'Mùa đông sản khoa' ở Trung Quốc: Nhiều bệnh viện đóng cửa khu đỡ đẻ

Bích Hợp - 24/03/2024 23:18 (GMT+7)

(VNF) - Các chuyên gia y tế và truyền thông Trung Quốc đang đưa tin về việc có ngày càng nhiều bệnh viện đóng cửa các khoa sản trên khắp đất nước 1,4 tỷ dân này, nơi dân số đã giảm trong hai năm liên tiếp.

Việc đóng cửa các khu đỡ đẻ được ví như “mùa đông sản khoa” ở Trung Quốc. Triển vọng tái tăng trưởng dân số ở Trung Quốc có vẻ ảm đạm trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn và ngày càng niều người trẻ không còn thiết tha với hôn nhân truyền thống và sinh con.

Một y tá chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Ít phụ nữ Trung Quốc sinh con hơn

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 2 công bố dân số nước này đã giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023 khi giảm 2,08 triệu xuống còn 1,409 tỷ dân.

Mức giảm năm ngoái lớn hơn nhiều so với mức giảm được ghi nhận vào năm 2022 là 850.000 người, đánh dấu lần đầu tiên dân số Trung Quốc giảm kể từ năm 1961.

Số liệu năm 2023 cũng cho thấy số ca sinh mới giảm 5,7% xuống còn 9,02 triệu và tỷ lệ sinh của cả nước cũng đạt mức thấp mới là 6,39 ca sinh/1.000 người, giảm so với tỷ lệ 6,77 ca sinh/1.000 người của năm 2022.

Ông Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông và là chuyên gia về chính sách dân số, cho hay việc tỷ lệ sinh sản ở Trung Quốc thấp liên quan đến các vấn đề hiện phổ biến đối với phụ nữ trên toàn thế giới.

Theo ông Gietel-Basten, phụ nữ trẻ ở Trung Quốc phải đối mặt với vô số rủi ro đối với sự nghiệp và phúc lợi kinh tế khi có gia đình, chưa kể đến “gánh nặng chăm sóc không đồng đều” trong gia đình vì phụ nữ phải chăm sóc con cái, cha mẹ đẻ và cả cha mẹ chồng.

“Cái giá mà phụ nữ phải trả về mặt rủi ro kinh tế cũng như rủi ro để có được cuộc sống mà họ mong muốn và mong muốn có được là rất, rất lớn”, ông nhận định thêm

Số người kết hôn ở Trung Quốc đã giảm từ khoảng 13,5 triệu cặp đôi hàng năm vào năm 2013 xuống còn khoảng 6,8 triệu vào năm 2022.

Dữ liệu chỉ ra rằng người Trung Quốc cũng kết hôn muộn hơn, tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng và số người chọn sống độc thân cũng tăng mạnh.

Cô Lisa Ming (28 tuổi) là một y tá gây mê ở Thâm Quyến, cho biết: “Chúng tôi sẽ phải làm việc nhiều hơn nữa để nuôi con và chúng tôi không muốn có thêm căng thẳng và áp lực vào lúc này. Cuộc sống không chỉ là việc lập gia đình, chất lượng cuộc sống cũng rất quan trọng. Vì vậy, hiện tại chúng tôi chỉ nuôi một con mèo thôi.”

Các bệnh viện đóng cửa khoa sản

Trung Quốc chưa công bố số liệu chính thức về việc đóng cửa khoa sản ở các bệnh viện. Hãng tin Reuters đưa tin trong tuần này rằng “nhiều bệnh viện ở Trung Quốc” đã ngừng cung cấp dịch vụ sản khoa trong năm nay.

Số ca sinh mới ở Trung Quốc giảm 5,7% xuống còn 9,02 triệu ca trong năm 2023.

Dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho thấy hiện tượng này không xảy ra đột ngột. Theo Reuters, từ năm 2020 đến năm 2021, số bệnh viện phụ sản đã giảm từ 807 xuống 793.

“Mùa đông sản khoa dường như đang đến một cách lặng lẽ”, hãng tin Daily Economic News của Trung Quốc đưa tin vào tuần trước. Tuy nhiên, hồi chuông cảnh báo đã vang lên từ lâu trong giới chuyên gia y tế và truyền thông Trung Quốc.

Vào tháng 9 năm ngoái, The Paper, một tổ chức truyền thông kỹ thuật số nhà nước có trụ sở tại Thượng Hải, đã xuất bản một báo cáo dài về việc đóng cửa các khoa sản, bao gồm các thành phố Ninh Ba và Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang, tỉnh Giang Tô, vùng Quảng Tây và thành phố Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông.

Theo The Paper, nhiều bệnh viện ở Quảng Đông cũng đã điều chỉnh các dịch vụ sản phụ khoa của họ, chẳng hạn như giảm giờ làm việc, bao gồm cả việc không bảo hiểm qua đêm và giảm những dịch vụ chăm sóc có thể được cung cấp vào những thời điểm khác.

Xem thêm >> Khi Trung Quốc bị thế giới chỉ trích, loạt tập đoàn lớn nhất toàn cầu cử CEO tới Bắc Kinh

Theo Aljazeera
Cùng chuyên mục
Tin khác