'Ổn định, kịp thời, minh bạch' để giữ chân nhà đầu tư

Tùng Lâm (thực hiện) - 22/09/2023 10:02 (GMT+7)

(VNF) - Những vụ việc xảy ra trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã tác động mạnh tới niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân đối với thị trường trái phiếu còn non trẻ của Việt Nam, đồng thời cũng để lại nhiều bài học cho các thành viên thị trường từ các cơ quan quản lý cho tới công ty phát hành và các công ty chứng khoán.

VNF
1

Trong trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), cho rằng để giữ chân nhà đầu tư ở lại thị trường chứng khoán, các cơ quan quản lý cần làm tốt ở 3 chữ: Ổn định, kịp thời và minh bạch.

- Thời gian qua, lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh, tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh, thanh khoản trên TTCK cải thiện rõ rệt. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy đang có một làn sóng nhà đầu tư mới (F0) gia nhập TTCK hay không, thưa ông? Lớp nhà đầu tư F0 giai đoạn mới sẽ có gì khác so với lớp nhà đầu tư F0 giai đoạn 2020 – 2022 hay không, thưa ông?

CEO SHS Vũ Đức Tiến: Sau giai đoạn giảm mạnh hơn 1 năm qua, thị trường bắt đầu phục hồi khá tốt kể từ đầu tháng 5/2023 kèm theo thanh khoản của toàn thị trường cũng hồi phục tích cực. Đồng thời, theo số liệu thống kê, khối lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng bắt đầu hồi phục mạnh trong tháng 5. Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực như vậy nhưng theo quan điểm của tôi thì chưa thể xác nhận liệu đây có là dấu hiệu cho một làn sóng nhà đầu tư mới (F0) tham gia vào thị trường hay không bởi lý do sau:

Thứ nhất, nhà đầu tư được phép mở hơn 1 tài khoản chứng khoán tại nhiều công ty chứng khoán. Vì vậy, nếu không hài lòng với dịch vụ của công ty này, họ có thể mở mới tài khoản tại công ty chứng khoán khác. Như vậy, có tài khoản mở mới nhưng thuộc sở hữu của một nhà đầu tư có kinh nghiệm chứ không phải nhà đầu tư mới.

Thứ hai, thông thường, khi thị trường chứng khoán vận động tích cực, lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường sẽ nhiều hơn so với các giai đoạn thị trường trầm lắng. Giai đoạn 2020 – 2022 là giai đoạn thị trường bùng nổ mạnh mẽ nhất kể từ khi TTCK Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động và cũng là giai đoạn bùng nổ làn sóng nhà đầu tư F0. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản và trái phiếu chưa khởi sắc trở lại, sản phẩm tài chính ngoài tiền gửi tiết kiệm đang thực sự thiếu hụt.

Trong khi đó, diễn biến thị trường chứng khoán dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn có bước tăng trưởng nhất định và hiệu suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Vì vậy, sự hồi phục lượng tài khoản mở mới cho thấy một bộ phận nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán và điều này là hiểu được. Tuy nhiên, để có thể có 1 làn sóng nhà đầu tư F0 mới, thị trường cần phải có một giai đoạn tăng giá mạnh mẽ mà theo quan điểm của tôi, thời điểm hiện tại chưa hội tụ đủ các điều kiện cho một sóng tăng giá mạnh mà thị trường chỉ đang hồi phục sau giai đoạn giảm mạnh năm 2022 và đầu năm 2023.

Nhà đầu tư F0 là đối tượng mới tiếp cận và tham gia vào thị trường và chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó họ luôn là những đối tượng có xu hướng giao dịch theo cảm nhận cá nhân hoặc theo sự dẫn dắt của những người có kinh nghiệm hơn và sẽ không có quá nhiều sự khác biệt của những lớp nhà đầu tư F0, có chăng cùng với sự bùng nổ của công nghệ và thông tin, các lớp nhà đầu tư F0 sẽ ngày càng có nhiều công cụ, phương tiện và cách thức để tiếp cận, khai thác thông tin và ra quyết định nhanh hơn.

- Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 2020 – 2022, theo ông, các cơ quan quản lý cũng như các thành viên thị trường cần làm những gì để thu hút và giữ chân lớp nhà đầu tư mới trong giai đoạn mới?

Để giữ chân nhà đầu tư, các cơ quan quản lý cần làm tốt ở 3 chữ: Ổn định, kịp thời và minh bạch.

Ổn định là đảm bảo thị trường vận hành ổn định, thuận tiện, tin cậy và cập nhật. Giai đoạn 2020-2022 là giai đoạn thị trường tăng mạnh, quy mô thị trường và lượng nhà đầu tư mới tăng vọt dẫn đến khối lượng giao dịch bùng nổ, hệ thống giao dịch của các sở đã bị quá tải và không đảm bảo giao dịch. Vì thế, tôi mong hệ thống giao dịch và lưu ký tại các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cần đảm bảo tính ổn định. Những động thái nhà đầu tư sẽ quan tâm là việc triển khai KRX và đẩy nhanh quá trình thanh toán T+2.

Kịp thời là các cơ quan quản lý nhà nước cần xử lý các vấn đề phát sinh kịp thời, đặc biệt là khâu quản lý niêm yết, chào bán và giám sát trên TTCK. Các vấn đề nhức nhối trên thị trường thời gian qua như thao túng giá cổ phiếu, giao dịch của các cổ đông lớn, phát hành tăng vốn ảo tại một số doanh nghiệp cần được xử lý kịp thời, nghiêm minh và đủ sức răn đe, đảm bảo lòng tin của nhà đầu tư nói chung và F0 nói riêng vào sự lành mạnh của TTCK Việt Nam.

Đối với vấn đề minh bạch để thu hút và giữ chân F0, công tác tạo hàng cho thị trường cần được đặc biệt chú trọng, đảm bảo “hàng hóa” được giao dịch trên “chợ” chứng khoán là hàng hóa tốt, đảm bảo đủ chuẩn giao dịch của thị trường. Cần có những cơ chế, chính sách tốt hơn nữa nhằm tăng tính minh bạch thị trường, đảm bảo quyền lợi và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, chẳng hạn như kéo dài thêm khoảng thời gian cổ đông lớn, cổ đông nội bộ phải thông báo trước khi giao dịch, bắt buộc phải thực hiện giao dịch đã công bố nếu giá cổ phiếu giao dịch nằm trong khoảng giá dự kiến (nhiều trường hợp công bố nhưng không thực hiện dù giá cổ phiếu là phù hợp), tăng các mức phạt lên ở mức mà các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ sẽ chịu thiệt hại thực sự nếu cố tình vi phạm (mức phạt hành chính hiện tại quá thấp).

Đối với các thành viên của thị trường, ngoài việc tuân thủ pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng một thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch và bền vững cần đảm bảo sự chính xác, ổn định và tiện dụng của hệ thống phần mềm lõi chứng khoán cũng như đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư, đặc biệt là nâng cao chất lượng tư vấn đầu tư và quản lý tài sản.

- Những đổ vỡ trên thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã khiến một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư mất niềm tin vào TTCK Việt Nam. Là CEO của một công ty chứng khoán, nhìn trên bình diện chung, ông cho rằng các công ty chứng khoán cần nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của mình trong các cuộc đổ vỡ vừa qua? Các công ty chứng khoán cần hoàn thiện hệ thống quản trị như thế nào để đảm bảo vai trò trung gian trung lập giữa bên mua và bên bán chứng khoán (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) nhằm bồi đắp niềm tin cho nhà đầu tư?

