Chợ Việt xưa và nay: Chợ cá làng biển Kim Đôi

Nguyễn Ngọc Phú - 31/01/2022 19:29 (GMT+7)

(VNF) - Làng biển quê tôi là làng Kim Đôi – nghĩa là Gò Vàng. Mũi gò cát vàng nhô ra sông Sót Hải, nước sâu thẳm tạo thành cảng cá biển Cửa Sót lớn nhất Hà Tĩnh. Tàu thuyền đánh bắt cá từ các ngư trường về cập bến cảng kể cả các tàu mang biển số miền Nam như: Bình Định, Quảng Ngãi... và phía Bắc như: Thanh Hóa, Nghệ An... Chợ cá làng biển Kim Đôi quê tôi trở thành một đầu mối “phân luồng” cá đi các nơi với muôn kiểu phương tiện , muôn kiểu giao dịch khác linh động và phù hợp sáng tạo để “khơi th

VNF
Chợ cá làng biển Kim Đôi.

Chợ cá quê tôi còn gọi là chợ Gò họp ngay trên gò cá. Thuyền về từ 3-4 giờ sáng cập bến cá tươi được đưa lên gò, người mua người bán thường dùng đèn pin để soi. Những mớ cá còn tươi roi rói, những con mực hai mắt như còn nhóng nhánh chấp chới; kẻ bán, người mua trao nhau cá tươi, tiền tươi. Họ giao dịch với nhau ước chừng theo khay, theo mớ. Các ngư phủ nhìn thành quả lao động của mình thật hài lòng rít thuốc và niềm vui của họ được nhân lên khi loáng một cái chợ cá đã họp xong tản về các nơi. Chứng tỏ những mẻ cá đêm qua thật ngon bán được giá. Các “ô” chợ được phân vùng riêng bán các loại cá riêng.

Và người đi chợ “buôn có bạn, bán có phường”, họ thường là những người đã quen nhau vì thế ước lượng mua bán giá cả cũng sòng phằng và nhanh chóng. Lại có những chợ cá họp tạm gọi là “chợ Đón” nghĩa là một nhóm người tụ tập nơi một vệ đường nào đó có bóng mát cây xanh, họ dựng tạm lên một cái lều tranh và quạt cá nướng bán cho khách qua đường đi lại.

Những mẻ cá nướng còn hôi hổi nóng, bóng loáng mỡ theo ngọn gió đồng quê, kích thích con tì, con vị lắm lại được gói vào lá chuối vườn thật bắt mắt. Các dòng cá cứ thế lên xe máy lên chợ tỉnh, chợ huyện (chợ xa) còn xe đạp thì “ chảy” vào các thôn xóm chợ cá cứ thế “di động” chuyển chổ neo đậu lại những nơi cần bán rồi lại nhổ sào di chuyển đến nơi khác.

Lan man chợ cá biển làng tôi nhiều khi tôi nghĩ đến đời chợ và đời người. Có những con người số phận gắn với chợ cá và chỉ bán một hoặc hai loại hải sản riêng biệt, đặc biệt mà mình quen thuộc đã lâu. Ví như có bà Chắt Bảy chuyên bán tôm biển từ tôm hùm đặc sản đến tôm tít, tôm đáy có sọc như ngựa vằn. Các ngư phủ đánh bắt được tôm ngoài biển hay tôm đóng đáy trên sông đổ ra cửa lạch biển đều bán cho bà. Bà ngồi một vị trí từ tháng này qua năm khác định vị đời mình ở đó đến nỗi mọi người còn gọi bà bằng cái tên bà “Bảy Tôm”.

Bao lớp tôm qua tay bà và chỉ có bà bằng độ mẫn cảm kinh nghiệm của mình qua năm tháng, xác định nhanh chóng chất lượng và ngư trường đánh bắt các loại tôm này. Trên tường nhà bà treo rất nhiều vỏ tôm hùm luộc đỏ au, có con to phải vài ba ký mà ngư phủ lặn xuống bắt ở rạn đá. Bức tường như một bảo tàng tôm còn tuổi tác của bà ngày càng đi thụt lùi lưng bà ngày càng võng xuống cong như... tôm.

Rồi đến đời con gái của bà cũng chỉ buôn tôm và cũng chỉ ngồi ở vị trí của mẹ ngày nào. Những con tôm có số phận búng giật thót mình thì đời người bán tôm cũng thon thót búng tanh tách có khi dựng râu tôm hệt như một ăng – ten để “đo nhiệt” giá cả của hải sản và đời thường.

