'Nhiều người Việt đang sử dụng thẻ quốc tế để tiêu dùng trong nước'
Anh Phan -
11/03/2022 16:28 (GMT+7)
(VNF) - Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank đã nêu lên một nghịch lý rất đáng quan tâm: “Có rất nhiều người đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải thẻ nội địa cho các mục đích tiêu dùng trong nước”.
Phí chồng phí khi dùng thẻ tín dụng quốc tế
Chia sẻ tại hội thảo "Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam", ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019); số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31/12/2021 đạt trên 475.000 thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
Đại diện NHNN nhận định sự phát triển của thẻ tín dụng nội địa cũng là sự khẳng định về mặt công nghệ của Việt Nam, khi mà hạ tầng thanh toán trong nước có thể sử dụng đồng tiền Việt để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, thông suốt trong mọi tình huống.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank đã nêu lên một nghịch lý rất đáng quan tâm: “có rất nhiều người đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải thẻ nội địa cho các mục đích tiêu dùng trong nước”.
“Khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, chúng ta sẽ phải trả những chi phí rất lớn. Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí, mà chúng tôi hay gọi là ma trận, phí chồng phí. Các ngân hàng Việt Nam đang phải trả rất nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ quốc tế. Chủ thẻ cũng phải trả rất nhiều phí cho các tổ chức thẻ. Rất nhiều người Việt đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải các loại thẻ của Việt Nam cho các mục đích tiêu dùng trong nước. Đó là bài toán mà chúng ta sẽ phải giải. Làm thế nào để các chủ thẻ sử dụng các loại thẻ nội địa?”, ông Phạm Đăng Khoa cho biết.
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank chia sẻ tại hội thảo.
Đồng tình với quan điểm của ông Khoa, ông Lê Văn Tuyên cũng cho rằng thẻ tín dụng nội địa làm giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên, đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ.
Một ưu thế khác của thẻ tín dụng nội địa so với thẻ tín dụng quốc tế, theo ông Tuyên đó là khả năng tiếp cận tới mọi phân khúc người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều người dân Việt Nam ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi với dịch vụ thẻ tín dụng nhưng còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn chưa tiếp cận được dịch vụ hữu ích này vì nhiều lý do như ngôn ngữ hay thủ tục. Thẻ tín dụng nội địa đã giải quyết tất cả vấn đề này nhờ thủ tục đơn giản và nhanh chóng cũng như dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng chu đáo tới từ các đơn vị phát hành thẻ.
Theo ông Phạm Đăng Khoa, không chỉ vượt trội hơn về chi phí cũng như khả năng tiếp cận, thẻ tín dụng nội địa cũng đảm bảo đầy đủ tiện ích như các loại thẻ quốc tế. Ngoài ra, việc sử dụng thẻ nội địa cũng mang lại sự ổn định hơn so với thẻ quốc tế, bởi khi hợp tác với các công ty nước ngoài thì các ngân hàng phải thực hiện rất nhiều kết nối, mà không phải lúc nào chất lượng kết nối cũng ở mức độ tối ưu.
“Động lực phát triển của chúng tôi là thẻ quốc tế làm được cái gì thì thẻ tín dụng Việt Nam cũng làm được cái đó. Từ công nghệ mới lạ đến thiết kế sành điệu”, ông Khoa cho hay.
6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu dân
Đại diện Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) dẫn chứng số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 tổ chức phát hành. Lượng thẻ ghi nợ lớn hơn so với thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng từ năm 2001 đã được phát hành nhưng độ phát triển chưa cao.
Phó tổng giám đốc NAPAS Nguyễn Quang Minh nhận định rằng đến nay chỉ có 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu dân thì còn rất nhỏ. Ông Minh cũng chỉ ra doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng.
Cùng đó, thẻ tín dụng tại Việt Nam được chấp nhận tại hơn 300.000 đơn vị chấp nhận thanh toán và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. 7 tổ chức thẻ tham gia bao gồm NAPAS, Visa, MasterCard, JCB, UnionPay International, American Express và Discover Financial Services. Chủ thẻ Việt Nam có nhiều sự lựa chọn loại hình thẻ đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của mình.
Theo Báo cáo nghiên cứu Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội & TP. HCM cho thấy mặc dù mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng còn thấp (46%), tuy nhiên đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt nhất (nghiên cứu bao gồm sản phẩm ngân hàng như: tài khoản, thẻ ATM, E-banking, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm, vay,..).
Cũng theo báo cáo này, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao (34% có dự định mở thẻ). Đặc biệt, thẻ tín dụng đang là một công cụ thanh toán không thể thiếu trong tương lai nhờ những chính sách cho việc mở thẻ ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện và khách hàng ngày càng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.