BSR: 'Ngôi sao sáng' UPCoM sớm chuyển nhà qua HoSE
(VNF) - Giới phân tích nhận định việc chuyển sàn có thể đem lại các diễn biến tích cực cho cổ phiếu BSR trên thị trường chứng khoán.
BSR đủ điều kiện chuyển sàn
Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên kiểm toán của Công ty Cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cho thấy doanh nghiệp đã xoá khoản nợ quá hạn của Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (1.127 tỷ đồng). Đồng thời, ý kiến của kiểm toán viên liên quan đến khoản nợ quá hạn này đã được loại bỏ.
Theo đó, BSR đã điều chỉnh khoản đầu tư vào BSR-BF từ khoản đầu tư vào công ty con thành góp vốn vào đơn vị khác trong báo cáo tài chính quý II/2024. Việc thay đổi phương pháp kế toán từ hợp nhất sang phương pháp chi phí đối với khoản đầu tư này là do BSR-BF đã nộp đơn để mở thủ tục phá sản vào ngày 22/2/2024 và Tòa án Nhân dân Thành phố Quảng Ngãi mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF vào ngày 27/5/2024.
Với việc không còn hợp nhất báo cáo tài chính của Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung, BSR kỳ vọng doanh nghiệp hiện đã đủ điều kiện để niêm yết trên HoSE. Ngày 12/8 vừa qua, BSR đã thông qua việc chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký cổ đông với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ Chứng khoán Việt Nam, đồng thời chuẩn bị, nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan để niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) trong năm 2024.
Thông thường, HoSE sẽ phản hồi trong vòng 90 ngày sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu chuyển niêm yết. Như vậy, nhiều khả năng BSR sẽ được chấp thuận niêm yết HoSE vào quý IV/2024.
Được biết, BSR đã chuẩn bị cho việc niêm yết HoSE trong từ khá lâu, thoả mãn 8/9 điều kiện để chuyển sàn là vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, được ĐHĐCĐ chấp thuận thông qua, thời gian niêm yết trên UPCoM tối thiểu 2 năm, kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi, ROE năm gần nhất trên 5%, cam kết của cổ đông nội bộ về nắm giữ cổ phiếu, không bị xử lý vi phạm trong thời hạn 2 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết, có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết.
Trong đó, điều kiện có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông (không phải cổ đông lớn) nắm giữ không áp dụng với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá. Điều kiện cuối cùng là không có nợ quá hạn trên 1 năm cũng đã được doanh nghiệp “giải quyết”.
Ngôi sao sáng của UPCoM chuyển nhà
Theo giới phân tích, việc cổ phiếu BSR được niêm yết HoSE sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn (cả trong và ngoài nước). Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng BSR đã đáp ứng các tiêu chí để được vào rổ chỉ số VN30 như điều kiện về tỷ lệ free – float, thanh khoản, khối lượng và giá trị giao dịch. Việc được niêm yết HoSE có thể hiện thực hoá việc này.
Trong vòng 3 tháng trở lại đây, khối lượng giao dịch trung bình của BSR đạt hơn 10,3 triệu đơn vị, riêng trong phiên 16/8 đạt hơn 16 triệu đơn vị.
Về diễn biến giá, kể từ khi rơi xuống vùng đáy 18.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 19/4 vừa qua, BSR đã tăng mạnh mẽ lên mức đỉnh mới trong phiên 20/6, đạt 24.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng trưởng 36% trong vỏn vẹn 2 tháng. Vốn hoá cũng tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng. Dù đã qua 1 số phiên điều chỉnh, BSR vẫn trụ được ở vùng giá trên 24.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá tương đương hơn 73.400 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), thực tế cho thấy cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn thường có biến động tương đối tích cực trước khi chính thức chuyển sàn giao dịch sang HoSE. Chủ trương chuyển sàn niêm yết thường tạo ra làn sóng giao dịch tương đối tốt và thu hút được dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, các cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng thường duy trì trạng thái giao dịch tốt sau khi được niêm yết trên HoSE, điều này tới từ sự kỳ vọng lớn của nhà đầu tư cho việc doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả, bền vững hơn, các thông tin về doanh nghiệp cũng trở nên minh bạch hơn dưới các yêu cầu khắt khe để được niêm yết tại HoSE.
Một số cổ phiếu có những diễn biến tích cực sau khi chuyển sàn trong quá khứ có thể kể đến như VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (HoSE: VTP), CTR của Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (HoSE: CTR) và POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW).
Theo đó, trước khi chuyển sàn, VTP đã ghi nhận mức tăng 70,8%, CTR tăng 16,9% và POW tăng 41,8%. Sau khi chính thức niêm yết HoSE, trong 2 tháng đầu, VTP vẫn tiếp đà tăng trưởng thêm 8,3%, CTR tăng 31,3% còn POW tăng 6,4%.
PSI cho rằng với triển vọng tích cực trong trung hạn và dài hạn, bao gồm cả việc tiến trình chuyển sàn đang thuận lợi, cổ phiếu BSR sẽ có biến động tích cực trên thị trường. Một số động lực của BSR có thể kể đến như hoàn thành bảo dưỡng lần 5 nhà máy lọc dầu Dung Quất, doanh thu cuối năm kỳ vọng tăng trưởng mạnh so với 2 quý đầu năm.
Cùng với đó, crack spread (chênh lệch giá 1 thùng dầu thô và sản phẩm hoá dầu) cũng có dấu hiệu hồi phục đáng kể từ khi chạm đáy vào tháng 6/2024. Crack spread của xăng máy bay và dầu Diesel đã tăng lần lượt 58,9% và 43,8% tại thời điểm cuối tháng 7 so với đầu tháng 6. PSI kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn cho tới cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ của các sản phẩm này trên thế giới sẽ được cải thiện. Biên lợi nhuận gộp của BSR vì thế nhiều khả năng sẽ được mở rộng.
6 tháng đầu năm 2024, BSR đạt doanh thu hơn 55.000 tỷ đồng
- BSR tổ chức lễ ra mắt sản phẩm mới PP định hình nhiệt TF4035 05/07/2024 03:21
- Sức khỏe tài chính tốt và động lực để cổ phiếu BSR tăng trưởng 21/05/2024 04:38
- BSR: Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I đạt 30.696 tỷ đồng 30/04/2024 04:45
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.