Gần đây ở chợ cá làng tôi có một loại cá mới là Cá xe. Đó là khi quê tôi “biển xanh chảy máu trắng” cạn dần cạn kiệt các loại cá. Đó là khi tai họa ập đến bởi lòng tham con người sục sạo đến tận ngôi nhà “cây rạo” ngõ hẻm của cá. Bắt đầu từ những tiếng nổ mìn dựng những cột nước như tượng đài trắng. Cá lật bụng trôi từng thảm trắng mắt lờ đờ mở to bàng hoàng như chưa biết việc gì xảy ra khi bị sức ép của thuốc nổ dựng dậy đến chết không nhắm mắt được.

Rồi những chiếc tàu đánh cá bật những chùm ánh sáng trắng đèn cao áp mắt cá không chịu được phải lồi ra và vùng vẫy hàng đàn lảo đảo say đèn, say ánh sáng như người say thuốc lào thế là vào bẫy lưới đã đặt sẵn. Cái giới hạn tột cùng của lòng tham của sự đánh bắt “ăn xổi ở thì” phản khoa học tạo ra hiệu ứng: Biển sạch dần cá. Khi cá áp lộng vào bờ đẻ trứng thì đã có dàn lưới mắt nhỏ dàn sẵn quây hết lũ cá con không cho nó kịp trưởng thành như loại cá “cơm bún” nghĩa là cá cơm li ti chưa mở mắt như sợi bún đã bị vớt sạch.

Chợ cá làng tôi bên cạnh tiêu thụ ngư trường cá đánh bắt về còn là đại lý khổng lồ tiêu thụ cá xe chở các nơi khác về. Cá xe có một đường dây liên lạc khá đặc biệt. Trước hết dân quê tôi xây nhà kho đông lạnh trang bị máy móc khá hiện đại với hàng trăm khay đựng cá và chủ hàng liên hệ với các tỉnh khác đặc biệt là các tỉnh phía Nam ngư trường còn nhiều cá. Và từng khay cá mới đánh bắt được xếp lên xe bon bon về nhập kho ở đây. Để bảo quản cá với thời gian dài họ phải ướp cá với đá cùng loại hóa chất pha trộn để giữ độ tươi cá không ươn. Lạ thay, nhìn con cá tuy thân hình hơi cứng nhưng rất đẹp mã, thế nhưng đám ruồi tham ăn gặp “cá xe” cũng phải bái chào không ngó nghiêng gì.

Tôi thử làm một phép tính đơn giản: Khi con cá xe đến được với người tiêu dùng đã phải gánh trên mình bao nhiêu giá gọi là “đội giá”. Bắt đầu tính giá tiền con cá được đánh bắt từ biển về nhập kho đông lạnh sau đó khay cá được xếp lên thùng xe chở về đây qua quảng đường dài gánh thêm giá vận chuyển xăng dầu chưa kể giá làm “luật” trên đường. Đến chợ cá làng tôi, cá nhập kho đông lạnh thêm giá lần nữa và bán cho dân buôn chợ cá. Dân buôn nướng cá lại tăng thêm giá. Cá nướng xong, lên xe vận chuyển chủ yếu là xe máy, xe đạp đến các chợ quê hay vào các ngõ xóm thôn để bán.

Cứ thế một con cá phải “gánh” trên mình bao nhiêu giá mới đến được mâm cơm đạm bạc của người dân mà hải sản muôn đời là món ăn yêu thích. Trải qua những cuộc bể dâu, dân làng biển quê tôi giờ có câu: “Cá xe đè có vó” đè lên các cuộc mưu sinh với muôn nẻo đường đời gập ghềnh hơn cả lò xô ngọn sóng bạc đầu giữa muôn trùng biển khơi.

May thay chợ cá làng tôi nay vẫn còn giữ được cái hồn cốt, tâm tính của người dân biển phóng khoáng, cởi mở, chân thật. để dù có bán cá cũng không pha tạp vị tanh vị ươn mà luôn luôn bền chặt – tươi như vị mặn mòi sóng biển muôn đời. Mẹ tôi giờ đã già, bà chỉ có hai thú vui lên chùa tĩnh lặng để lần tràng hạt thời gian và đếm tiếng mõ tụng kinh. Thứ nữa là bà thích ra chợ cá để được nghe tiếng người, tiếng chợ lao xao để được sống lại những phiên chợ trong kí ức.

Trong bài thơ “Mẹ đi chợ chiều” tôi đã viết: “Chợ chiều họp ở cuối thôn –Hoàng hôn mẹ gặp hoàng hôn của người” để được chen vai cùng con cháu để muốn truyền lại cái đức độ: “Bán mua bỏ chín là mười – Đồng xu thì bạc, chợ trời thì xanh.” Chợ cá màu vây màu vảy ánh bạc nhưng tình người không bạc bởi một đời mẹ tôi gắn với đời chợ khi mà: “Mẹ ngồi rổ rá dọc ngang – Nửa nuôi con lớn, nửa san kẻ nghèo”.

Cùng chuyên mục
Tin khác