'Ông lớn' Lọc hóa dầu Bình Sơn lên sàn đấu

Khánh Hồng - 31/10/2024 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Việc BSR chuyển từ UPCoM sang HoSE được kỳ vọng sẽ gia tăng tính minh bạch, thanh khoản của cổ phiếu, giúp công ty sẽ dễ dàng tiếp cận các dòng vốn trong và ngoài nước.

Hạt nhân của khu kinh tế Dung Quất

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư xây dựng từ tháng 6/2005 tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước, có vai trò quan trọng, đặt nền móng cho ngành công nghiệp lọc hoá dầu và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đến tháng 5/2008, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn được thành lập để tiếp nhận, quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tháng 7/2018, công ty chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức cổ phần với tên gọi mới Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đến nay, BSR đã chế biến trên 100 triệu tấn dầu thô; sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 91 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Tổng doanh thu đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước gần 224.000 tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD) gấp 3 lần mức đầu tư.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên đồng thời thể hiện vai trò quan trọng là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ liên quan đến nguồn cung xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nhiên liệu đặc chủng cho Bộ Quốc phòng.

Năm 2023, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong tốp 500 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam và được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ với “Triển vọng ổn định”.

BSR đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương cũng như ngành công nghiệp lọc hóa dầu. 

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR cho biết, BSR đã có được đội ngũ nhân sự hơn 1.500 người có trình độ, chuyên môn cao trong lĩnh vực lọc hoá dầu. Hiện chỉ còn khoảng 10 chuyên gia nước ngoài (trước kia 200 chuyên gia) và 17 nhân sự người Việt Nam được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hoá dầu đang làm việc tại BSR. Đây được xem là bước phát triển vững mạnh, khẳng định người lao động Việt Nam, nhân sự của BSR đã làm chủ công nghệ lọc hoá dầu, đảm bảo cho việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất.

Hiện BSR đang tích cực triển khai dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất với mục tiêu nhằm nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày.

Theo Tổng giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương, chiến lược phát triển của BSR đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là xây dựng và phát triển BSR - đóng vai trò nòng cốt trong việc hình thành Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nộp ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của PVN và đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. “Mô hình tăng trưởng mới của BSR trong thời gian đến sẽ lấy lọc hóa dầu là nền tảng với sự đột phá về kinh doanh và đầu tư”, ông nói.

Cổ phần hóa để ra biển lớn

Ngày 21/8/2024, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên sàn HoSE, tương ứng số vốn điều lệ hiện tại hơn 31.004 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Dương cho hay việc chuyển từ UPCoM sang HoSE thể hiện quyết tâm của lãnh đạo BSR trong việc thực hiện cam kết đối với cổ đông. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản của cổ phiếu BSR, qua đó giúp công ty sẽ dễ dàng tiếp cận các dòng vốn trong và ngoài nước.

Theo BSR, với mức vốn hóa lên đến 74.700 tỷ đồng, khi được chấp thuận chuyển sàn sang niêm yết tại HoSE, công ty sẽ trở thành một cổ phiếu blue-chip và kỳ vọng lọt vào rổ VN30 trong tương lai không xa.

Việc BSR chuyển sang HoSE được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản của cổ phiếu công ty.

Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), BSR được dự báo sẽ tăng sản lượng trong 6 tháng cuối năm 2024 để bù đắp cho lượng sản phẩm đã bị hao hụt trong thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy. Vì thế, doanh thu nửa cuối năm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh so với 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, BSR đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng nhằm cân đối nguồn vốn cho dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Phương án tăng vốn đang được báo cáo với cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cấp có thẩm quyền.

Hiện BSR có vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng, tương ứng với 3,1 tỷ cổ phần, trong đó PVN nắm giữ 2,86 tỷ cổ phần (chiếm 92,12%). Theo phương án cổ phần hóa, sau khi IPO, BSR sẽ chào bán khoảng 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược qua đó tiến tới giảm sở hữu nhà nước xuống còn 43%. Việc cổ phiếu BSR được giao dịch trên sàn HoSE sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của công ty, tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn (cả trong và ngoài nước) của BSR. Qua đó, BSR dễ dàng trong việc tiếp tục thoái vốn ngay trên sàn, tận dụng được các dòng vốn khác phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, BSR đã làm việc với đơn vị kiểm toán chuyên nghiệp trong nước để triển khai kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) được lập theo IFRS (International Financial Reporting Standards) - được xem là chuẩn mực BCTC quốc tế gồm các tiêu chí được ban hành bởi Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế IASB (International Accounting Standards) với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để công bố thống nhất, minh bạch và so sánh được BCTC trên toàn thế giới.

Chuẩn IFRS trợ giúp BSR nâng cao năng lực quản trị tài chính, bao gồm phân tích và ra quyết định, bảo đảm cập nhật các xu hướng mới như báo cáo phát triển bền vững, cam kết khí thải, các giao dịch phát sinh và bảo đảm rủi ro… đồng thời, góp phần trợ giúp các nhà đầu tư xác định chính xác hơn về giá trị doanh nghiệp, dễ so sánh với doanh nghiệp khác.

Cùng chuyên mục
Tin khác