Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Nếu ai đã đọc cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại" - một nghiên cứu công phu của Jim Collins và cộng sự - thì có thể dễ dàng liên tưởng đến Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM).
Ngoài thành quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng (doanh thu tăng gấp 13 lần, lãi ròng tăng gấp 20 lần sau 15 năm), cổ phiếu VNM tăng gấp 36 lần sau 15 năm lên sàn thì một điểm rất quan trọng đối với một công ty "từ tốt đến vĩ đại" là được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo "cấp độ 5" - vừa khiêm tốn nhưng lại vừa quyết đoán trong công việc - và ở Vinamilk, đó là bà Mai Kiều Liên.
Tuy nhiên, khoảng gần 3 năm trở lại đây, cổ phiếu VNM ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về triển vọng tăng giá của cổ phiếu VNM khi Vinamilk liên tục ghi nhận mức tăng trưởng một chữ số cả về doanh thu và lợi nhuận từ năm 2017 đến nay (riêng năm 2018 tăng trưởng lợi nhuận âm).
Trong báo cáo cập nhật ngành sữa công bố gần đây, Công ty Chứng khoán SSI dự báo năm 2020, lợi nhuận của Vinamilk sẽ tăng 5,5% và sang năm 2021, mức tăng là 8,8%.
Tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm nay là một điểm sáng trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất nặng nề đến doanh nghiệp (một thống kê cho thấy lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết phi ngân hàng giảm tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Vinamilk tăng 2,6%). Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng một chữ số trong những năm hậu Covid-19 khó lòng đáp ứng kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nếu chỉ dự định nắm giữ cổ phiếu VNM trong ngắn hạn.
Dù vậy, trên góc nhìn đầu tư dài hạn, VNM vẫn là một trong những cổ phiếu đáng cân nhắc nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Trước tiên phải kể đến các lợi thế cạnh tranh.
Lợi thế cạnh tranh đầu tiên là danh mục sản phẩm cực kỳ đa dạng với 233 nhãn hàng tính đến thời điểm hiện tại (theo công bố trên website của Vinamilk), nhiều hơn bất cứ doanh nghiệp sữa nào khác tại Việt Nam.
Vì sao sản phẩm đa dạng lại là lợi thế cạnh tranh? Mô hình mà Vinamilk đang theo đuổi thường được gọi là "kim tự tháp sản phẩm", trong đó phân khúc phổ thông đóng vai trò rất quan trọng (có thể mường tượng đây là phần đế của tháp), không chỉ bởi quy mô phân khúc này lớn mà còn vì phần lớn khách hàng ở phân khúc cao hơn lại đến chính từ phân khúc phổ thông, khi họ có nhu cầu cao cấp hóa sản phẩm.
Điều này mở ra triển vọng nâng biên lợi nhuận cho Vinamilk trong dài hạn khi doanh nghiệp này đang thống trị phân khúc phổ thông, trong bối cảnh tăng trưởng thu nhập người dân ngày càng cao, theo đó nhu cầu cao cấp hóa sản phẩm ngày càng lớn.
Để có thể tấn công vào phân khúc cao hơn theo hướng bền vững, các đối thủ sẽ phải đi lên từ phân khúc phổ thông. Đây cũng là một trong những lý do khiến Vinamilk vẫn rất coi trọng phân khúc này dù biên lợi nhuận thấp hơn.
Lợi thế cạnh tranh thứ hai là hệ thống phân phối. Bên cạnh mạng lưới phân phối khổng lồ (cửa hàng tạp hóa, đại lý, siêu thị...) với hơn 250.000 điểm bán lẻ thì Vinamilk còn có hơn 400 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt chuyên bán các sản phẩm mang thương hiệu này.
Ngoài ra, ở các thị trường nước ngoài trọng điểm, Vinamilk cũng thiết lập được một số hệ thống phân phối tương đối mạnh (đặc biệt là tại Campuchia); đồng thời nhận được sự hậu thuẫn từ cổ đông lớn nước ngoài là Jardine Cycle & Carriage (JC&C) trực thuộc Tập đoàn Jardine Metheson - chủ sở hữu của hệ thống bán lẻ hàng đầu châu Á Dairy Farm.
Lợi thế thứ ba đang được Vinamilk củng cố là vùng nguyên liệu. Bên cạnh việc thu mua sữa từ các nông hộ với tổng lượng bò trong dân hơn 100.000 con, doanh nghiệp này còn đang sở hữu 12 trang trại bò chuẩn Global GAP, trong đó có một trang trại bò đạt chuẩn Organic tại Lâm Đồng, với tổng lượng bò vào khoảng 30.000 con.
Đặc biệt, Vinamilk đang trong quá trình hoàn thành giai đoạn 1 Tổ hợp "resort" bò sữa Organic trên cao nguyên Xiêng Khoảng (Lào) với tổng lượng bò khoảng 24.000 con (giai đoạn 2 dự kiến nâng quy mô lên 100.000 con).
Việc hoàn tất thâu tóm Mộc Châu Milk cũng giúp Vinamilk tiếp quản được vùng nguyên liệu "khủng" (3.000 nông hộ liên kết, 1.000 ha chăn thả với tổng lượng bò sữa 25.000 con) tại nơi có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp hiếm có tại miền Bắc.
Những lợi thế cạnh tranh này cho phép Vinamilk duy trì và tiếp tục gia tăng thị phần tại không chỉ Việt Nam mà còn ở các thị trường nước ngoài.