Trong giai đoạn 2018-2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành bình quân mỗi năm là 421 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, các doanh nghiệp chỉ phát hành được 255 nghìn tỷ đồng và mua lại trước hạn tới 210 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu phát hành 6 tháng đầu năm 2023 là 42.783 tỷ đồng trong khi đã mua lại tới 110.448 tỷ đồng. Như vậy, hiện các doanh nghiệp Việt Nam gần như không huy động được nguồn vốn trung dài hạn từ thị trường trái phiếu từ đầu năm 2023 tới nay. Rõ ràng là những vụ việc xảy ra trong năm 2022 đã tác động mạnh tới niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân đối với thị trường trái phiếu còn non trẻ của Việt Nam, đồng thời cũng để lại nhiều bài học cho các thành viên thị trường từ các cơ quan quản lý cho tới công ty phát hành và các công ty chứng khoán.

Nhu cầu vốn đầu tư trung và dài hạn của doanh nghiệp hiện vẫn còn khá lớn. Mỗi năm Việt Nam cần ít nhất 700 nghìn tỷ đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn ngoài vốn ngân hàng với nhu cầu đầu tư phát triển từ nay đến năm 2030. Nguồn cung vốn cho nền kinh tế VN chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại, chiếm 48%. Thị trường chứng khoán đang cung ứng khoảng 25% nhu cầu vốn, trong đó phát hành trái phiếu mới đóng góp 22%. Vốn tín dụng ngân hàng chủ yếu là nguồn ngắn hạn, trong khi đó các ngân hàng thương mại đang phải giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn đối với các ngân hàng thương mại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế cũng chưa thể gia tăng do những yêu cầu khắt khe của thị trường vốn nước ngoài đối với tổ chức phát hành cũng như sự suy giảm của nền kinh tế thế giới.

Như vậy có thể thấy bên cạnh cổ phiếu, TPDN là kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện vẫn còn khá nhỏ so với tiềm năng và tương quan với các nước trong khu vực (dư nợ TPDN/GDP của Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2022 là 14,81% GDP, trong khi của Malaysia là 54,3% GDP, Singapore là 34,3% GDP, Thái Lan là 25,5% GDP). Do đó, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp phục vụ đầu tư phát triển và để tái cơ cấu nguồn vốn trái phiếu đã phát hành là rất lớn. Theo đề án phát triển thị trường tài chính của Chính phủ, mục tiêu quy mô thị trường TPDN đến năm 2025 là 20% GDP và tới 2030 là 25% GDP.

Theo tôi, để đảm bảo vai trò trung gian trung lập giữa bên mua và bên bán chứng khoán (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) nhằm bồi đắp niềm tin cho nhà đầu tư, các công ty chứng khoán cần hoàn thiện các yếu tố sau:

Đảm bảo tuân thủ quy định và chuẩn mực chuyên ngành: Các công ty chứng khoán cần chấp hành nghiêm ngặt các quy định và chuẩn mực chuyên ngành áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán nói chung và phát hành trái phiếu nói riêng. Điều này bao gồm việc tuân thủ luật chứng khoán, quy định về giao dịch và thông tin, các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Tăng cường đào tạo đội ngũ nhân viên: Các công ty chứng khoán cần đầu tư vào đội ngũ nhân viên chất lượng và đào tạo chuyên nghiệp. Điều này giúp đảm bảo rằng nhân viên có kiến thức và kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ chất lượng và tư vấn đúng đắn cho khách hàng.

Đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu: Các công ty chứng khoán cần đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu và đảm bảo rằng mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên lợi ích tốt nhất của khách hàng. Điều này bao gồm việc cung cấp cho khách hàng thông tin chi tiết và chính xác về các cổ phiếu và trái phiếu, cung cấp các lựa chọn đầu tư phù hợp và tư vấn chính xác với mục tiêu đầu tư của khách hàng.

