Phác họa chân dung làng biển
(VNF) - Làng biển quê tôi có tên gọi ngày xưa là: Kim Đôi – nghĩa là Gò Vàng. Và tôi, đã viết những câu thơ về biển, về tâm thức biển: “Nhúm rau thai của tôi không chôn kịp góc vườn - Mẹ đã ném cả đầm đìa xuống biển - Mái chèo bắt đầu biết lật khúc ầu ơi...”.
Khúc ầu ơ, khúc ru ấy mang cả đậm đà mặn mòi vị văn hóa biển. Một văn hóa có bề dày từ kinh nghiệm sống với bao trải nghiệm, với bao chắt lọc đúc kết: “Tháng ba trong nước em ơi – Bớt cơm anh lại mà nuôi mẹ già”; Hay “Tháng bảy nước chảy lo le” và “Tháng chín nhịn đi buôn”. Nghĩa là tháng ba, tháng bảy và tháng chín dân biển quê tôi vào mùa giáp hạt vì trong nước cá xót mắt và khi nước chảy xiết khó đánh bắt. Tôi cũng đã từng viết những câu thơ về cha với bao ám ảnh biển: “Tôi nhổ sợi tóc sâu của cha tôi màu cước – Câu tuổi thơ mình đã tuột khỏi vòng tay”.
Cuộc đời của cha người ngư dân lực lượng quen ăn sóng nói gió: “Tuổi hai mươi xoay tròn trong thuyền thúng” hay “Cuộc đời chỉ mấy thước dây – Kéo đi kéo lại mòn tay vẫn còn”. Sợi dây neo ấy đã neo họ với biển khơi sâu thẳm, với bão táp phong ba, với miếng cơm manh áo. Họ đo độ dài dây neo không bằng đơn vị mét mà bằng sải tay bơi của mình.
Và chân dung làng biển quê tôi bắt đầu từ “Ngôi nhà cửa bể”. Trong ký ức tôi thường nhớ về những ngôi nhà xưa của làng chài quê tôi quen gọi là: nhà cửa bể.
Tôi thích chữ “bể” hơn là chữ biển. Dâu bể bao biến thiên bồi lở. Bể (vỡ) để lành, thiếu hụt để tròn đầy. Tôi thuộc vào thế hệ U60 còn nhớ như in trong ký ức những nếp nhà người cửa bể. Tường nhà người cửa bể vách xây bằng đá bên núi Nam Giới hay gạch đất trát bằng vôi đun từ những vỏ sò, vỏ ốc trộn với mật mía và cát với một tỷ lệ pha trộn lâu đời bởi hiếm có xi măng. Thế mà những tường những vôi ấy vẫn trụ lại đến bây giờ. Đôi lúc tôi có cảm giác hình như trong mạch vữa xây đó có cả tiếng âm âm của sóng biển dạt dào, đôi khi nguyên một vỏ ốc, vỏ sò như con mắt sóng động nhìn mình không chớp. Nếp nhà người cửa bể còn có cả “nhà thuyền”.
Những con thuyền ván cong xếp lớp nhau như sóng biển dồn vào bờ. Dựng thuyền xong lại lo cột buồm, lo neo, hai mũi thuyền chạm khắc như hai con mắt cá lấp lánh. Tôi mới hiểu vì sao câu hát đồng dao của trẻ con làng biển “Mắt cá mọc ở chân – Dắt em đi khỏi lạc” thì đây là mắt thuyền, dẫn thuyền đi khỏi lạc, khỏi lạc cả nếp ăn nếp nghĩ nếp đối nhân xử thế. Xuống nhà thuyền cũng phải tuân theo phong tục “Xuống thuyền kiêng hút sáo”. Hình như đời biển không dễ dàng không dễ lạc quan tếu mà phải đổi cả máu mồ hôi nước mắt để bòn từng con tôm con cá.
![](https://i.ex-cdn.com/vietnamfinance.vn/files/news/2025/01/28/cho-viet-xua-nay-1644217397814881828094-15-0-397-611-crop-1644217403105535234937-194031.jpg)
Ở biển có một loại cây trồng giữa biển khơi đó là cây rạo. “Cây rạo” làm bằng những thân cây tre to và thẳng. Dây rạo được chọn bằng dây mây có độ dẻo cao càng xoắn càng dẻo, càng xoắn càng chắc. Hình như giữa biển và rừng luôn có một sợi dây bí ẩn liên hệ với nhau bền chặt keo sơn như ông bà ta đã từng 50 con lên rừng, 50 con xuống biển trong truyền thuyết “Mẹ Âu Cơ”.
Thật lạ trên rừng có tên loài thú nào thì phần lớn dưới biển đều có tên loài cá ấy như: cá voi, cá bò, cá chim, cá heo, hải cẩu (cá chó), cá dơi, cá chuồn. Chọn vật liệu để làm cây rạo cũng khá công phu, họ phục vào các làng quê để chọn tre chọn theo mùa lúc tre dẻo dai và ít bọt nhất. Lá muồng buộc vào thân tre thì tìm ở trên rừng. Muồng lá dài, xanh nhọn và rậm rạp chịu đựng được độ mặn dưới biển càng ngấm càng bền ít rách. Ngọn rạo, ngọn tre ló lên mặt nước vài ba mét, tất cả những bó muồng được quấn quanh cây rạo và nối với một tảng đá to thả xuống biển. Có những cây rạo vàng như một chum gạo có sẵn cứ ra đó mà xúc mang về.
Có một thức uống không thể thiếu được đã làm nên hình hài và cả bầu máu nóng nhiều nhiệt huyết của người dân biển đó là rượu mà tôi gọi đó là “rượu ngư phủ”. Trước hết rượu này được nấu bằng nước chảy từ cái khe trong vắt bên núi Nam Giới. Hao Hao lạ lắm người uống rượu say chỉ cần một bát nước khe Hao Hao là tỉnh như sáo.
Dân biển thích ăn gỏi cá. Tôi đã từng được thưởng thức những bữa gỏi cá trích tươi sốt trên thuyền sau đêm kéo lưới nặng vó. Cá trích lấp lánh ánh bạc được người “nuôi quân” dùng lưỡi dao mảnh xắt lật từng lát mỏng đem ướp với các gia vị mang theo như chanh, ớt, hạt tiêu, hạt lạc và các loại rau thơm bóp nhuyển từ tai tái và chín. Nhưng muốn gỏi ngon thì phải là những bàn tay ấy, bàn tay ngư phủ sần sùi những vết chai, những vết sẹo, ngấn vòng như chiếc nhẫn cước cứa vào ngón tay câu cá thật sâu.
Kiểu uống rượu của ngư phủ cũng lạ. Không chén cũng chẳng bát sai khi thuyền chao đảo sóng lớn rượu sẽ tràn ra hết. Họ sáng tạo một kiểu chén rượu đặc biệt đó là chiếc be nhựa hoặc thủy tinh mà nắp be được gắn với một uống hút. Người “nuôi quân” đổ đầy rượu vào các be và cắm uống hút phân phối đủ cho các thuyền viên ngồi vòng tròn cứ thế mà “hút rượu”. Có lẽ đây là hình thức rượu cần khá độc đáo.
Tôi nhiều lần quan sát khi ăn cá họ gắp hết phần nữa cá trên còn kẹp với xương nhưng không bao giờ lật cá lên vì sợ thuyền bị lật. “Rượu ngư phủ” ít khi ngâm với các loại thuốc bắc. Tất cả đều tinh khiết, trong veo sủi tăm như tăm cá. Tôi cứ nghĩ trong dòng máu của họ có nhiều tăm như tăm sóng, cứ li ti cứ dào dạt cứ mênh mông chứ không phải tăm mỡ máu dính bệt vào hồng cầu.
Trong chân dung làng biển tôi rất mê một con người mà dân làng gọi là “sói biển”. Ông năm nay đã hơn trăm tuổi nhưng còn tinh anh lắm. Nhất là đôi mắt luôn ngước nhìn xa nhấp nhánh ánh nắng. Ông thường leo lên cột buồm như con thú rình mồi để nhìn màu nước mà đoán dưới đó đàn cá nào đang di chuyển. Khi màu nước chuyển từ xanh thẳm sang đỏ thẳm đó là mẻ ruốc đang áp lộng.
Khi nghe tôi hỏi: Gia tài đi biển của ông là gì. Ông cười chỉ tay vào chiếc rương gỗ vuông mà thời gian và nước biển mặn mòi đã đánh bóng. Không biết cái rương này làm bằng gỗ gì mà khi khoác lên người thì nhẹ bẫng rơi xuống nước thì các thớ gỗ lại nở ra gắn khít mạch thành cái phao cứu sinh hoàn hảo.
Tôi tò mò mở cái rương ra trong đó có nhiều ô vuông. Mỗi ô đựng một đồ chuyên dụng của nghề câu như các loại cước, các loại lưỡi câu từ nhỏ đến to và các loại chì đủ kiểu và kích thước. Lại có ô đựng thuốc rê, bật lửa. Khi đã ra ngoài khơi ông chỉ chiếc quần đùi, ngực trần đỏ au cuộn lên các múi gân. Mùa rét ông chống lạnh bằng cách uống một tô nước mắm cốt màu cánh gián các lỗ chân lông của ông rịn ra mờ mờ một lớp sương cũng màu cánh gián, các mao mạch được ủ nóng và ướp bằng sức ấm của nước cốt cá. Trong cái rương gỗ của ông có một ngăn nắp đậy vuông vắn để chiếc đài nhỏ chạy pin hằng ngày ông nghe dự báo thời tiết và các chương trình dân ca nhạc cổ.
Thật lạ người ngư dân miền biển quen sóng phóng khoáng đối diện với bão táp lại rất mê các làn điệu vọng cổ da diết, Trong câu chuyện thỉnh thoáng ông già ngư phủ hay đọc to lên các câu dao thành ngữ dù ngậm ngùi oán trách thân phận nhưng lại chứa đầy những liên tưởng bất ngờ: “Thương vài thằng khố bần – Cực vài thằng khó chạc – Giọt mưa ơi lác đác – Ướt chi được lá môn”.
Có lẽ, sự cộng hưởng từ tầm nhìn mênh mông với biến đổi bất thường sóng gió hay nỗi nhớ sóng sánh đất liềnlà những luyến láy dìu dặt để đối trọng cân bằng. Và trước mắt tôi ông già “sói biển” đó chính là một phần máu thịt chân dung làng biển là gia tài của biển như câu thơ tôi đã viết: “Những người đàn ông ném chiếc phao vào tăm cá mù khơi – Đó là đồng tiền lẻ họp tiêu dần trên biển - Điếu thuốc rê rứt những kí ức buồn vấn những ngày ám khói - Chỉ có rượu giữ lại cho họ sức lực trai tráng – Lại một mũi phao nước chúi vào bóng nước – Cầu vồng bắc qua tuổi tác của mình”.
Chợ Việt xưa và nay: Chợ cá làng biển Kim Đôi
- Quỳnh Viên: Nơi hội tụ nhân duyên 28/01/2025 03:30
- 'Làng biển' sinh lời hấp dẫn ở Nam Phú Quốc 16/09/2017 05:46
- Ước vọng Cần Giờ: Cực kinh tế biển lớn nhất nước 26/01/2025 10:00
Ngày vía Thần tài: Giá vàng nhẫn có nơi 'chém' tới 9,2 triệu đồng
(VNF) - Trong không khí sôi động của ngày vía Thần Tài, khảo sát thị trường cho thấy giá vàng nhẫn trơn dao động từ 8,77 triệu đồng đến 8,85 triệu đồng mỗi chỉ, nhưng tại một số điểm, giá lên tới 9,2 triệu đồng.