Diễn đàn VNF

PGS. TS Hà Đình Đức: Nếu khả thi, dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên sẽ là ‘dấu ấn nghìn năm’

(VNF) - Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” nhận được nhiều ý kiến quan tâm của dư luận xã hội, các nhà khoa học, chuyên gia.

PGS. TS Hà Đình Đức: Nếu khả thi, dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên sẽ là ‘dấu ấn nghìn năm’

PGS. TS Hà Đình Đức.

Như VietnamFinance đã thông tin, mới đây, Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã gửi công văn tới Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về việc đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch”.

Trao đổi với VietnamFinance về tính khả thi của đề xuất trên, PGS. TS Hà Đình Đức cho hay: “Dự án có khả thi hay không phải chờ sau cuộc hội thảo có đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và các nhà quản lý”.

Tuy nhiên, PGS Hà Đình Đức cũng hoàn toàn ủng hộ nếu dự án khả thi. “Nếu dự án có thể thực hiện được thì đây có thể xem là dấu ấn nghìn năm chứ không phải dấu ấn trăm năm của Hà Nội”, ông Đức đánh giá.

Sông Tô Lịch là một sông cổ của tứ giác nước Thăng Long. Ngày trước, hai bên bờ sông buôn bán tấp nập. Từ khi bị lấp, sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố, bị ô nhiễm nặng. Từ cuối những năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm.

Sau trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11/2008, người dân ở Hà Nội đã được chứng kiến nước sông Tô Lịch "trong vắt" như xưa. Khi đó, sông Tô Lịch bị nước mưa làm loãng bớt bùn, dâng cao hàng mét, cuồn cuộn chảy. Trận lụt đó đã làm sông Tô Lịch sạch sẽ trở lại chỉ trong vòng vài tuần lễ.

PGS Hà Đình Đức cho biết vào thế kỷ 17, các nhà buôn phương Tây vẫn đi lại trên sông Tô Lịch. Tuy nhiên, càng ngày, việc các đô thị phát triển đã bó hẹp sông Tô Lịch dần. Đến nay, sông Tô Lịch đã trở thành cái rãnh thoát nước của Thụy Khuê.

Được biết, sông Tô Lịch dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở TN&MT Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.

Theo PGS Hà Đình Đức, để làm sông Tô Lịch “sống lại” thì việc đầu tiên phải xử lý triệt để nước thải, sau đó phải tạo thành một dòng chảy. Còn nếu không thì cuối cùng con sông này cũng sẽ “chết”.

Cùng quan điểm với PGS Hà Đình Đức, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, khôi phục sông Tô Lịch được một phần nào đó trong điều kiện cho phép đã là điều rất đáng hoan nghênh.

Theo ông Quốc, sông Tô Lịch không chỉ là vấn đề môi trường, bởi nếu tiếp cận về mặt tâm linh, sông Tô Lịch từ xa xưa có vị thế rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thăng Long Hà Nội xưa, nó đã từng được coi là vị Thành Hoàng.

Về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh", dự án dự kiến sẽ thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2021-2026. Phương án tài chính cũng như dự kiến tổng mức đầu tư sẽ được công bố sau khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Phạm vi công việc của dự án không tác động đến khu dân cư dọc chiều dài 2 bên sông.

Việc cải tạo theo kích thước thực tế các khu vực được triển khai như sau: xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ (kè thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay, sau đó kè đáy khu vực sát 2 bên bờ sông tạo hành lang đi dạo, không kè đáy sông mà để tự nhiên;...

Phần xử lý ô nhiễm bên trong (mùi, bùn đáy, chất ô nhiễm hữu cơ) sẽ sử dụng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai), CH4,...

Ngoài ra, phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước bổ cập sẽ kết hợp đồng bộ với các dự án mà thành phố đã và đang triển khai như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau khi xử lý của dự án hệ thống nước thải Yên Xá, đảm bảo không chồng chéo dự án để tránh lãng phí đầu tư.

Cùng với đó, dự án cũng dự kiến xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm ngầm thoát lũ chống ngập tương tự hệ thống tại Tokyo (Nhật Bản) cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch.

JVE và liên danh tổng thầu Nhật Bản tuyên bố rằng họ cam kết không có bất cứ yêu cầu, điều kiện ràng buộc nào với thành phố.

Tin mới lên