bất kỳ doanh nghiệp tái bảo hiểm châu Âu nào cũng có thể thành lập chi nhánh tại Việt Nam mà không phải đáp ứng điều kiện gì.
Theo Bộ Tài chính, cơ quản lý sẽ thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của chi nhánh tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tái bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam, ảnh hưởng đến an toàn tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm và sự an toàn chung của thị trường bảo hiểm.
Trên thực tế, tại thời điểm Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành (năm 2000), duy nhất Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết. Sau gần 20 năm, Việt Nam đã đàm phán và ký kết thêm 17 hiệp định liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm và 4 hiệp định khác đang trong quá trình đàm phán và chuẩn bị ký kết.
Việc đẩy mạnh cam kết quốc tế, mở cửa thị trường được coi là tất yếu và cần thiết để thu hút thêm nhà đầu tư từ các nước thành viên thông qua việc mở rộng cung cấp dịch vụ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đến từ các nước này, qua đó thúc đẩy kinh tế xã hội.
Trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, điều kiện thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài đã được bổ sung để luật hóa quy định về điều kiện cấp phép.
Vấn đề thứ ba là tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo đó, mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, tuy nhiên Nghị định 155/2020/NĐ-CP có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty đại chúng, do đó room ngoại tại các doanh nghiệp bảo hiểm là công ty đại chúng vẫn bị hạn chế ở mức tối đa 50%.
Theo Bộ Tài chính, việc này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình tìm nhà đầu tư chiến lược, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời cũng tạo sự không đồng bộ trong việc áp dụng các quy định pháp luật, sự không công bằng giữa các doanh nghiệp mới thành lập (nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu đến 100%) và các doanh nghiệp đại chúng thực hiện mua bán cổ phần trên sàn chứng khoán (nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn ở 50%).
Tuy nhiên, danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trên Cổng Thông tin quốc gia về đầu tư mới đây nêu rõ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là không hạn chế, trong đó bao gồm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và tải bảo hiểm.
Quy định này không bị hạn chế bởi các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia như WTO, VJEPA, CPTPP và EVFTA, trừ các cam kết chung.
Được biết, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các doanh nghiệp bảo hiểm trong một số năm trở lại đây là vấn đề chưa thể giải quyết đối với các doanh nghiệp bảo hiểm như Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) hay Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).
Các công ty này đều đã nâng tỷ lệ room ngoại lên mức 100% nhưng việc lấp đầy room ngoại vẫn chưa thể hoàn thành do không có hướng dẫn cụ thể.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone