Biến sông Tô Lịch thành công viên: 'Sẽ kiến nghị lên Thủ tướng, Chủ tịch nước nếu Hà Nội không đồng ý'
Trần Lưu -
22/09/2020 15:46 (GMT+7)
(VNF) - Trả lời câu hỏi của VietnamFinance về phương án nếu Hà Nội không chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch”, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) khẳng định sẽ gửi kiến nghị lên Thủ tướng và của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) tổ chức buổi chia sẻ thông tin về giải pháp cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
JVE đề xuất cải tạo sông Tô Lịch như thế nào?
Theo tài liệu gửi đến báo giới của JVE, dự án “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” do doanh nghiệp này liên danh cùng một trong những tổng thầu lớn nhất Nhật Bản. Thời gian dự kiên thực hiện dự án là trong khoảng từ 2021-2026. Tổng mức đầu tư, phương án tài chính, cùng đơn vị liên danh vẫn chưa được JVE tiết lộ.
JVE cho biết, phạm vi của dự án này sẽ không tác động đến các khu dân cư dọc chiều dài 2 bên sông. Đơn vị chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ (kè thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay, sau đó kè đáy khu vực sát hai bên bờ sông tại thành hành lang đi dạo), không kè đáy lòng sông mà để tự nhiên.
Để xử lý mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm, JVE cho biết sẽ sử dụng công nghệ bio-nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai), CH4...
Về phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước trở lại cho dòng sông, JVE cho biết sẽ phối hợp với các dự án mà TP. Hà Nội đã và đang triển khai như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước trở lại bằng nước sau xử lý của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đảm bảo không chồng chéo dự án để tránh lãng phí chi phí đầu tư.
JVE cũng cho biết sẽ tiến hành xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm thoát lũ, chống ngập tương tự các hệ thống tại Tokyo (Nhật Bản) cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch.
Theo tiết lộ của phía JVE, hiện tại doanh nghiệp này chỉ mới trình các thủ tục và hồ sơ xin Thành ủy, UBND TP. Hà Nội chấp thuận "chủ trương nghiên cứu dự án". Sau khi được chấp thuận chủ trương nghiên cứu, phía doanh nghiệp sẽ lập báo cáo tiền khả thi một cách chi tiết hơn và sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin hơn về dự án này.
Sẽ kiến nghị lên Thủ tướng, Chủ tịch nước nếu Hà Nội không đồng ý chủ trương
Xoay quanh vấn đề dư luận quan tâm về việc JVE có đang sử dụng dự án này để thu lợi nhuận, đánh bóng tên tuổi hay không, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE nhấn mạnh phía công ty không làm giàu hay kiếm tiền từ sông Tô Lịch.
“JVE và liên danh tổng thầu Nhật Bản không có bất cứ yêu cầu, điều kiện hay ràng buộc nào với thành phố, ví dụ đòi ưu đãi thuế hay phải được kinh doanh, khai thác dịch vụ có thời hạn như một doanh nghiệp khác đã từng đề xuất”, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Chính vì vậy, ông Tuấn Anh cho rằng không có căn cứ nói rằng dự án vẽ ra yếu tố tâm linh để kinh doanh như một số nơi bị biến tướng. Lãnh đạo JVE cho biết dự án sẽ do các cơ quan ban ngành của TP. Hà Nội quản lý, vận hành sau khi được hoàn thành.
"Nếu vì lợi nhuận thì JVE và đối tác Nhật Bản sẽ chọn hướng đầu tư khác chứ không chọn dòng sông Tô Lịch này vì đây là khu vực hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng tới Thủ đô Hà Nội và cả nước, được dư luận quan tâm từ bấy lâu nay", ông Tuấn Anh lý giải.
Trả lời câu hỏi của VietnamFinance về phương án nếu Hà Nội không chấp thuận chủ trương dự án, Chủ tịch HĐQT JVE quả quyết: "Hà Nội chưa phải là cơ quan hành chính cao nhất của Việt Nam, do đó, nếu không được chấp thuận, chúng tôi sẽ kiến nghị lên Thủ tướng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Không thể để việc Nhật Bản sang đây dâng cả vốn, cả công nghệ mà nói không làm được".
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone