Tài chính tiêu dùng

Nỗi sợ một thời: 'Vay ngoài lãi cắt cổ, vay trong cõng bảo hiểm'

(VNF) - Quy định mới liên quan đến kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) được kỳ vọng sẽ giúp thanh lọc thị trường bảo hiểm cũng như mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân lẫn phía ngân hàng.

Lợi nhuận từ bancassurance giảm

Chị Hồng Yến (Mê Linh) bày tỏ sự đồng thuận sau khi biết các ngân hàng không được bán bảo hiểm kèm các gói vay theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được thông qua.

“Trước đây, tôi từng phải mua bảo hiểm lên tới 30 triệu đồng khi vay vốn kinh doanh tại ngân hàng. Vay ở ngoài thì sợ tín dụng đen, lãi cao cắt cổ, vay trong thì sợ phải mua bảo hiểm. Giờ có quy định mới, những người chủ doanh nghiệp như tôi cũng đỡ khổ khi đi vay vốn ngân hàng”, chị Yến nói.

Cũng giống như chị Yến, không ít người cảm thấy “nhẹ nhõm” khi biết ngân hàng không còn được bán bảo hiểm kèm theo các dịch vụ ngân hàng. Thậm chí, không chỉ người dân, mà ngay cả nhiều nhân viên ngân hàng cũng “thở phào” trước quy định mới này.

Anh Thành Nam, cựu nhân viên ngân hàng ở Hà Nội, chia sẻ: “Trước đây khi còn là nhân viên ngân hàng, tôi từng phải tự bỏ tiền túi mua bảo hiểm để hoàn thành KPI của tháng. Tôi tin là với quy định mới này, các nhân viên ngân hàng có thể nhẹ gánh hơn, không còn phải lo lắng quá nhiều về việc chạy KPI bán bảo hiểm như trước nữa”.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua.

Trong những năm qua, bancasurrance đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và là một trong những kênh mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, sau thời gian bùng nổ, thị trường bancasurrance bước vào giai đoạn khủng hoảng niềm tin khi nhiều người bị ép mua bảo hiểm. Nhiều chuyên gia nhận định bancasurrance sẽ khó quay trở lại thời huy hoàng với số lượng hợp đồng cao như những năm trước đây.

Theo Chứng khoán MB (MBS Research), với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua, tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của các ngân hàng sẽ còn tiếp tục chậm lại so với giai đoạn 2019-2021 khi hoạt động này bị quản lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt, nhóm các ngân hàng TMCP có tỷ trọng thu nhập bancasssurance trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB, ACB.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng nhận định quy định mới sẽ khiến các ngân hàng có thu nhập phí chủ yếu đến từ bancassurance có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Nhóm phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, lợi nhuận từ bancassurance trong năm tới có thể giảm 10 - 15% so với năm trước.

Cơ hội cho cả người dân lẫn ngân hàng

Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, nhận định quy định này là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một thị trường tài chính - bảo hiểm minh bạch và hiệu quả hơn, hướng tới lợi ích cho khách hàng.

Ngân hàng giờ đây không được phép gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với các dịch vụ ngân hàng khác đặc biệt là với các hợp đồng vay vốn kèm mua bảo hiểm nhân thọ để hưởng lãi suất thấp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ không còn bị ép buộc phải mua bảo hiểm khi sử dụng các sản phẩm ngân hàng.

Quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp thanh lọc kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Không chỉ giúp “nhẹ gánh” cho người dân mà quy định mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành bảo hiểm, khi mỗi công ty phải cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình để thu hút khách hàng, ông Việt nhận định.

“Đối với ngân hàng, họ cần phải điều chỉnh mô hình kinh doanh, đặc biệt là trong cách tiếp cận và tư vấn bảo hiểm cho khách hàng. Bằng việc thay đổi cách tiếp cận, từ việc tập trung vào số lượng sang chất lượng dịch vụ, và đặc biệt là việc đào tạo nhân viên để họ có thể hiểu rõ và tư vấn chính xác các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, ngân hàng có thể nâng cao giá trị dịch vụ của mình, từ đó củng cố niềm tin với khách hàng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững”, ông Việt chia sẻ.

Tuy nhiên, để kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng được hiệu quả và minh bạch hơn, theo ông Việt, cần tập trung vào 3 vấn đề chính, bao gồm: tăng cường giám sát, kiểm tra và đánh giá hoạt động bán bảo hiểm của các ngân hàng và công ty bảo hiểm; nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ tư vấn bảo hiểm nhân thọ và phát triển những sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu và gần gũi với nhu cầu thực tế của khách hàng.

“Những bước đi này không chỉ giúp cải thiện hoạt động bancassurance, mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh bảo hiểm lành mạnh và bền vững, nâng cao niềm tin của người dân trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm”, ông nhận định.

Tin mới lên