'Cú sốc Trung Quốc' với những nhãn hàng xa xỉ toàn cầu

Lê Anh - 25/03/2024 09:51 (GMT+7)

(VNF) - Lo ngại về việc chi tiêu chậm lại của người tiêu dùng Trung Quốc đã đeo bám ngành công nghiệp xa xỉ trong suốt một năm qua.

Tập đoàn Kering SA của Pháp chứng kiến 9 tỷ USD giá trị thị trường của mình bị xóa sổ sau khi cảnh báo rằng doanh số bán các sản phẩm của nhãn hiệu Ý Gucci tại Trung Quốc đã sụt giảm trong quý này. Sự chậm lại cũng bắt đầu xuất hiện ở các khía cạnh khác của ngành công nghiệp xa xỉ.

Nhiều khách hàng trẻ Trung Quốc xếp hàng bên ngoài cửa hàng Gucci ở khu mua sắm Tsim Sha Tsui, Hong Kong vào ngày 5/12/2023. Ảnh: Reuters

Một báo cáo riêng cho thấy xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ sang Trung Quốc, điểm đến hàng đầu cho đồng hồ cao cấp, đã sụt giảm vào tháng trước. Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán nhu cầu hàng xa xỉ của Trung Quốc sẽ hạ nhiệt hơn nữa trong năm nay.

Hàng loạt tin tức đáng lo ngại cung cấp những dấu hiệu mới nhất cho thấy sự gia tăng chi tiêu được mong đợi của những người Trung Quốc giàu có sau khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được dỡ bỏ đang không thành hiện thực.

Gucci loay hoay

Trong khi một số công ty xa xỉ vẫn đang ứng phó linh hoạt với hoàn cảnh thì những công ty còn lại có thể buộc phải suy nghĩ lại về cách họ kinh doanh ở Trung Quốc, tiêu biểu là Kering. Công ty này do tỷ phú François Pinault sáng lập và sở hữu các thương hiệu danh tiếng như Gucci và Alexander McQueen. 

Cô Wu Xiaofang, một nhân viên ngân hàng 34 tuổi sống ở Thượng  Hải, người từng rất say mê Gucci đến nỗi đã mua ba chiếc túi trong chuyến đi đến Ý vào năm 2016, cho biết: “Tôi đã không mua bất kỳ chiếc túi Gucci nào trong nhiều năm, những thiết kế mới thật tệ.”

Wu là một trong những thế hệ người mua hàng xa xỉ ở Trung Quốc ngày càng kỹ tính hơn trong việc chi tiêu. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và suy thoái bất động sản đã làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc, trong khi áp lực giảm phát đang làm dấy lên mối lo ngại về tăng trưởng tại một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Do đó, rào cản ngày càng tăng lên. Gucci đã chứng kiến doanh số bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc sụt giảm đáng kể trong những tháng gần đây, bao gồm cả từ trang web chính thức và nền tảng thương mại điện tử trên Tmall.

Ông Sabato De Sarno, người trở thành giám đốc sáng tạo của Gucci vào năm ngoái, đã áp dụng phong cách thẩm mỹ tối giản hơn so với những thiết kế nhiều màu sắc của người tiền nhiệm Alessandro Michele. Còn quá sớm để nói liệu những kiểu dáng đẹp hơn và nhẹ nhàng hơn của ông có gây được tiếng vang với khách hàng Trung Quốc hay không vì chúng chỉ mới xuất hiện trong các cửa hàng gần đây.

Tuy nhiên, nhà tư vấn thời trang Mark Liu cho biết một số người mua hàng có thể thấy chúng kém đặc biệt hơn trước và có phong cách quá giống với những thương hiệu như Valentino, Prada và Celine. 

Gucci từ lâu đã là một trong những thương hiệu xa xỉ lớn có nhiều biến động nhất, vận may của hãng lên xuống dựa trên tiếng vang xung quanh các nhà thiết kế như Michele và người tiền nhiệm Tom Ford. Điều đó khiến Kering rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi về khẩu vị, đặc biệt khi Guccci chiếm khoảng một nửa doanh thu và hơn 2/3 lợi nhuận.

Kering khiến các nhà đầu tư choáng váng với thông báo ngày 19/3 rằng doanh số bán hàng của Gucci đã giảm gần 20% trong quý này, dẫn đầu là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đã khiến giá cổ phiếu giảm mạnh nhất trong ba thập kỷ.

