Ông Trịnh Văn Quyết giải bài toán bay thẳng Việt-Mỹ: Dùng Boeing 787-9, bán vé 1.300 USD, lãi 8,4 tỷ

Trần Lưu - 01/08/2019 18:53 (GMT+7)

(VNF) - Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways, cho biết trong kinh doanh ngành hàng không, bản thân ông thích nhất sự minh bạch, sự chính xác của từng con số và không có số liệu nào có thể khai khống lên được.

VNF
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways

Phát biểu tại tọa đàm "Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" tổ chức chiều 1/8, ông Trịnh Văn Quyết bộc bạch: "Nhiều người nói Bamboo mở đường bay đi Mỹ là không khả thi và chém gió. Nhưng tôi là người nói nhiều nhưng làm nhiều hơn nói và làm gấp nhiều lần nói.

Ông Quyết nói rằng bản thân ông rất thích thú về số liệu chính xác trong lĩnh vực kinh doanh hàng không bởi những số liệu này hoàn toàn không thể khai khống và sai lệch được bởi có sự giám sát của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải.

Phân tích về những cơ hội của việc có đường bay thẳng Việt - Mỹ, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng dân số Việt Nam gần 100 triệu dân còn Singapore chỉ có 5,8 triệu dân. Sinpagore Airline phải đi kiếm khách trên cả thế giới trong đó có cả Việt Nam trong khi người Việt ở một bang như Cali đã bằng nửa dân số Singapore, không có lý do gì bay thẳng Việt - Mỹ không tiềm năng, không có khách hàng.

Câu chuyện lỗ - lãi khi mở đường bay thẳng Việt - Mỹ cũng được ông Quyết tính toán một cách rất rõ ràng.

Cụ thể, Bamboo Airways dự tính sử dụng máy bay Boeing 787-9 cho đường bay thẳng Việt – Mỹ. Trong trường hợp hãng chưa nhận được máy bay đặt mua, Bamboo Airways sẽ phải thuê với chi phí 1 triệu USD mỗi tháng, tương đương 23 tỷ đồng.

Nhiên liệu tiêu tốn cho mỗi chuyến bay khứ hồi Việt - Mỹ vào khoảng 175 tấn, tương đương với 61 tỷ đồng/tháng; chi phí kỹ thuật là 700.000 USD, tương đương khoảng 16 tỷ đồng/tháng; chi phí dịch vụ mặt đất khai thác khoảng 1 tỷ đồng/tháng, chi phí khác khoảng 6 tỷ đồng/tháng...

"Tổng cộng chi phí cho một chiếc Boeing 787-9 bay thẳng Việt - Mỹ mỗi tháng rơi vào khoảng 130 tỷ đồng", ông Quyết nhẩm tính.

Về nguồn thu, ông Quyết ước tính mỗi chuyến bay có thể chở theo trung bình 240 khách (một chiếc Boeing 787-9 có tối đa 310 ghế). Nếu hãng bán vé với giá 1.100 USD thì một tháng hãng thu về 116,3 tỷ đồng, tức là hãng lỗ khoảng 14 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu giá vé tăng thêm 200 USD, tức là 1.300 USD/khách/chuyến khứ hồi Việt - Mỹ thì chắc chắn sẽ có lãi, với con số rơi vào khoảng 8,4 tỷ đồng.

Trên thực tế, mức giá vé có lãi này của Bamboo Airways vẫn thấp hơn giá vé bay đi Mỹ của các hãng hàng không nước ngoài khác như Japan Airlines (Nhật Bản) hay Cathay Pacific (Hong Kong).

Với máy bay Airbus 350, ông Trịnh Văn Quyết công bố con số đã tính toán sau khi trừ hết chi phí đi thì Bamboo Airways có thể lãi 28 tỷ đồng.

"Thậm chí, nếu chúng tôi giảm số chuyến bay, dồn khách thì số lãi còn lớn hơn thế nữa. Trong trường hợp hãng phải bay qua nước thứ 3 như Hàn Quốc hoặc Nhật Bản thì số lãi còn lớn hơn nhiều, bởi khi đó hãng có thể “vợt” thêm được khách, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều so với bay thẳng", ông Quyết khẳng định.

Ông Quyết cũng cho biết ban đầu hãng có thể chịu lỗ để thu hút khách hàng nhưng sau đó sau khi chứng minh được khả năng bay an toàn, bay đúng giờ cũng như chất lượng dịch vụ, Bamboo Airways sẽ nâng giá vé lên để có lãi.

Được biết, Bamboo Airways đã kí hợp đồng thuê tàu bay Boeing 787-9 từ lâu nhưng đang phải đợi cấp phép từ Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không. Dự kiến tháng 10 hoặc tháng 12 năm nay, Bamboo Airways sẽ nhận tàu bay 787-9 đầu tiên.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.