'Nói kinh tế đang phục hồi chỉ là khích lệ, nhìn sâu vào bản chất vẫn rất khó khăn'

Kỳ Thư - 13/07/2023 22:48 (GMT+7)

(VNF) - PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: "nếu nói nền kinh tế đang hồi phục chỉ là câu nói mang tính khích lệ, nhìn sâu vào bản chất vẫn rất khó khăn.

VNF
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Nền tảng phục hồi chưa vững chắc

Theo ông Thế Anh, nhìn vào tăng trưởng các nhóm ngành trong quý II có thể thấy nền tảng phục hồi chưa chắc chắn. Mặc dù tăng trưởng GDP quý II cải thiện hơn so với quý I nhưng vẫn còn ở dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước COVID-19. Trong quý II, nhiều ngành nghề suy giảm mạnh đặc biệt những ngành liên quan công nghiệp chế biến chế tạo, hướng đến xuất khẩu.

“Công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến xuất khẩu và bất động sản sụt giảm mạnh dịch vụ lưu trú và ăn uống không còn đột biến; dịch vụ tài chính tăng chậm lại trong khi kinh doanh bất động sản tiếp tục suy giảm. Tăng trưởng GDP quý II được hỗ trợ nhiều bởi khu vực xây dựng (chủ yếu đến từ đầu tư công). Hay nói một cách khác tăng trưởng quý II đến từ những thứ không phải mang ý nghĩa phục hồi chắc chắn của nền kinh tế”, ông Thế Anh bình luận.

Về sự sụt giảm mạnh của khu vực sản xuất, có một điểm bất thường được các chuyên gia chỉ ra là giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp nói chung và sản xuất chế biến chế tạo nói riêng trong quý II lần lượt tăng 1,56% và 1,18%, nhưng chỉ số sản xuất của các ngành này gần như không đổi. Trong điều kiện bình thường với cấu trúc của nền kinh tế trước năm 2022, giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp phải tăng thấp hơn so với chỉ số sản xuất công nghiệp, nhưng từ năm 2022 đến nay thì ngược lại, điều này thể hiên sự bất thường của nền kinh tế.

Với những thực tế trên, ông Thế Anh nhấn mạnh "kinh tế đang hồi phục là câu nói mang tính khích lệ, nhìn sâu vào bản chất kinh tế vẫn rất khó khăn”.

Trong khi đó, cả ba động lực từ phía cầu đều suy yếu, “ngoại trừ đầu tư công tăng khá, các thành phần đầu tư khác đều sụt giảm mạnh”.

“Đầu tư Nhà nước tăng mạnh nhưng còn dưới xa so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân như thiếu động lực, vướng pháp lý, giá nguyên vật liệu cao; đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin giảm sút. FDI ổn định, tuy nhiên khó tăng mạnh cho tới khi kinh tế thế giới và xuất khẩu hồi phục. Trong khi đó, xuất khẩu đang giảm dần qua các quý, cho thấy tình hình đang xấu", ông Thế Anh nói. 

Trong khi đó, lạm phát bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2022, một phần thể hiện sức cầu yếu của nền kinh tế, thu nhập của người dân giảm sút. Ngoài ra, thị trường tài sản của Việt Nam giảm rất mạnh từ cuối quý IV đến quý I năm nay kéo theo tiêu dùng cắt giảm nhanh. Hai yếu tố khác khiến lạm phát giảm còn do cung tiền tăng chậm, lãi suất cao và giá các loại nguyên nhiên vật liệu giảm đáng kể so với 2022.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Thế Anh, điểm cần lưu ý là lạm phát lõi đang giảm rất chậm, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Nền kinh tế cần chi tiêu nhiều hơn

PGS.TS Phạm Thế Anh đánh giá, nền kinh tế tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài. Trong khi đó các đối tác thương mại lớn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao, ít nhất là trong phần còn lại của năm.

“Để kích thích tổng cầu cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay, từ đó giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản. Đặc biệt, cần giảm lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do giảm lãi suất chính sách đã đến điểm giới hạn.”, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chính sách kích cầu đầu tư tư nhân cũng gặp một số rào cản như tỷ lệ tín dụng và M2/GDP cao, lạm phát cơ bản giảm chậm dẫn tới ít không gian để giảm thêm lãi suất huy động. Hơn nữa còn gặp giới hạn về lãi suất thực dương; bất ổn tỷ giá.  

Hơn nữa, chính sách kích thích bằng biện pháp tiền tệ ít hiệu quả với kích thích đầu tư của khu vực doanh nghiệp khi doanh nghiệp vẫn còn bi quan về triển vọng nền kinh tế và khi sức cầu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp còn thấp. Vì vậy trong giai đoạn này cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa.

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, nền kinh tế lúc này rất cần chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Tức là khi nền kinh tế suy thoái thì cần chi tiêu nhiều hơn, giảm thu thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực và xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.   

"Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công tập trung vào các lĩnh vực trên sẽ vừa cải thiện tổng cầu ngắn hạn, vừa giúp cho tổng cung trong dài hạn", ông nói.  

 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.