Tập đoàn này bắt đầu hành động để thúc đẩy nhãn hiệu đang gặp khó khăn của mình cách đây hai năm khi bổ nhiệm người đứng đầu thời trang mới cho Gucci tại Trung Quốc và Hồng Kông. Gucci sau đó chia tay Michele và thuê De Sarno, một nhà thiết kế ít tên tuổi hơn đến từ Valentino. Kering cũng thay thế Marco Bizzarri, người đã lãnh đạo Gucci trong khoảng 8 năm, bằng Jean-Francois Palus, cấp phó lâu năm của CEO Francois-Henri Pinault.

Các nhãn hàng xa xỉ "gặp khó"

Không chỉ Gicci, sự suy thoái ở Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng đến các thương hiệu khác, nếu không muốn nói là phần lớn. Trong khi các hãng xa xỉ hàng đầu như Rolex, Hermes, Chanel và Louis Vuitton chứng kiến mức tăng trưởng hai con số vào năm 2023 tại Hồng Kông, một điểm đến phổ biến của người mua sắm Trung Quốc, doanh số bán hàng đã chậm lại vào đầu tháng 10, một người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Giá đồng hồ cũ đã giảm 40% trong tháng 1 so với năm trước.

Các sản phẩm của Hermes vẫn được khách hàng Trung Quốc săn đón.

Rất ít mặt hàng xa xỉ dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc hơn đồng hồ Thụy Sĩ. Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ cho biết vào tuần trước, xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 25% trong tháng 2 so với năm trước, trong khi xuất khẩu sang Hồng Kông giảm 19%.

Ông Nick Hayek, giám đốc điều hành của Swatch Group, tập đoàn sở hữu các thương hiệu bao gồm Omega và Tissot, cho biết: “Có một sự chậm lại”. Trung Quốc chiếm 1/3 doanh số của công ty vào năm 2023.

Vị CEO này cho biết người mua hàng ở Trung Quốc và Hồng Kông đang ghé thăm các cửa hàng của thương hiệu Swatch Group nhưng họ ngần ngại hơn trong việc mua một món hàng thực sự đắt đỏ. “Họ có tiền, nhưng họ cẩn trọng hơn về việc khi nào nên chi tiêu và chi tiêu như thế nào”, ông Hayek cho hay.

Một số thương hiệu có thể buộc phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo báo cáo từ công ty tư vấn Bain & Company, tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ ở TRung Quốc trong năm nay được dự báo sẽ chậm lại ở mức một con số, so với mức 12% vào năm 2023. Nhưng sự tăng trưởng đó sẽ được thúc đẩy bởi những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao hoặc những người có tài sản đầu tư trên 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD).

Một số nhãn hiệu xa xỉ đã đi ngược lại xu hướng đang chậm lại. Prada SpA, công ty sở hữu thương hiệu Miu Miu, đã chứng kiến doanh số bán lẻ tăng 32% trong quý trước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản. Đầu tháng này, CEO Andrea Guerra cho biết ông hài lòng với xu hướng trong tháng 1 và tháng 2. Hermes International cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng hai con số trong quý IV năm ngoái.

Ông Bruno Lannes, đồng tác giả của báo cáo Bain, cho biết trong những thời điểm bất ổn, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng thích những món đồ xa xỉ có khả năng duy trì giá trị theo thời gian. 

Hãng mỹ phẩm khổng lồ Estee Lauder của Mỹ, sở hữu các nhãn hiệu bao gồm La Mer và Tom Ford, đang tiếp tục đặt cược lớn vào Trung Quốc vì triển vọng tăng trưởng dài hạn của nước này. Sự biến động cuối cùng sẽ giảm bớt khi sự mở rộng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc tiếp tục đẩy mức tiêu thụ bình quân đầu người cao hơn theo thời gian.

Tuy nhiên, một số thương hiệu xa xỉ đang xem xét lại chiến lược châu Á của họ để nhìn xa hơn Trung Quốc và để phát triển trong tương lai. Ông Angelito Perez Tan, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của RTG Group Asia, công ty điều hành các doanh nghiệp bao gồm cả tư vấn hàng xa xỉ, cho biết Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Đông được coi là có tiềm năng lớn về lâu dài.

“Các nhà điều hành đã xem xét vấn đề này một cách toàn diện hơn vì có nhiều thứ ở châu Á hơn là chỉ ở Trung Quốc. Các thương hiệu xa xỉ nói chung đã nhận ra rằng một số trong số họ quá phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc. Họ nhận ra rằng họ không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ nữa”, ông Tan cho hay.

Xem thêm >> 'Mùa đông sản khoa' ở Trung Quốc: Nhiều bệnh viện đóng cửa khu đỡ đẻ

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác