'Phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính cần được xem là chiến lược quốc gia'

Bảo Duy - 17/08/2020 17:14 (GMT+7)

(VNF) - Theo TS. Trần Du Lịch, cần có một chủ trương nhất quán, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà đặc biệt là cần phải có “cú hích” từ Trung ương thì mới có thể thực hiện mục tiêu, khát vọng đưa TP. HCM thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc gia, hướng đến khu vực và quốc tế trong thời gian sớm nhất.

VNF
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Những năm gần đây, lãnh đạo TP. HCM bày tỏ quyết tâm, khát vọng đưa TP. HCM trở thành trung tâm tài chính (TTTC). Theo đó, TP. HCM xác định quận 2 là TTTC, trung tâm đô thị mới và sẽ trở thành một bộ phận của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông của thành phố.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã có trao đổi với PV báo Sài Gòn Giải Phòng về vấn đề này.

Theo TS Trần Du Lịch, từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về TP. HCM đã xác định việc xây dựng và phát triển TP. HCM thành trung tâm thương mại (TTTM) của cả nước và từng bước trở thành TTTC của khu vực (ASEAN). Đến năm 2012, nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết 16 về TP.

"Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 9 (tháng 12/2005) cũng đã xác định thị trường tài chính là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực của TP và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Năm 2006, UBND TP đã giao cho Viện Kinh tế TP xây dựng Đề án “Phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP. HCM đến năm 2010 và tầm nhìn 2020”. Đề án này đã báo cáo UBND TP. Từ đó đến nay, TP. HCM cũng đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến chủ trương này", ông Lịch nêu.

TS Trần Du Lịch cho hay từ chủ trương của Bộ Chính trị cũng như nhận thức chủ quan của lãnh đạo TP các thời kỳ đều hướng đến mục tiêu làm thế nào để TP. HCM thực sự là một TTTC quốc gia và hướng tới trở thành TTTC của khu vực.

“Định hướng này phù hợp với vị trí, vai trò và thế mạnh của TP được chứng minh qua thực tiễn phát triển, từ khi đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới và mở cửa hội nhập. Tuy nhiên, cho đến nay mọi ý tưởng vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần", ông nhận định.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, để phát triển TP. HCM thành TTTC quốc tế, trước hết cần xác định đây là vấn đề quốc gia chứ không phải là vấn đề riêng của chính quyền địa phương.

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng cần đánh giá các định chế và các nhóm dịch vụ cơ bản của thị trường tài chính tại TP. HCM. Theo ông, 3 nhân tố cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Ba nhân tố này phải là những đặc điểm vượt trội của TP. HCM.

“TP đã từng là nơi 'lập nghiệp' của doanh nhân cả nước thì trong thời đại mới phải là nơi 'khởi nghiệp' của khu vực”, ông Lịch nhấn mạnh.

“Đối chiếu một số tính chất của một TTTC cho thấy để TP. HCM xác lập được vị trí, vai trò của một TTTC quốc gia, hướng tới tầm vóc khu vực còn nhiều bất cập”, ông nói thêm.

Do đó, TS Lịch khẳng định muốn xây dựng TP. HCM thành TTTC khu vực và quốc tế thì cần xem đây là chiến lược kinh tế của quốc gia.

"Đây là điều kiện để Quốc hội, Chính phủ có thể triển khai các chính sách và cơ chế cụ thể để thực thi, bao gồm việc thí điểm các chính sách mới, nhất là các sản phẩm tài chính”, ông Lịch nhấn mạnh.

Theo đó, vị TS cho rằng TP. HCM cần tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo tư duy “kinh tế vùng”, khẳng định là TTTM quốc tế, đi đầu trong chính sách khởi nghiệp, sáng tạo; phát huy vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế. Cùng với đó, cần xác định địa bàn TP. HCM chính là vùng đô thị TP. HCM chứ không giới hạn trong địa giới hành chính của TP. HCM.

“Về hạ tầng đô thị, chúng ta đã có Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TTTC trong khu đô thị mới này thuận lợi để thu hút các tập đoàn đầu tư tài chính, trong đó chính quyền TP phải thể hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho các nhà đầu tư, xây dựng hệ sinh thái mà TTTC có thể vận hành tốt. Nhìn chung, lộ trình xây dựng TTTC khu vực và quốc tế TP. HCM phải qua nhiều giai đoạn và tùy thuộc một phần vào chất lượng sống của đô thị cũng như khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông nói.

Cụ thể, theo TS Lịch, để xây dựng TTTC cần có 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 đến 2025 là giai đoạn củng cố vai trò và hình thành cơ chế vận hành thông suốt của một TTTC lớn nhất nước, cả hạ tầng “mềm” lẫn hạ tầng “cứng” (hạ tầng đô thị và viễn thông). Giai đoạn từ năm 2026-2035, cần hoàn thiện cả 3 yếu tố về thể chế, nhân lực và hạ tầng đô thị.

Giai đoạn 3 đến sau năm 2035, theo ông Lịch, là giai đoạn hướng tới thị trường tài chính quốc tế. Ông Lịch cho hay đây là thời kỳ hội nhập toàn diện với thế giới về chính sách cơ chế vận hành của thị trường tài chính.

"Bằng những điều nêu trên, chúng ta cần có một chủ trương nhất quán, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà đặc biệt là cần phải có “cú hích” từ Trung ương thì mới có thể thực hiện mục tiêu, khát vọng đưa TP. HCM thành TTTC quốc gia, hướng đến khu vực và quốc tế trong thời gian sớm nhất", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác