Ông Tập gặp loạt CEO Mỹ: Nỗ lực giữ chân ‘đại bàng’ của Trung Quốc
Minh Đăng -
27/03/2024 12:59 (GMT+7)
(VNF) - Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh khi ông cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài quay trở lại nước này sau một vài năm đầy thách thức đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cuộc họp ngày 27/3 dự kiến sẽ bao gồm CEO Apple Tim Cook, CEO Blackstone Stephen A Schwarzman và CEO Noel Quinn của HSBC, Wall Street Journal trích dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Nhiều giám đốc điều hành hàng đầu thế giới đã có mặt tại Bắc Kinh trong tuần này để tham dự Diễn đàn cao cấp Phát triển Trung Quốc (CDF) 2024 diễn ra vào ngày 24-25/3.
Danh sách khách mời của diễn đàn bao gồm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva và đại diện của hơn 100 công ty đa quốc gia.
Trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp có thể gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trong những ngày gần đây, lời mời gặp ông Tập Cận Bình báo hiệu nỗ lực phối hợp của Bắc Kinh nhằm giải quyết những nhận thức tiêu cực về môi trường kinh doanh hiện tại.
Ông Chris Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, chia sẻ với Al Jazeera: “Có thể các nhà đầu tư và giám đốc điều hành sẽ bày tỏ một số bất bình tại cuộc họp và việc vận động hành lang có thể tạo ra một số tác động, nhưng tôi không nghĩ đó thực sự là mục đích của cuộc họp này”.
“Điều này chủ yếu mang tới thông điệp là chính phủ Trung Quốc quan tâm đến những lo ngại của các công ty và nhà đầu tư toàn cầu, đồng thời vẫn muốn họ hiện diện ở nước này, vào thời điểm các doanh nghiệp toàn cầu đang rất cảnh giác với Trung Quốc", ông Beddor nhận định.
Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm 8% khi các công ty thu hẹp quy mô hoạt động và tìm cách “giảm thiểu rủi ro” cho hoạt động kinh doanh của mình trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp diễn và môi trường pháp lý khắt khe hơn.
Luật gián điệp và bí mật nhà nước được thắt chặt cũng khiến một số công ty đặt câu hỏi liệu họ có thực sự được hoan nghênh hay không, trong khi đại dịch Covid-19 thu hút sự chú ý đến việc họ phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số công ty nước ngoài vẫn thể hiện mong muốn tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
CEO Tim Cook cuối tuần qua chia sẻ với truyền thông Trung Quốc rằng ông hy vọng sẽ tăng cường đầu tư của Apple vào Trung Quốc trong bối cảnh iPhone đã mất chỗ đứng vào tay các thương hiệu địa phương như Mate 60 Pro Plus của Huawei.
“Tôi nghĩ Trung Quốc đang thực sự mở cửa và tôi rất vui khi được ở đây”, ông Cook nói bên lề Diễn đàn cao cấp Phát triển Trung Quốc.
Đối mặt với ngã ba đường
Trong khi đó, có những người khác, bao gồm cả Giám đốc IMF Georgieva, lại tỏ ra lo lắng về tương lai của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn cao cấp Phát triển Trung Quốc , bà Georgieva nói với các nhà hoạch định chính sách rằng cần có nhiều cải cách ủng hộ thị trường hơn để giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch.
Mặc dù tăng trưởng 5% trong năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát và khủng hoảng bất động sản kéo dài.
“Trung Quốc đã sẵn sàng đối mặt với một ngã ba đường – dựa vào các chính sách đã có hiệu quả trong quá khứ hoặc cập nhật chính sách của mình cho một kỷ nguyên mới về tăng trưởng chất lượng cao”, bà Georgieva nhận định.
Tuy nhiên, việc chuyển sang tăng trưởng tập trung vào tiêu dùng có thể nói dễ hơn làm trong một nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi nhu cầu trong nước suy yếu và niềm tin kinh doanh suy giảm.
Các quan chức Trung Quốc từ lâu đã dựa vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn để thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải thay đổi tư duy để hướng tới tăng trưởng dựa vào tiêu dùng.
Bất chấp những lo ngại này, Trung Quốc đã đặt mục tiêu GDP năm nay ở mức 5% và cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các lĩnh vực chiến lược, cùng với các mục tiêu khác được nêu ra tại Diễn đàn cao cấp Phát triển Trung Quốc.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.