Tăng cường giám sát và kiểm tra chất lượng: Công ty chứng khoán cần tăng cường hoạt động giám sát và kiểm tra chất lượng để đảm bảo tuân thủ quy trình và quy tắc nội bộ, cũng như các quy định của cơ quan quản lý. Điều này bao gồm việc thực hiện các đánh giá độc lập, kiểm tra nội bộ và xem xét liên tục để phát hiện và khắc phục các vấn đề tiềm ẩn và nâng cao chất lượng hoạt động.

Đầu tư vào công nghệ và hạ tầng: Công ty chứng khoán cần đầu tư vào công nghệ và hạ tầng để nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ và xử lý giao dịch một cách nhanh chóng và tin cậy. Điều này bao gồm việc áp dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp các nền tảng giao dịch, hệ thống phân tích và thông tin thị trường đáng tin cậy và dễ sử dụng cho khách hàng.

Đồng hành cùng khách hàng: Công ty chứng khoán có thể tăng cường vai trò của mình bằng cách đồng hành và hỗ trợ khách hàng trong quá trình đầu tư. Điều này bao gồm việc cung cấp thông tin và phân tích thị trường định kỳ, tổ chức các buổi tư vấn và đào tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng đầu tư của khách hàng.

- Bối cảnh hiện tại có sự khác biệt lớn so với năm 2020 – 2022. Theo ông, các nhà đầu tư mới nên lưu ý những gì khi tham gia vào TTCK ở giai đoạn này?

Thị trường chứng khoán luôn vận động theo từng chu kỳ tích lũy, tăng điểm, điều chỉnh….Sau một giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ 2020-2022 và thị trường cũng đã điều chỉnh rất mạnh từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm nay, đến hiện tại, thị trường đang dần giao dịch ổn định và phục hồi.

Với những nhà đầu tư F0, nếu muốn tham gia vào thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư bền vững, hiệu quả lâu dài thì theo tôi, trước khi thực sự tham gia giao dịch, nhà đầu tư cần trang bị trước kiến thức, khả năng phân tích thị trường, cổ phiếu thông qua các lớp đào tạo hoặc nội dung tư vấn chuyên môn có chất lượng của các chuyên viên môi giới, tư vấn đầu tư “có tâm” và có kinh nghiệm, đồng thời liên tục nâng cao kiến thức, đúc rút kinh nghiệm từ cả những thành công và thất bại trong giao dịch.

Bên cạnh đó, F0 cần lựa chọn các công ty chứng khoán có uy tín, có năng lực tài chính và hệ thống giao dịch minh bạch, tiện dụng. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn và rủi ro, cần chú trọng quản lý vốn, phân bổ tài sản, xây dựng danh mục đầu tư hợp lý, tránh chạy theo sự hô hào của các đội nhóm, tham gia đầu tư vào những mã cổ phiếu có tình hình kinh doanh không tốt hoặc dính đến các vấn đề pháp lý không tường minh.

Thị trường chứng khoán không thể luôn có những con sóng bùng nổ mạnh như giai đoạn 2020-2022 nhưng cơ hội tốt sẽ luôn xuất hiện đối với những người hiểu về thị trường và kiên nhẫn.

- Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội trên TTCK Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Sau khi điều chỉnh mạnh trong năm 2022, thị trường đã bước vào giai đoạn tích lũy trong vòng 6 tháng và hiện tại đang trong nhịp hồi phục khá tích cực. Xét trong trung hạn, quá trình hồi phục sẽ kèm theo các giai đoạn tích lũy để tạo nền tảng mở ra những kỳ vọng trong tương lai.

