'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Chú Hỏa tên thật là Huỳnh Văn Hoa, vốn người làng Văn Tang, thuộc xã Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phúc Kiến, nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Chú Hỏa sang Việt Nam vào khoảng năm 1863. Chú Hỏa còn được gọi tên là Hui Bon Hoa vì khi nhập quốc tịch Pháp, ông vốn là tín đồ đạo Công giáo nên đã lấy tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Trong đó, Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phúc Kiến. Về sau, các con cháu của ông đều mang họ Hui Bon Hoa nhưng chỉ khác tên Pháp đứng đầu.
Giai thoại làm giàu
Chú Hỏa có xuất thân nghèo khó, đến Việt Nam với hai bàn tay trắng, ông khởi nghiệp bằng nghề thu mua phế liệu. Do chí thú làm ăn, có khối óc nhìn xa trông rộng, nhạy bén với thương trường và tính quyết đoán nên ông đã vươn lên trở nên giàu có.
Có rất nhiều giai thoại kể về câu chuyện làm giàu của chú Hỏa.
Khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Chú Hỏa vốn có nghề phân kim đã mua lại số hàng này và đã tách thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị. Chú Hỏa bắt đầu phất lên từ đó.
Có người cho rằng, trong một lần thu mua phế liệu, chú Hỏa nhặt được một túi vàng nằm trong chiếc ghế nệm cũ hay mua trúng một bức tượng đồng bên trong đầy vàng.
Nhờ biết đọc chữ Hán, chú Hỏa biết được món nào là đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, đời Hán. Chú mua rẻ bán đắt số đồ cổ trên, thu được một số tiền lớn tạo dựng sự nghiệp.
Một giả thuyết khác, chú Hỏa làm việc với một ông chủ người Pháp, nhờ tính siêng năng, thật thà nên ông chủ thương tình, giúp chú vốn liếng mở tiệm cầm đồ và buôn bán.
Dù là giai thoại nào, thì đều đề cập đến sự cần mẫn làm ăn, chịu khó, biết tích lũy vốn và sử dụng lợi thế của bản thân trong quá trình kinh doanh, rất đáng trân trọng.
Khi đã bắt đầu có chút vốn trong tay, chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, bất động sản.
Chú nhìn ra được tiềm năng của vùng đất đầm lầy quanh con rạch ngay trung tâm Sài Gòn mà người Pháp đang có kế hoạch xây chợ Bến Thành. Chú Hỏa đã tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất mới san lấp quanh vị trí xây chợ và khi chợ Bến Thành xây xong, chú Hỏa đã có trong tay hơn 20.000 căn nhà thuộc ‘khu đất vàng’.
Công ty bất động sản gia đình Hui Bon Hoa
Năm 1896, chú Hỏa thành lập công ty bất động sản mang tên ‘Hui Bon Hoa và các con’, chuyên mua bán đất đai ở Sài Gòn - Chợ Lớn cũng như nhiều nơi khác ở Nam Kỳ. Ba người con trai cùng quản lý công ty với chú Hỏa là: Huỳnh Trọng Huấn (1876-1934), Huỳnh Trọng Tán (1877-1934) và Huỳnh Trọng Bình (1892-1951).
Công ty Hui Bon Hoa được thành lập để quản lý số lượng bất động sản đồ sộ của cha con chú Hỏa với những dãy nhà phố nằm dọc theo mặt tiền của các con đường ở khu trung tâm mà nay là các đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi và nhiều khu vực khác khắp Sài Gòn.
Một trong những bất động sản tiêu biểu của Hui Bon Hoa là khách sạn Majestic xây dựng năm 1925, gồm ba tầng với 44 phòng, trang bị máy điều hòa không khí đầu tiên ở Đông Dương.
Phần lớn những dãy phố mang tên gia đình Hui Bon Hoa khắp Sài Gòn thuở ấy được xây trên những vùng đất đầm lầy hoang hóa, được chú Hỏa và các con mua lại với giá rất rẻ. Bởi chính họ đã nhìn ra được sự quy hoạch đất đai nên mới có những ý tưởng táo bạo như vậy.
Phương cách cho thuê địa ốc của công ty Hui Bon Hoa rất chặt chẽ, có hệ thống quản lý hoàn chỉnh. Ngoài tiền thuê nhà hằng tháng, người thuê sẽ phải đóng thêm tiền cọc và tiền sang nhượng. Vì thế không có khách hàng nào có thể ‘xù’ được tiền thuê nhà.
Công ty Hui Bon Hoa phất lên nhanh chóng và phát triển bền vững vì những thành viên trong gia đình chú Hỏa luôn biết đoàn kết vì lợi ích chung. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: ‘Các con cháu chú Hỏa luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc. Nhờ giữ gìn có phương pháp cho nên sự nghiệp Hui Bon Hoa ngày càng đồ sộ thêm mãi, không sứt mẻ mảy may nào’.
Đóng góp xã hội
Triết lý kinh doanh của gia đình Hui Bon Hoa là lợi nhuận thu được từ cộng đồng phải được dùng để phục vụ trở lại cho cộng đồng, nâng cao phúc lợi xã hội.
Chú Hỏa là người làm ăn chân thành, cẩn trọng và luôn hướng về cộng đồng: ‘Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam’ (Vương Hồng Sển).
Với những người dân nghèo, chú sẵn sàng cho họ thuê nhà với giá rất ưu đãi.
Nối tiếp con đường làm ăn chuyên cần, đức độ của cha ông, thế hệ con cháu dòng họ Hui Bon Hoa đã làm được nhiều việc vì cộng đồng. Họ tổ chức nuôi cơm những người vô gia cư và xây dựng hàng loạt các công trình phúc lợi xã hội.
Đó là Phước Thiện Y Viện năm 1909 (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn Y Viện năm 1937 (nay là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn), Bệnh viện Maternité Indochinoise năm 1937 ( tức Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn và chùa Kỳ Viên năm 1949, Thành Chí học hiệu (nay là Trường THCS Minh Đức)…
Đặc biệt, ngôi biệt thự hoành tráng của gia đình Hui Bon Hoa xây dựng năm 1925 nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Sau năm 1975, toàn bộ gia đình Hui Bon Hoa đã chuyển sang Pháp và Mỹ sinh sống, để lại toàn bộ gia sản cho thành phố Sài Gòn với nhiều công trình được lưu giữ và sử dụng cho đến ngày nay.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.