Nhân vật

Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam của Bill Gates tròn 15 năm trước

(VNF) - Cách đây 15 năm, theo lời mời của Thủ tướng Phan Văn Khải, tỷ phú Bill Gates đã có chuyến thăm Việt Nam. Dù chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng chuyến thăm của người đứng đầu tập đoàn Microsoft đã là “một thành công về mặt PR” cho cả Bill Gates lẫn Việt Nam, khẳng định một cái nhìn mới, tích cực hơn về môi trường đầu tư công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam của Bill Gates tròn 15 năm trước

Tỷ phú Bill Gates trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4/2006

Chương trình làm việc ở Việt Nam của tỷ phú Bill Gates có lịch trình dày đặc. Sau khi tiếp kiến Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải, Bill Gates đã có cuộc giao lưu với sinh viên Việt Nam tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tiếp đó, ông đã dự lễ ký kết thỏa thuận cung cấp bản quyền phần mềm với Bộ Tài chính, trước khi có buổi nói chuyện với cộng đồng công nghệ thông tin với chủ đề “Tương lai của phần mềm – Việt Nam với tầm nhìn mới”.

Điểm đến cuối cùng của Bill Gates trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2006 là khởi động dự án OneClick tại tỉnh Bắc Ninh. Đây là dự án cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam bộ sản phẩm trọn gói gồm phần cứng, phần mềm và dịch vụ kết nối Internet (trong đó Microsoft cung cấp phần mềm tiếng Việt có bản quyền).

Có khá nhiều thông điệp đã được Bill Gates đưa ra trong chuyến thăm này.

Tỷ phú có lời khuyên rất giản dị với sinh viên: “Các bạn hãy cứ học hết đi đã”. Theo ông: “Quan trọng là phải đầu tư vào việc học hành của mình. Những công việc làm ra nhiều tiền, cải tạo cuộc sống và thế giới đều đòi hỏi phải học hành rất chăm chỉ. Học hành là đầu tư quan trọng nhất mang lại sản phẩm sau này. Những ai có cơ hội học hành thì hãy làm thế nào để trả ơn cuộc sống”.

Khi được hỏi về cơ hội cho Việt Nam, Bill Gates khẳng định: “Không có toàn cầu hóa hoàn toàn về một vấn đề. Mỗi quốc gia có một chiến lược riêng. Việt Nam nên khai thác chất xám ở bên ngoài. Rất nhiều công việc và khả năng được tạo ra trong thời gian tới nhưng nó không chỉ dành cho một ngành cụ thể nào cả. Công nghệ thông tin phải được ứng dụng trong các ngành nghề khác nhau như du lịch, nông nghiệp. Việt Nam phải nhìn một cách tổng thể trong mọi lĩnh vực".

Riêng với phát triển công nghệ thông tin, vị tỷ phú giàu nhất thế giới thời điểm đó phân tích: "Để có thể tạo được việc làm cho người trẻ tuổi trong 10-20 năm tới thì phải có những công việc và chất lượng tuyệt vời trong mọi lĩnh vực khác nhau. Nhưng theo tôi, Việt Nam không nên chỉ tập trung vào gia công như Ấn Độ. Tôi nghĩ chúng ta nên tập hợp kinh nghiệm từ các nước. Việt Nam cần có cách nhìn phong phú, đa dạng hơn, tìm kiếm ở những thị trường khác hơn, mới hơn”.

Cuối cùng, ông chia sẻ bí quyết thành công: “Nên tập trung vào một lĩnh vực thôi để làm cho thật tốt. Trước đây tôi đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về máy tính để hiểu nó như thế nào. Hãy chấp nhận những rủi ro. Tôi làm việc nhiều giờ và thích làm việc”.

Bill Gates được một cô gái trong tranh phục quan họ mời trầu khi đến thăm Bắc Ninh. Ảnh: TL

Bill Gates đến Việt Nam làm gì? Câu hỏi này đã được bình luận nhiều sau chuyến thăm của ông chủ hãng Microsoft. Có giả thiết, sau quyết định đầu tư của Intel - một đối tác lớn của Microsoft vào Việt Nam, Bill Gates thấy tò mò. Tuy nhiên nếu chỉ để thỏa mãn sự tò mò thì vị tỷ phú xem thời gian quý hơn vàng như Bill Gates có cần thiết phải chịu bao vất vả bay nửa vòng trái đất tới Việt Nam hay không?

Nhiều ý kiến cho rằng Bill Gates nhìn thấy tiềm năng đầu tư và phát triển ở Việt Nam nên ông muốn đến tận mắt chứng kiến nó trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Một số người quả quyết, thật ra, mục tiêu tới Việt Nam của Chủ tịch hãng Microsoft, cũng như những lần đi thăm Trung Quốc hay Ấn Độ là để tăng doanh số bán phần mềm có bản quyền. Đồng thời, chuyến thăm này cũng là một thành công về mặt PR cho Bill Gates nói riêng và Microsoft nói chung.

Ở chiều ngược lại, chuyến thăm của Bill Gates là nhân tố rất quan trọng đối với Việt Nam. Cho dù trong rất nhiều cuộc tiếp kiến với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp sinh viên, Bill Gates không đưa ra một lời hứa hẹn hay cam kết hỗ trợ, đầu tư nào cụ thể, nhưng chuyến viếng thăm ngắn ngủi của Bill Gates đã khẳng định một cái nhìn mới, tích cực hơn về Việt Nam từ giới công nghệ thông tin thế giới.

Dù thế nào, thứ hạng của công nghệ thông tin của Việt Nam sau chuyến thăm của Bill Gates đã được nâng lên thấy rõ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “Đón tiếp Bill Gates ở Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời. Trên một ý nghĩa nào đó, nó còn quan trọng hơn chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia một nước. Nó sẽ khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: "Bill Gates đã đến thăm Việt Nam, vậy tại sao ta lại không đến và tìm hiểu những cơ hội ở đó?”.

Cho dù Bill Gates chưa quyết định đầu tư gì vào Việt Nam nhưng chuyến thăm đó là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá mình với các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư vào công nghệ cao.

Thực tiễn cho thấy, 15 năm sau chuyến viếng thăm của tỷ phú Bill Gates, ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc.

Năm 2020, doanh thu ngành công nghệ thông tin đạt 120 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng đạt 14,7%, cao hơn nhiều lần mức tăng trưởng kinh tế. Ngày càng nhiều “ông lớn” công nghệ tới đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Panasonic, Canon, LG, Foxconn…

Về phía Microsoft Việt Nam, không còn là doanh nghiệp đơn thuần “đi bán phần mềm” như thời điểm Bill Gates sang thăm Việt Nam, Microsoft Việt Nam đang có những bước chuyển mình đáng kể với các dịch vụ điện toán đám mây, bảo mật, trí tuệ nhân tạo…

Microsoft Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật, phần mềm, điện toán đám mây và tài trợ cho các dự án cộng đồng với tổng trị giá hơn 23 triệu USD. Theo Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam Phạm Thế Trường, với chiến lược Make in Việt Nam, Microsoft "sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam các công cụ cần thiết để xây dựng đất nước thành một quốc gia hùng mạnh trên nền tảng số”.

Tin mới lên