Tài chính quốc tế

Khi Trung Quốc bị thế giới chỉ trích, loạt tập đoàn lớn nhất toàn cầu cử CEO tới Bắc Kinh

(VNF) - CEO Tim Cook của Apple, Darren Woods của ExxonMobil và Noel Quinn của HSBC cùng tới Bắc Kinh để tham dự diễn đàn phát triển thường niên.

Gần 90 CEO và người đứng đầu các tổ chức đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến sẽ tham dự Diễn đàn cao cấp Phát triển Trung Quốc (CDF) 2024 được tổ chức tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh.

Các giám đốc điều hành của những tập đoàn lớn bao gồm CEO Tim Cook của Apple, CEO Darren Woods của ExxonMobil và Noel Quinn của HSBC cũng sẽ tham dự diễn đàn Davos phiên bản Trung Quốc tại Bắc Kinh vào cuối tuần này, trong bối cảnh quốc tế ngày càng chỉ trích rằng tình trạng dư cung công nghiệp của Trung Quốc có thể dẫn đến nhiều bất lợi đối với thương mại thế giới.

Giám đốc Apple Tim Cook tham dự lễ khai trương cửa hàng Apple mới ở Thượng Hải vào ngày 21/3.

Những người tham dự cho biết có nhiều CEO của các doanh nghiệp Mỹ sẽ tham gia sự kiện năm nay, một dấu hiệu cho thấy căng thẳng song phương giữa hai nước đã giảm bớt đôi chút sau khi giảm sút mạnh vào năm ngoái.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tới tham dự hội nghị hiện đang băn khoăn về việc liệu Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có tham dự sự kiện năm nay hay không.

Chưa có thông tin xác nhận nào về việc ông sẽ hủy hội nghị bàn tròn với các CEO như vẫn diễn ra theo mọi năm. Đây là một trong số ít cơ hội để các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài tiếp xúc với các quan chức chính phủ Trung Quốc tầm cỡ như ông.

Trong một tín hiệu rõ ràng ủng hộ sự kiện này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này đã có chuyến thăm hiếm hoi tới một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là liên doanh pin của tập đoàn hóa chất BASF của Đức ở miền trung tỉnh Hồ Nam. Chính quyền Trung Quốc mới đây cũng đã công bố kế hoạch 24 điểm để hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài.

Căng thẳng gia tăng

Công bố một báo cáo trong tuần này nêu chi tiết những nỗ lực của Trung Quốc nhằm “giảm thiểu rủi ro” cho nền kinh tế bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, đã kêu gọi các cuộc đàm phán ngay lập tức giữa các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc và EU để giải quyết vấn đề này.

Động thái này được cho nhằm ngăn chặn căng thẳng thương mại khi các nhà sản xuất châu Âu đấu tranh để cạnh tranh với các sản phẩm bán phá giá.

Trung Quốc xuất khẩu ô tô nhiều nhất thế giới trong năm 2023.

Ông cho biết tình trạng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp Trung Quốc là “trên diện rộng”. “Cần phải có một cuộc trò chuyện thực chất giữa EU và Trung Quốc về điều này”, ông Eskelund cho biết.

Ông Jon Harrison, giám đốc điều hành chiến lược thị trường mới nổi tại TS Lombard, nhận định rằng mô hình kinh tế dựa vào sản xuất của Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra căng thẳng thương mại mới, cho dù ông Joe Biden hay Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay.

“Sự leo thang hơn nữa là không thể tránh khỏi, đơn giản vì Mỹ và cả châu Âu sẽ không thể hấp thụ làn sóng hàng xuất khẩu sản xuất từ ​​Trung Quốc, dẫn đầu là các sản phẩm chuyển đổi xanh và công nghệ cao”, ông Harrison cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

CDF và hội nghị quốc tế hàng đầu khác của Trung Quốc là Diễn đàn Châu Á Bác Ngao trên đảo Hải Nam phía nam, thường diễn ra sau cuộc họp thường niên của quốc hội, nơi Đảng cộng sản Trung Quốc công bố các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm.

Mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 5% trong năm nay được các nhà phân tích coi là đầy tham vọng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1990 vào năm ngoái do sự phục hồi không mạnh mẽ như mong đợi sau lệnh phong tỏa thời đại dịch.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang lo lắng trước sự sụt giảm kéo dài của lĩnh vực bất động sản, làm suy yếu nhu cầu trong nước và tạo ra áp lực giảm phát, dẫn đến thị trường chứng khoán sụt giảm vào năm ngoái và chỉ bị chặn lại bởi sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước.

Trước diễn đàn, người ta chụp ảnh CEO Tim Cook của Apple đang đi dọc Bến Thượng Hải ở Thượng Hải, trong khi một cuộc phỏng vấn trên tờ China Daily cho thấy ông Cook là người ủng hộ từ thông dụng mới nhất mà các quan chức Trung Quốc thường dùng thời gian gần đây là “lực lượng sản xuất chất lượng mới”. “Tôi nghĩ đó là điều cần thiết và là tương lai”, tờ báo dẫn lời ông Cook.

Thuật ngữ “lực lượng sản xuất mới”, ám chỉ đến các ngành công nghiệp mới hình thành dựa trên những đổi mới và đột phá về khoa học và công nghệ, được giới chức trách Trung Quốc sử dụng thường xuyên như là giải pháp để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo ông Lin, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tham dự CDF có xu hướng đến từ các ngành dịch vụ tài chính, quản lý tài sản, dược phẩm sinh học và các ngành khác đòi hỏi quy mô và “quy tắc vẫn áp dụng là nếu bạn không có chiến lược Trung Quốc thì bạn không có chiến lược toàn cầu”.

Còn theo ông Eskelund, những doanh nghiệp tham gia CDF sẽ tìm kiếm câu trả lời từ các nhà hoạch định chính sách về những thách thức chính mà nền kinh tế phải đối mặt, bao gồm tình trạng dư cung, nợ của chính quyền địa phương và tương lai của cải cách.

Xem thêm >> Tim Cook ‘tấn công quyến rũ’ Trung Quốc để vực dậy doanh số iPhone

Tin mới lên