Những nội dung chính của Nghị định số 55 về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV

Ninh Dương - 22/11/2024 09:28 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với 5 nguyên tắc trong thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV

Theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, 5 nguyên tắc trong thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV lần lượt là: Thứ nhất, việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV phải có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp.

Thứ hai, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV phải được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của DNNVV; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thứ ba, việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV phải được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý.

Thứ tư, căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho DNNVV quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên như sau: DNNVV do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; DNNVV sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; DNNVV nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.

Thứ năm, Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Một Chương trình tập huấn hỗ trợ pháp lý cho DNNVV

Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV có thời hạn tối đa 5 năm kể từ ngày được phê duyệt; cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tổ chức tổng kết để xây dựng hoặc đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp và nguồn lực của cơ quan, tổ chức.

Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV, Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý chủ động hoặc theo yêu cầu của Bộ Tư pháp để tổng hợp xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV.

Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ thì bộ, cơ quan ngang bộ lồng ghép các nội dung của chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV vào Đề án hỗ trợ DNNVV của bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV hoặc văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này.

Nhà nước khuyến khích các nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV (Ảnh minh họa)

Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong phạm vi địa phương: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức khác và cá nhân có liên quan xây dựng và đề xuất chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong phạm vi địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong phạm vi địa phương.

Cùng chuyên mục
Tin khác