Những thương vụ M&A "nóng bỏng tay", có vụ giá trị gần 37.000 tỷ đồng

Nhật Quang - Khổng Chiêm - 06/01/2024 10:14 (GMT+7)

(Dân trí) - Năm 2023, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng và bất động sản ghi nhận sự bùng nổ, một số thương vụ đàm phán ước tính đạt giá trị hơn 1,5 tỷ USD, tương đương gần 37.000 tỷ đồng.

Loạt thương vụ M&A ngân hàng

Thương vụ lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng

Cuối tháng 10/2023, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPBank) thông báo hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của mình.

Trước đó, VPBank cũng phát đi thông báo về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ. Đây là một trong những bước cuối cùng để nhà băng này hoàn tất phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho SMBC.

Với giá trị 1,5 tỷ USD, thương vụ M&A này lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. 

Việc mua bán vốn giữa VPBank và SMBC trong năm 2023 được cho là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng (Ảnh: Mạnh Quân).

SeABank và thương vụ trị giá 4.300 tỷ đồng

Cũng trong tháng 10/2023, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) thông báo ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn điều lệ của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service - thành viên của AEON Group, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Giá trị thương vụ chuyển nhượng là 4.300 tỷ đồng.

PTF được thành lập từ tháng 10/1998, là một trong những tổ chức tín dụng phi ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2018, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chuyển nhượng 100% vốn của PTF cho SeABank.

Theo SeABank, việc chuyển nhượng 100% vốn góp của PTF cho AEON Financial Service sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm.

SHB đàm phán bán 20% cổ phần cho đối tác ngoại?

Tháng 7/2023, hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD, giá trị thị trường của SHB hiện ở mức 1,7 tỷ USD.

Theo một nguồn tin khác, ngân hàng này muốn liên kết với một nhà đầu tư nước ngoài dài hạn đồng thời tận dụng sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đối với lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam. SHB đang trao đổi với  cố vấn tài chính, nhằm tìm kiếm đối tác chiến lược phù hợp.

Đến cuối quý III/2023, những cuộc thảo luận trên vẫn tiếp diễn nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra. Nguồn tin tiết lộ thỏa thuận trên dự kiến sẽ được hoàn tất vào đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên Dân trí, một nguồn tin cấp cao từ SHB cho biết ngân hàng vẫn đang cân nhắc nhà đầu tư nước ngoài. "Một số bên đang chào mời nhưng chưa chọn bên nào", vị này chia sẻ.

Các ngân hàng trong năm qua đẩy mạnh tăng cường cơ sở vốn (Ảnh: Tiến Tuấn).

Các thương vụ M&A bất động sản

Gamuda Land chi 7.200 tỷ đồng mua cổ phần Bất động sản Tâm Lực

Gamuda Land (trụ sở tại Malaysia) ký thỏa thuận mua lại 100% vốn Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực với giá 315,8 triệu USD (khoảng 7.200 tỷ đồng). Công ty Tâm Lực là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Tâm Lực (tên thương mại The Riverdale) tại mặt tiền đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, TPHCM.

Thông qua đó, Gamuda Land sở hữu dự án Khu dân cư Tâm Lực với diện tích khoảng 3,68ha. Đơn vị này dự kiến đầu tư 1,1 tỷ USD (khoảng 26.000 tỷ đồng) để phát triển khoảng 2.000 sản phẩm.

Ông chủ mới đến từ Malaysia đã đổi tên dự án thành Eaton Park và làm lễ động thổ vào ngày 8/12 vừa qua. Theo kế hoạch, dự án gồm 6 tòa tháp cao 37-39 tầng, diện tích các căn hộ dao động từ 46m2 đến 196m2, với 2 phân khu. Dự kiến, các căn hộ sẽ được chào bán với mức giá 4.000-7.000 USD/m2, tương đương 97-170 triệu đồng/m2.

Keppel Land với 2 thương vụ đắt giá

Keppel Land (trụ sở tại Singapore) cũng góp mặt trong một thương vụ rót 70 triệu USD (tương đương hơn 1.2 ngàn tỷ đồng) để sở hữu 65% cổ phần một công ty nắm dự án bất động sản bán lẻ tại Hà Nội. Dự án này được cho là đang trong quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Ngoài ra, Keppel Land cũng chi gần 3.200 tỷ đồng để mua 49% cổ phần trong 2 dự án của Công ty Nhà Khang Điền tại TP Thủ Đức, TPHCM. Dự kiến, 2 công ty sẽ cùng phát triển hơn 200 căn nhà liền thổ và trên 600 căn hộ cao tầng tại 2 dự án với quy mô khoảng 11,8 ha này. Tổng chi phí phát triển 2 dự án khoảng 10.200 tỷ đồng.

Keppel Land nắm 49% cổ phần trong 2 dự án khu dân cư của Tập đoàn Khang Điền tại TPHCM (Ảnh minh họa: Kim Ngọc).

Capital Land xem xét chi 1,5 tỷ USD mua dự án của Vinhomes

Capital Land (trụ sở tại Singapore) cũng mua lại dự án khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương từ tay Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC). Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng tổng mức đầu tư dự án gần 19ha này vào khoảng 18.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Capital Land cũng đang xem xét mua một phần dự án Vinhomes Ocean Park 3 của Vinhomes (diện tích 293ha, Hưng Yên) hoặc một dự án khác ở phía Bắc TP Hải Phòng. Giá trị của thỏa thuận vẫn đang được đàm phán nhưng ước tính khoảng 1,5 tỷ USD, theo Reuters. Nếu thành công, đây sẽ là một trong những giao dịch bất động sản lớn nhất Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây.

Một số thương vụ của các chủ đầu tư nội

Một số thương vụ M&A khác cũng được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước. Saigonres Group đã thực hiện các thủ tục M&A để mua 90% cổ phần của Công ty cổ phần Đức Nhi, trở thành chủ sở hữu của lô đất diện tích 7.700m2 tại quận Tân Phú, TPHCM.

Hay Công ty cổ phần Địa ốc First Real mua 22% cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu 1 lô đất diện tích gần 7.000m2 tại Đà Nẵng với giá 8,2 triệu USD (khoảng 200 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền vào những ngày cuối năm cũng phê duyệt kế hoạch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 7 thửa đất lần lượt có số từ 390 đến 396, tờ bản đồ số 11 và một thửa đất số 579, tờ bản đồ số 54. Tất cả đều có địa chỉ tại phường Phước Long, TP Thủ Đức, TPHCM. Công ty cho biết mục đích thực hiện các giao dịch này nhằm phục vụ cho hoạt động thực hiện các dự án tiềm năng trong tương lai. Giá trị chuyển nhượng khoảng 294 tỷ đồng.

Theo Dân Trí
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.