Ông Lê Khắc Hiệp: Vingroup dành 100ha đất cho các doanh nghiệp phụ trợ ô tô

Cẩm Thư - 29/11/2019 13:49 (GMT+7)

(VNF) - Nói về việc kết nối để phát triển thương hiệu Việt, ông Lê Khắc Hiệp – Phó chủ tịch HĐQT Vingroup, cho biết bằng những cơ chế hợp tác như: không thu chiết khấu với các nhà cung cấp cho chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+, hợp tác với hộ sản xuất để phát triển VinEco, dành 100ha đất trong nhà máy VinFast cho các doanh nghiệp sản xuất linh/phụ kiện… Vingroup đang thực hiện vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp Việt tạo nên thương hiệu mạnh.

VNF
Phó chủ tịch Vingroup Lê Khắc Hiệp.

Tại sự kiện "Kết nối thương hiệu Việt", ông Lê Khắc Hiệp – Phó chủ tịch Vingroup, cho biết là một doanh nghiệp lớn, lãnh đạo Vingroup luôn ý thức được vai trò tiên phong cũng như trách nhiệm dẫn dắt của mình trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt có thể cạnh tranh toàn cầu.

“Trong nội bộ tập đoàn, ban lãnh đạo chúng tôi luôn ý thức rằng nếu đất nước chỉ có 5-7 doanh nghiệp lớn thì không lớn lên được”, ông Lê Khắc Hiệp chia sẻ.

Chính vì vậy, Vingroup đã có nhiều chính sách, cơ chế liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước để thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt.

“Ví dụ như VinEco, ban đầu chúng tôi định làm một mình nhưng sau gần 1 năm triển khai, chúng tôi đã liên kết với doanh nghiệp, nhà sản xuất lớn để cùng phát triển thương hiệu nông nghiệp này. Hiện, Vineco đã liên kết với hơn 1.000 hộ”, ông Hiệp thông tin.

Theo ông Hiệp, trong quá trình hợp tác với các hộ sản xuất, Vingroup góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nông nghiệp của người nông dân theo hướng hiện đại, hiệu quả. Nếu các hộ nông dân làm đúng quy trình, sản phẩm tốt thì VinEco sẽ đưa vào hệ thống của Vinmart để tiêu thụ.

“Hiện chúng tôi có hàng ngàn cửa hàng Vinmart và Vinmart+ trên cả nước; có hơn 250 thương hiệu Việt đang tham gia vào đây. Chúng tôi bán hàng của họ không thu chiết khấu, giúp họ đẩy mạnh sản xuất và đẩy mạnh marketing…”, ông Lê Khắc Hiệp cho hay.

Riêng về dự án VinFast, ông Hiệp nhận định sản xuất ô tô được coi là mũi nhọn của nền công nghiệp.

“Chúng tôi dành đất của mình - khoảng 100ha, gọi là khu công nghiệp phụ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thì xây dựng nhà máy ở đó”, ông Hiệp nói và khẳng định “nếu có 1 nhà máy định vít tốt thì không chỉ dùng được cho xe ô tô mà cho rất nhiều lĩnh vực khác”.

Ông Hiệp nhấn mạnh muốn có các thương hiệu mạnh thì doanh nghiệp Việt phải mạnh dạn đưa doanh nghiệp ra toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: "Cần lưu ý tới những mảng sáng của thương hiệu Việt, những mô hình thành công của thương hiệu mà Việt Nam đã tạo ra".

"Khi chúng ta biết Thái Lan mua Big C, Metro là nguy hiểm, với chiết khấu tăng mạnh, không doanh nghiệp nào của Việt Nam đưa hàng vào được. Cạnh tranh thương hiệu chính là người Việt Nam với sự hợp tác của mình có thể thành công hơn nhiều khi chưa có cạnh tranh bên ngoài", GS Nguyễn Mại nói.

GS Nguyễn Mại cho rằng VinFast là một ví dụ về làm thương hiệu thành công: "VinFast ra đời khi ngành ô tô trong nước đang trong thế bế tắc. 30 năm nay chúng ta thất bại trong chiến lược ô tô do chúng ta bảo hộ cho ngành ô tô trong nước bằng thuế rất cao, người tiêu dùng mua ô tô rất đắt. Vì thế các doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam là chủ yếu".

"Nhưng đến khi Vingroup và Thaco nhảy vào thì có định hưỡng rõ của 2 ông chủ làm sao xây dựng thương hiệu không chỉ trong nước mà còn trong khu vực Đông Nam Á. Có thương hiệu là do khát vọng của những người đứng đầu tập đoàn, làm ô tô không phải chỉ cho thị trường trong nước mà còn ra nước ngoài. Chúng ta có thể tạo bước ngoặt trong đầu tư đổi mới công nghiệp Việt Nam", GS Nguyễn Mại kỳ vọng.

Cùng chuyên mục
Tin khác