Ông Trump vắng mặt tại APEC, Phó tổng thống Mike Pence sẽ ứng phó thế nào với Trung Quốc?

Hoàng Lan - 12/11/2018 09:52 (GMT+7)

(VNF) - Hai hội nghị thượng đỉnh lớn của châu Á là Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN & Đông Á (EAS) và Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương sẽ được khởi động trong tuần này với sự vắng mặt của một nhân vật đáng chú ý: Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Phó tổng thống Mike Pence sẽ đi thay ông Trump.

VNF
Phó tổng thống Mike Pence sẽ tham dự APEC tại Papua New Guinea thay ông Trump

EAS được tổ chức tại Singapore từ thứ Ba (12/11) đến thứ Năm (14/11). Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm bởi các thành viên của ASEAN. Các phiên họp sẽ giải quyết đa dạng các vấn đề từ tranh chấp lãnh thổ, thương mại, trao quyền cho phụ nữ đến buôn bán động vật hoang dã.

Sau Singapore, các nhà lãnh đạo sẽ đến Papua New Guinea để tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Sự kiện này bao gồm các bài phát biểu tập trung vào vấn đề kinh tế và thương mại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là một trong số các nhà lãnh đạo sẽ tham dự các cuộc họp tại Singapore. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chỉ tham dự diễn đàn APEC tại Papua New Guinea.

Việc ông Trump vắng mặt tại APEC đồng nghĩa thế giới sẽ không chú ý nhiều đến nội dung các cuộc họp, thay vào đó dành sự quan tâm cho các sự kiện bên lề. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Tổng thống Trump có thể là cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây chú ý với thế giới.

Phó Tổng thống Pence sẽ làm gì để thể hiện thiện chí?

Bài phát biểu tấn công Trung Quốc của Phó Tổng thống Pence vào tháng trước đã khiến Bắc Kinh nghi ngờ Mỹ đang ngầm tuyên bố về một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Điều này khiến ông không thể dàn xếp các cuộc họp với quan chức Trung Quốc. Tuy nhiên, đây có thể là chất xúc tác cho cuộc họp của ồn Trump với Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng 11.

Trong lịch sử, chưa có vị Tổng thống Mỹ nào vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh châu Á, tình hình dường như tồi tệ hơn với ông Trump. Những câu hỏi thiếu tế nhị và dai dẳng của ông Trump về giá trị của các đồng minh của Mỹ từ Thế chiến thứ II làm gia tăng quan ngại về cam kết lâu dài của Mỹ khi đối mặt với một Trung Quốc ngày càng mạnh.

Trong một công bố về chuyến đi, Nhà Trắng cho biết Pence sẽ “đưa thông điệp Mỹ không chấp nhận chủ nghĩa độc tài, bành trướng và coi thường chủ quyền của các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”.

Những thông điệp nào sẽ được đưa ra?

Một Hiệp ước thương mại giữa 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương với sự hậu thuẫn của Trung Quốc có thể được thông qua. Hiệp ước này được biết đến như một thoả thuận hợp tác kinh tế toàn khu vực (RCEP), được đàm phán từ năm 2013. Trung Quốc đang nỗ lực hoàn thành thoả thuận này trong năm nay. Tuy nhiên, Ấn Độ đang phản đối thoả thuận này.

Bên cạnh đó, Singapore muốn thông báo tiến độ đàm phán quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc trên biển Đông, nơi đang diễn ra các tranh chấp liên quan đến chủ quyền. Việc đàm phán đã diễn ra hơn một thập kỉ nhưng chưa đạt được bất kỳ thoả thuận mang tính ràng buộc pháp lý nào.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến nhân quyền như người Hồi giáo thiểu số Rohingya tại Myanmar hay những người Hồi giáo thiểu số Uighur tại Trung Quốc cũng được đưa lên bàn nghị sự.

Điều bất ngờ nào sẽ xảy ra?

Bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Putin với Phó tổng thống Pence hay cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton -  người vừa có cuộc gặp với lãnh đạo Nga tại Moscow hồi tháng trước đều đáng chú ý.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad dự kiến sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC tại Papua New Guinea. Nhà lãnh đạo 93 tuổi này không ngần ngại thảo luận về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc, cũng có thể sẽ bình luận về cuộc điều tra 1MDB (vụ án tham nhũng liên quan tới cựu thủ tướng Datuk Seri Najib Abdul Razak) đang diễn ra.

Cùng chuyên mục
Tin khác