Về mặt vĩ mô, bối cảnh kinh tế toàn cầu thời gian qua có nhiều biến động và thiếu chắc chắn khi mặt bằng lãi suất tại nhiều nền kinh tế chủ chốt vẫn ở mức cao và chưa có tín hiệu sớm hạ nhiệt do lạm phát còn diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu xuất hiện nhiều trường hợp phá sản, rủi ro suy thoái kinh tế vẫn còn, trong khi cuộc xung đột Nga – Ukraine và căng thẳng Nga - EU, Trung Quốc - Mỹ vẫn chưa chấm dứt. Đối với Việt Nam, những số liệu của quý II cho thấy kinh tế đang gặp nhiều khó khăn khi đà tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ, tín dụng tăng thấp. Tuy nhiên, điểm sáng là tăng trưởng của Việt Nam vẫn được dự báo cao trong khu vực, lạm phát ở mức thấp, dự trữ ngoại hối tích cực, những khó khăn đã được nhận diện và Chính phủ đã và đang tích cực đưa ra các giải pháp như thúc đẩy đầu tư công, hạ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Mặc dù những chính sách sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng trên thực tế nhưng chúng tôi tin tưởng nền kinh tế về dài hạn sẽ có triển vọng tươi sáng và thị trường chứng khoán cũng sẽ phản ánh niềm tin này.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Lãi lớn từ công ty liên kết, HHS hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong quý I

Lãi lớn từ công ty liên kết, HHS hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong quý I

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HoSE: HHS) báo lãi sau thuế tới 150 tỷ đồng trong quý I/2024, bằng 50% kế hoạch năm.

EverLand: Doanh thu quý I giảm 50% so với cùng kỳ

EverLand: Doanh thu quý I giảm 50% so với cùng kỳ

(VNF) - Quý I/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn EverLand (HoSE: EVG) ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu thuần trong khi lợi nhuận có sự tăng trưởng đáng kể.

Khởi tố Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu

Khởi tố Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Minh An bị khởi tố để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng".

TP.HCM: Đón gần 1 triệu du khách, thu 3.200 tỷ dịp lễ 30/4 - 1/5

TP.HCM: Đón gần 1 triệu du khách, thu 3.200 tỷ dịp lễ 30/4 - 1/5

Theo Sở Du lịch TP. HCM, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, có gần 1 triệu lượt người dân, du khách vui chơi, tham quan tại các điểm đến trên địa bàn, tăng 2% so với cùng kỳ.

Ngoại trưởng Blinken vừa về nước, Mỹ giáng đòn lên loạt DN Trung Quốc

Ngoại trưởng Blinken vừa về nước, Mỹ giáng đòn lên loạt DN Trung Quốc

(VNF) - Ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hơn chục công ty ở Trung Quốc và Hồng Kông vì ủng hộ nỗ lực chiến sự của Nga ở Ukraine.

Bán DN làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest lãi 70 tỷ trong quý I/2024

Bán DN làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest lãi 70 tỷ trong quý I/2024

(VNF) – Kết quả kinh doanh bất động sản quý I/2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) khá ảm đạm. Phải nhờ tới việc bán công ty con, VPI mới có lãi sau thuế 70 tỷ đồng.

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) đã trải qua một năm 2023 đầy chật vật. Song, với những gì đang có ở quý I/2024, hi vọng đã được nhen lên cho cổ đông của công ty này.

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

(VEF) - Hôm nay (2/5/2024), Tạp chí điện tử VietnamFinance chính thức có giao diện mới tại địa chỉ: www.vietnamfinance.vn. Đây là một nỗ lực của chúng tôi nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

(VNF) - Mùa ĐHĐCĐ 2024 của các ngân hàng diễn ra trong niềm vui và cả sự hụt hẫng của cổ đông khi nơi thì chia cổ tức “đậm”, nơi thì vẫn dửng dưng…

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

(VNF) – Mặc dù đã tiếp thu ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp khi giữ lại phương pháp thặng dư để xác định giá đất, song Nghị định 12/2024 lại tiếp thu chưa triệt để, dẫn đến tính chưa đúng, chưa đủ chi phí hợp lý của nhà đầu tư. Điều này có thể dẫn đến sự triệt tiêu động lực phát triển dự án mới, khiến nút thắt nguồn cung không thể tháo gỡ. Và tất yếu, mọi chi phí phát triển dự án cuối cùng sẽ trút lên vai người mua.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.