Trên khía cạnh chiến lược, tại thị trường nội địa, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ngành sữa ở mức thấp, Vinamilk vẫn đặt mục tiêu: mỗi năm có thêm 1% thị phần. Mục tiêu này đơn giản hóa được 2 nhiệm vụ sống còn của Vinamilk: giữ vững thị phần trong nước và gây sức ép lên các đối thủ cạnh tranh.
Nước cờ thâu tóm Mộc Châu Milk cũng nằm trong kế hoạch này: vừa tiếp quản được vùng nguyên liệu hiếm có, vừa gia tăng thị phần và vừa triệt tiêu một đối thủ cạnh tranh trong bối cảnh ngành tăng trưởng thấp - hàm ý cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt.
Càng có thêm thị phần, khả năng ấn định giá lên thị trường của Vinamilk càng cao và điều này có thể giúp cải thiện hơn nữa biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức một chữ số vẫn là điểm lăn tăn nhất của giới đầu tư khi quyết định rót tiền mua cổ phiếu VNM. Thêm vào đó, mục tiêu mỗi năm có thêm 1% thị phần là trong giai đoạn 2018 - 2021, liệu Vinamilk có thể tiếp tục duy trì mục tiêu này sau năm 2021 khi thị phần dự kiến vượt 60% hay không, hoặc thậm chí đặt mục tiêu tham vọng hơn nữa nhằm "đè bẹp" đối thủ?
Ở thị trường nước ngoài, chiến lược của Vinamilk là thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới bằng cách hợp tác sâu với các đối tác phân phối tại nước sở tại (thay vì xuất khẩu hàng hóa truyền thống như trước đây).
M&A cũng là chiến lược mà Vinamilk hướng đến không chỉ ở trong nước mà còn tại nước ngoài, với mục đích mở rộng thị trường và tăng doanh số.
Nếu ai kỳ vọng rằng Vinamilk sẽ tìm kiếm tăng trưởng ở một lĩnh vực khác xa rời năng lực cốt lõi thì ở thời điểm hiện tại, có lẽ họ sẽ phải thất vọng. Trong nhóm chiến lược để thực hiện mục tiêu trên hết là "trở thành 1 trong 30 công ty sữa lớn nhất thế giới", Vinamilk khẳng định sẽ "tập trung vào ngành sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa, vốn là ngành kinh doanh cốt lõi tạo nên thương hiệu Vinamilk".
Lựa chọn này của Vinamilk phần nào đẩy tương lai tăng trưởng ra thị trường nước ngoài.
Đây có lẽ là lý do vì sao mà bà Mai Kiều Liên quyết định đẩy ông Mai Hoài Anh vào vị trí Giám đốc Điều hành Kinh doanh Quốc tế từ tháng 12/2018.
Ông Mai Hoài Anh, sinh năm 1970, gia nhập Vinamilk từ năm 1996, là thành viên điều hành kỳ cựu. Trước khi được điều chuyển, ông Mai Hoài Anh là Giám đốc Điều hành Kinh doanh phụ trách khối Kinh doanh nội địa, từng quản lý tất cả các lĩnh vực quan trọng của Vinamilk như Marketing, Kinh doanh, Chuỗi cung ứng, Sản xuất, Nghiên cứu và Phát triển... trên cương vị Giám đốc Điều hành Hoạt động.
Nếu từng đọc cuốn "Từ tốt đến vĩ đại", hẳn không ít người sẽ liên tưởng đến quyết định có phần tương tự của Joe Cullman - CEO của Công ty Philip Morris (chủ sở hữu thương hiệu thuốc lá Marlboro, chiếm 14% thị phần thuốc lá toàn cầu năm 2019, chỉ đứng sau một công ty thuốc lá của Trung Quốc), khi đưa vị giám đốc số 1 của mình, George Weissman, lúc đó đang quản lý thị trường nội địa, sang quản lý thị trường quốc tế.
Thời điểm đó, Weissman nói: "Tôi không biết mình bị cho ra rìa, bị ném xuống đất hay bị ném qua cửa sổ nữa. Mới hôm qua tôi đang điều hành 99% công ty, hôm nay chỉ còn 1% hay thậm chí ít hơn nữa". Thế nhưng 20 năm sau quyết định đó, dưới quyền điều hành của Weissman, Marlboro trở thành nhãn hiệu thuốc lá bán chạy nhất thế giới.
Hẳn nhiên, biến thị trường nước ngoài trở thành động lực tăng trưởng quan trọng là một hành trình dài và kết quả chưa ai có thể đoán định được nhưng dưới góc nhìn dài hạn, nhà đầu tư có thể đặt niềm tin vào một hệ thống tổ chức và quản trị đã đưa Vinamilk "từ tốt đến vĩ đại" và đặt niềm tin vào quyết định của một nhà lãnh đạo "cấp độ 5" như bà Mai Kiều Liên.
Bản thân bà Mai Kiều Liên vẫn luôn có niềm tin về sự thành công của Vinamilk tại thị trường nước ngoài khi chia sẻ: "Tôi luôn nghĩ Vinamilk là một mắt xích trong chuỗi giá trị, cứ làm tốt về giá, chất lượng và dịch vụ thì trước sau cũng chiếm được thị trường xuất khẩu. Ban đầu có thể khó khăn vì đối thủ trong ngành hàng này rất nhiều, nhưng cứ từ từ, xác định thế mạnh của mình ở đâu rồi hãy bước vào".
Trên khía cạnh đầu tư, đôi khi, thị trường lại phản ứng sớm với triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.